Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B – Lm. Antôn Hà Văn Minh
Con đường đạt tới quyền lực Nước Trời quả thật là một thách đố lớn lao cho con người xác thịt, vốn bị chi phối bởi những yếu đuối và đầy tham vọng, và có thể nói: chẳng ai yêu mến cuộc sống này, mà lại cùng lúc đi yêu mến cái việc cúi xuống rủa chân như Đức Kitô...
SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B
NGÀY 19/09/2021
Lm. Antôn Hà Văn Minh
LỜI CHÚA: Mc 9, 29-36
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
SUY NIỆM
YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ LÀ QUYỀN LỰC CỦA NƯỚC TRỜI
Ngày 15-9-2021 tờ báo điện tử VNExpress có đăng mẫu tin với tựa đề: Taliban ẩu đả trong dinh tổng thống, nội dung mẫu tin tường thuật về cuộc tranh cãi gay gắt dẫn tới ẩu đả giữa ông Abdul Ghani Baradar và ông Khalilur-Rahman Haqqani, lý do cuộc ẩu đả là vì tranh chấp quyền lực. Cuộc ẩu đả đã mang lại hậu quả tiêu cực trong chính quyền lâm thười của Taliban.
Quyền lực luôn là một cám dỗ lớn lao trong mọi thời đại, và lịch sử nhân loại có thể nói là một lịch sử được hình thành từ những cuộc tranh chấp quyền lực. Từ thẳm sâu trong nội tâm của mỗi người, ai cũng khao khát quyền lực, nhất là khao khát được làm chủ vũ trụ và muôn loài, và luôn tìm mọi cách thế để làm sao loại trừ được Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, bởi bao lâu còn cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, bấy lâu con người cảm thấy lúng túng và không thể đạt tới quyền lực mình mong muốn. Ngay từ đầu nguyên tổ của chúng ta đã phạm tội chống lại Thiên Chúa vì sự khao khát này. Satan đã nói với Eva: “ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 4). Được trở nên như các vị thần, một cám dỗ có sức mạnh kinh hồn đã làm cho nguyên tổ không ngần ngại chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa. Và từ thời đại này tới thời đại khác lịch sử của con người luôn được viết lên bởi những nỗ lực của các thế lực nhằm loại trừ Thiên Chúa và kiến tạo cho mình một quyền lực hầu có thể thống trị và áp đặt ý muốn của mình lên các mối tương quan xã hội.
Thế nhưng cái quyền lực làm mê hoặc con người đã mang lại được gì cho chúng ta? Đức Benêđictô XVI đã nhận định: “Đã có nhiều cuộc thí nghiệm trong lịch sử, trong đó con người chối từ Thiên Chúa, tìm cách tự mình và bằng những cơ cấu quyền lực tạo ra cho mình những thứ họ cần. Tất cả những thí nghiệm đó đưa tới đâu, chúng ta đã rõ. Chúng luôn là tấm gương cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta: Ở đâu con người chối bỏ Thiên Chúa, ở đâu ta muốn tự mình thiết lập một thế giới không cần Thiên Chúa, ở đâu ta cho rằng thoả mãn các nhu cầu vật chất do quyền lực mang lại mới là lối giải quyết đích thực, ở đó ta chẳng giải quyết được gì hết, mà trái lại ta đang phá hoại, đang thực hiện công trình của Satan”.
Đó là lý do Chúa Giêsu khiển trách các môn đệ khi các ông tranh luận ai là người làm lớn nhất, cũng có nghĩa ai là người có quyền lực nhất trong nhóm mười hai. Một cuộc tranh luận như thế biểu lộ tham vọng của các môn đệ, điều đó tỏ lộ cho biết các ông chưa thấm nhuần “men Tin Mừng”, hay nói cách khác, bước theo Chúa các ông cũng đang nhen nhúm cho mình một niềm vọng vào tương lai khi Đức Kitô thiết lập Vương quốc của Người, một vương quốc theo suy nghĩ của các ông. Chắc chắn các ông đã nghe Tin Mừng giải phóng mà Chúa Giêsu đã công bố tại hội đường Capharnaum, và các ông tin tưởng rằng, Thầy Giêsu sẽ giải phóng xã hội hiện thời, một xã hội đầy dẫy bất công, áp bức bằng một xã hội khác công bằng hơn, yêu thương hơn, một xã hội không còn bóng dáng đàn áp của đế quốc Roma. Vâng, họ chờ đợi công cuộc giải phóng của Chúa Giêsu, cho nên họ chuẩn bị cho mình một tư thế mới trong xã hội mới, xã hội được Chúa thiết lập. Họ hy vọng với tư cách người môn đệ, họ cũng mong muốn có vị thế xứng đáng. Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng các môn đệ, khi đặt câu hỏi với các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?”, cũng là lúc Chúa thấy cần phải nói rõ cho các ông hiểu thế nào là quyền lực trong Nước trời và ai là người chiếm hữu được quyền lực này: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Có lẽ lời Giáo huấn của Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ tròn xoe đôi mắt: “thế nghĩa là gì?”
Quả thật, Chúa Giêsu đã đưa ra một chỉ dẫn hoàn toàn đối lập với lối tư duy của con người: để có có quyền lực thì phải từ bỏ quyền lực để phục vụ, và những ai không đứng trong hàng ngũ của những kẻ quyền lực, kẻ đó là người may mắn, “họ là kẻ may mắn, khi nhận thức được rằng, quyền và của mà mình nhận được là một sứ mạng, để qua đó mình trở thành người phục vụ”, Đức Benêđictô XVI đã nhận định như thế và ngài nói tiếp: “Bao lâu người ta coi quyền và của tự chúng là cùng đich giá trị, thì quyền luôn luôn là quyền chống lại người khác, và của luôn luôn là của chỉ để riêng mình”, điều đó không thuộc về công việc giaỉ phóng của Chúa nhằm mang lại sự tự do và sự sống cho con người. Vâng, quyền lực của người thuộc về Nước trời là những người từ bỏ cái tôi luôn muôn thống trị để mặc lấy thái độ phục vụ trong khiêm tốn của người tôi tớ. Quyền lực của người phục vụ như tôi tớ được dệt lên từ việc từ bỏ chính mình, điều mà Chúa Kitô đã thể hiện như là khuôn vàng thước ngọc cho những ai đi tìm quyền lực trong Nước Trời: “Thiên Chúa đầy quyền lực đã không dẫm đạp ta, trái lại Ngài cúi xuống để nâng ta lên ngang tầm với Ngài. Thiên Chúa có thể trở nên bé nhỏ, đó là tât cả bí ẩn trong cái cao cả của Ngài. Ngài không bước xuống từ bệ cao, và cũng không an ngự chốn thiên cung”. Với cử chỉ hạ mình của Ngài qua việc mặc lấy thân phận hài nhi bé nhỏ nơi Belem “ngài muốn thay đổi ý nghĩ về quyền lực và về cai trị. Ngài chỉ ra, khi ta có thể sai khiến đám đông và có mọi thứ mình mốn, lúc đó ta đang rơi vào nhỏ mọn, còn khi ta phục vụ kẻ khác, đó là lúc ta trở nên cao cả” (Đức Benêđictô XVI).
Con đường đạt tới quyền lực Nước Trời quả thật là một thách đố lớn lao cho con người xác thịt, vốn bị chi phối bởi những yếu đuối và đầy tham vọng, và có thể nói: chẳng ai yêu mến cuộc sống này, mà lại cùng lúc đi yêu mến cái việc cúi xuống rủa chân như Đức Kitô. Vì thế, để đạt tới quyền lực của Nước Trời phải biết yêu thương, dĩ nhiên phải yêu thương như Đức Kitô, Đấng đã yêu cho đến nỗi tự hiến chính mình để kéo con người lên và trả lại cho họ sự sống đời đời, nếu yêu thương mà không rập khuôn theo Đức Kitô thì nói như thánh Augustino: “nếu chọn yêu bản thân thì sẽ đấnh mất Thiên Chúa, nếu chọn yêu Thiên Chúa thì sẵn sàng quên đi chính bản thân mình”, và khi quên đi bản thân chính là lúc chúng ta đang sắm cho mình quyền lực của Nước Trời. Mẹ Têrêsa Calcutta đã mạnh dạn lên tiếng giữa 3.000 khán giả trong đó có gia đình Tổng thống Mỹ Bill Clinton, các đại biểu quốc hội Mỹ và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới: “Chúng ta đang ra sức dùng quyền lực của chúng ta đang có để kiến tạo hoà bình, thế nhưng hoà bình không đến từ quyền lực tạm bợ này. Nếu chúng ta nhớ rằng Chúa yêu thương chúng ta, và rằng chúng ta có thể yêu thương người khác như Ngài đã yêu chúng ta, thì nước Mỹ sẽ trở thành chỉ dấu cho hòa bình của thế giới. Từ nơi đây, chỉ dấu của việc chăm sóc cho những người yếu thế nhất trong những người yếu thế - những đứa trẻ không được sinh ra - sẽ lan toả ra khắp thế giới. Nếu các bạn là một ngọn lửa rực cháy cho công lý và hòa bình trên thế giới, thì các bạn sẽ làm đúng với những gì những người sáng lập đất nước này đã đấu tranh vì nó. Chúa ban phước lành cho các bạn!”. Vâng, phục vụ cho những kẻ bất hạnh, nghèo khó chính là quyền lực mà Chúa Giêsu mong từng người trong chúng ta khao khát và sở hữu cho bằng được. Amen