Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B – Lm. Antôn Hà Văn Minh

Chúa Giêsu đã minh định: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.  Việc các tôn giáo đáp lại lời mời của Đức thánh cha về Assise là ly nước mát mà họ dành cho Giáo Hội trong cái nhìn vì Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô...

SUY NIỆM LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B

NGÀY 26/09/2021

Lm. Antôn Hà Văn Minh

LỜI CHÚA: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.
 
SUY NIỆM

 

HÃY DỠ BỎ PHÁO ĐÀI ĐỐ KỴ
ĐỂ CON ĐƯỜNG GIÊSU ĐƯỢC RỘNG MỞ

Ngày 15/9/2021 trên chuyến bay từ Slovakia trở lại Vatican ký giả Gerard O’Connell của tạp chí America đặt câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, như Đức Thánh Cha đã thấy, tại Hoa Kỳ, sau những cuộc bầu cử vừa qua, nhưng cả từ năm 2004, vẫn có một cuộc tranh luận giữa các Giám Mục về việc cho rước lễ các chính trị gia ủng hộ các đạo luật phò phá thai và quyền của phụ nữ được lựa chọn. Và như Đức Thánh Cha đã tường, có những Giám Mục muốn từ khước việc rước lễ đối với tổng thống và nhiều người khác, có những Giám Mục khác chống lại việc này, lại có một số Giám Mục nói rằng không nên sử dụng Thánh Thể như một vũ khí. Đức Thánh Cha nghĩ gì về thực tại ấy và Đức Thánh Cha có lời khuyên nào với các Giám Mục? Và rồi câu hỏi thứ hai, trong tư cách một Giám Mục, suốt trong những năm qua, có bao giờ Đức Thánh Cha từ khước Thánh Thể đối với bất cứ ai không?”
 
Đức Thánh Cha trả lời: “Tôi chưa bao giờ từ chối Thánh Thể cho bất cứ ai. Không một ai. Tôi không biết có ai đến với tôi trong hoàn cảnh đó hay không, nhưng tôi không bao giờ từ chối Thánh Thể. Cho đến ngày nay với tư cách là một linh mục, không bao giờ. Nhưng tôi chưa bao giờ rõ liệu có người nào đến trước mặt tôi như ông mô tả hay không. Đúng như thế. Đơn giản, lần duy nhất tôi gặp chuyện buồn cười là khi tôi đi cử hành thánh lễ trong một viện dưỡng lão. Và chúng tôi đang ở trong phòng khách và tôi nói: ‘Ai muốn Rước lễ, hãy giơ tay lên’. Và tất cả mọi người, họ lớn tuổi, đều giơ tay lên. Và tôi đã cho rước lễ một mệnh phụ, và [sau đó] bà ấy nắm lấy tay tôi và nói, ‘Cảm ơn Cha, cảm ơn Cha, con là người Do Thái’. Bà ấy nắm lấy tay tôi. Ngay cả người mà tôi đã nói với bạn là một phụ nữ Do Thái, tuy nhiên, vẫn cứ tiến hành. Điều kỳ lạ duy nhất. Nhưng sau đó người phụ nữ mới nói với tôi” . Ngài thú nhận, “Đôi khi, điều tôi nói gây hoang mang. [Tuy nhiên] Tất cả như nhau, tôn trọng mọi người. Chúa tốt lành muốn cứu mọi người, Chúa muốn cứu mọi người. Xin vui lòng, đừng bắt Giáo Hội phải bác bỏ chân lý của mình”.
 
Vâng, Chúa tốt lành muốn cứu hết mọi người, vì thế, nơi Chúa Giêsu không có khái niệm loại trừ, có chăng Chúa chỉ lên án thái độ giả hình như Chúa lên án những người luật sĩ và Phaisiêu.Lời minh định của Chúa: Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con, là lời giáo huấn về một thái độ bao dung độ lượng để kiến tạo mối tương giao với người khác trong tâm tình tin tưởng mến yêu, đây là thái độ của những người môn đệ Chúa phải có. Bởi Chúa đến để thiết lập Nước Trời, nơi đó qui tụ tất cả mọi người thiện tâm, những người bàn tay thanh sạch và gian trá. Dĩ nhiên để bước vào Nước Trời chỉ có một con đường duy nhất, con đường Giêsu, nhưng có rất nhiều ngã đường dẫn tới một con đường duy nhất này. Nhà báo Peter Seewalt hỏi đức hồng y Joseph Ratzinger, sau này là Giáo hoàng Benêđictô XVI: Có bao nhiêu con đường tới Chúa? Và Đức Ratzinger trả lời: Bao nhiêu người thì bấy nhiêu con đường. Bời vì, ngay cả giữa những người cùng chung một niềm tin, mỗi người sống mỗi khác. Chúa Ki-tô nói: Tôi là đường. Như vậy rốt cuộc cũng chỉ có một đường mà thôi, và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào rồi cũng bước vào con đường của Ngài. Nhưng không phải tất-cả mọi con đường đều như nhau theo ý-thức và ý-muốn chủ-quan của ta. Song trái lại, vì con đường độc-đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người”.
 
Trong một thời gian dài, Giáo Hội trước Công Đồng Vaticanô II đã xây dựng cho mình một pháo đài với một thái độ của các môn đệ: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Pháo đài này đã ngăn cản Tin Mừng đến với nhiều dân tộc. Chẳng hạn trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam đã gặp biết bao trở ngại vì thái độ nghi kỵ các niềm tin của các tôn giáo khác. Thật vậy, kể từ thời hạt giống Phúc âm được đâm chồi nẩy lộc cho tới thời hậu bán thề kỷ 20 người giáo dân Việt nam có một cái nhìn tiêu cực về các tôn giáo bạn. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi ngay từ đầu các nhà thừa sai Tây phương đã có một cái nhìn sai lạc về các tôn giáo cổ truyền ở Việt nam. Khác lạ về phong tục tập quán và nhất là hoàn toàn xa lạ với tính chất của ngưới Á đông, các nhà thừa sai đã có một thành kiến không tốt về các tôn giáo ngoài Kitô giáo, thành kiến đó đã được chuyển giao đến cho người Kitô hữu Việt nam qua các giáo huấn. Các nhà thừa sai đã yêu cầu các Kitô hữu phải chống lại ảnh hưởng Phật giáo. Cấm tất cả các Kitô hữu không được đến chùa chiền để tham dự những nghi thức Phật giáo. Và khi phải tiếp xúc với những “người ngoại đạo” thì phải hết sức cẩn thận, giữ mình kẻo bị “lây nhiễm” thói tục của họ. Một thành kiến ngăn cản việc loan báo Tin Mừng.
 
Công Đồng Vaticanô II đã dỡ bỏ pháo đài nghi kỵ này, qua Tuyên ngôn Nostra Aetate (Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo): “Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và phải không ngừng rao giảng Chúa Kitô, Đấng là ‘đường, sự thật và sự sống’ (Ga 14,6) trong Người, con người tìm được đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, gìn giữ và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội-văn hóa nơi những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhờ việc đối thoại và hợp tác với thái độ thận trọng và bác ái, trong khi vẫn nêu cao chứng tá của niềm tin và đời sống Kitô giáo”.(NA số 2)
 
Để nói lên tinh thần của Công Đồng Vaticano II luôn là đuốc sáng chiếu soi trong đời sống Giáo Hội, vào ngày 27 tháng 10 năm 1986 thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tổ chức Ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi, đã quy tụ 50 đại diện các Giáo Hội Kitô và 60 đại diện các tôn giáo lớn toàn thế giới. Phát biêu nhân dịp này Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày cầu nguyện tự nó là một lời mời gọi thế giới ý thức rằng có một chiều kích khác của hoà bình, và một cách thức khác thăng tiến hoà bình. Nó không phải chỉ là kết qủa của các cuộc thương thuyết hay các giàn xếp chính trị kinh tế. Lời cầu nguyện và chứng tá của các tín hữu thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào có thể góp phần rất nhiều cho nền hoà bình trên thế giới”.
 
Chúa Giêsu đã minh định: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.  Việc các tôn giáo đáp lại lời mời của Đức thánh cha về Assise là ly nước mát mà họ dành cho Giáo Hội trong cái nhìn vì Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô, Đấng đến trần gian để kiến tạo hoà bình bằng đời sống yêu thương. Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định: "Khi cảm thức tôn giáo đạt tới sự trưởng thành, nó làm nảy sinh trong các tín hữu một nhận thức: lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo vũ trụ và là Cha của mọi người, phải khuyến khích các mối tương quan huynh đệ phổ quát giữa con người. Quả thế, mọi truyền thống tôn giáo lớn đều chứng thực về mối giây mật thiết giữa mối tương quan với Thiên Chúa và nguyên tắc đạo đức của tình yêu."

Mỗi một người Kitô hữu chúng ta phải là người dẫn đường cho những người khác bước vào con đường Giêsu, con đường của yêu thương, của hoà bình qua thái độ bao dung độ luợng của chúng ta. Hãy nghe Mẹ Têrêsa Calcuta xẻ chia: Một người đàn ông đến nhà chúng tôi và nói: “Mẹ Teresa, có một gia đình đã không có gì ăn trong một thời gian dài. Hãy làm điều gì đó”. Nghe thấy vậy, tôi đã mang một ít gạo đến đó ngay lập tức. Tôi thấy những đứa trẻ - đôi mắt chúng sáng lên vì đói. Tôi không biết các bạn đã bao giờ thấy người đói hay chưa. Nhưng tôi thấy điều đó thường xuyên. Người mẹ trong gia đình đã cầm lấy túi gạo và đi ra ngoài. Khi cô ấy quay trở lại, tôi hỏi cô ấy: “Cô đã đi đâu vậy? Cô đã làm gì?”. Cô ấy cho tôi một câu trả lời rất đơn giản: “Họ cũng đang đói”. Họ là ai? Họ là một gia đình Hồi giáo mà cô ấy quen. Tôi không mang thêm gạo đến vào tối hôm đó vì tôi muốn họ, những người Ấn giáo và Hồi giáo, cùng nhau tận hưởng niềm vui của sự sẻ chia. Amen.