Clock-Time

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay A | Ga 9:1-41 | Lm Alfonsô

Hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cử hành Chúa nhật thứ IV Mùa Chay. Nhưng màu áo tím được thay thế bằng màu hồng vì ngày này còn được gọi là Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare). Vui bởi vì con cái Giáo hội đã đi hơn nửa chặng đường Mùa Chay Thánh. Màu hồng thể hiện sự lạc quan khi ta tập sống Chay tịnh, Cầu Nguyện, làm việc Bác ái. Ba hình thức này giúp tâm hồn chúng ta nhận ra được ánh sáng khi dám sống lời mời gọi của Thiên Chúa.

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Bài đọc 1: 1Sm 16,1b.6-7.10-13a

“Đavit được xức dầu làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”.

Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 22,1-3a.3b-4.5.6

Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c.1).

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Đáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.

Bài đọc II: Ep 5,8-14

“Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng. Bởi thế, thiên hạ nói: “Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”. Đó là lời Chúa.

Câu xướng trước Tin Mừng Ga 8,12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 9,1-41)

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?” Chúa Giêsu đáp: “Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian”. Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa” (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Đúng hắn!” Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”. Họ hỏi anh: “Làm thế nào mắt anh được sáng?” Anh ta nói: “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy”. Họ lại hỏi: “Ngài ở đâu?” Anh thưa: “Tôi không biết”. Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Đó là một tiên tri”. Nhưng người Do Thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: “Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?” Cha mẹ y thưa rằng: “Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy”. Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do Thái, vì người Do Thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Lúc ấy người Do Thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”. Anh ta trả lời: “Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy”. Họ hỏi anh: “Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?” Anh thưa: “Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?” Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môisen. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môisen, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến”. Anh đáp: “Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài. Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: “Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù”. Những người Biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: “Thế ra chúng tôi mù cả ư?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói ‘Chúng tôi xem thấy’, nên tội các ngươi vẫn còn”. Đó là lời Chúa.

Suy niệm 1:

Hành trình đưa con người từ bóng tối đến ánh sáng, từ tội lỗi đến việc nhận lãnh ơn Chúa gồm nhiều bước và cần nhiều nỗ lực. Nhưng điều đáng chú ý, đó không chỉ là những bước đi của con người, mà còn là những bước đi của Thiên Chúa như một người cha người mẹ để mắt tới con cái và dẫn dắt chúng: Ngài đi những bước trước, và Ngài còn bước những bước sau cùng để hoàn tất.

Bài đọc thứ I cho chúng ta cách thức tuyển chọn của Thiên Chúa. Bêlem là một vùng quê không tên tuổi đến nỗi tiên tri Mikha nói: “ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa” (Mk 5,1). Hơn nữa, Đavíd là con út trong gia đình đông con mà lại đang vắng mặt. Nhưng Thiên Chúa vẫn chọn lựa, để bày tỏ niềm ưu ái đối với những kẻ bé mọn và khiêm hạ. Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Ngài bảo Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi, để sau này ông thống nhất Isael.

Và đối với thánh sử Gioan, việc Chúa Giêsu làm phép lạ không chỉ đơn thuần là một phép lạ, nhưng đó là một dấu chỉ, để từ đó khơi dậy niềm tin và củng cố niềm tin cho các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay. 

Như chúng ta biết, bệnh mù cũng có cấp độ:

– Quáng gà: bệnh con mắt không phải mù mà không trông thấy rõ khi chập tối, giống như gà vậy.

– Thong manh: bệnh làm cho mắt thấy lờ mờ tuy con mắt vẫn mở như thường.

– Mù tịt: con mắt lúc nào cũng như ở trong đêm tối và không trông thấy gì.

Khi nói về bệnh mù thì ai cũng hiểu là mù thể lý. Về phương diện thiêng liêng, ta thấy còn bệnh mù tinh thần hay mù đức tin. Hình ảnh của một người mù từ thuở mới sinh thánh Gioan muốn nói tới bước đi của một tân tòng, người tiến tới Bí tích Rửa tội. Anh mù để được chữa lành phải đối diện với biết bao nhiêu là ngăn trở. Người tín hữu đạo mới cũng không thiếu việc trải qua thử thách, cả với những thành viên còn lại trong gia đình chưa tin vào Chúa.

Chúa Giêsu trông thấy một người mù, Người trông thấy những thử thách của chúng ta. Vào thời đó, người Do Thái tin rằng nguyên nhân của những bất hạnh như tai ương hay bệnh tật là án phạt của tội, không phải tội của đứa bé thì là của cha mẹ chúng. Trước cái xấu diễn ra, con người mọi thời đại cố gắng loay hoay tìm một sự lý giải. Và rồi, Chúa Giêsu đã đi bước trước trong việc đến với con người để cứu đỡ con người. Người bác bỏ quan niệm nhân quả của tội. Người tách biệt rõ ràng điều bất hạnh và án phạt, sự đau khổ và tội. Cảnh đời bất hạnh của một người không do tội của họ, nhưng là cơ hội để Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài. Cho nên sự mù lòa duy nhất có tội chính là sự cố chấp mù lòa không chịu tin vào Chúa.

Theo niềm tin dân gian phổ biến, nước miếng có một giá trị dược liệu chữa bệnh. Không biết thực hư thế nào mà có một số người, sáng ngủ dậy thấy mặt nổi mụn hoặc gặp vết côn trùng đốt, họ dùng chút nước bọt buổi sáng thoa lên cốt cho mụn lặn đi, hết vết nổi mẩn ngứa hoặc chỗ bị trầy mà không có thuốc sát trùng tại đó thì thoa ít nước miếng giúp vết thương mau lành. Khoa học có nói sáng dậy uống một ly nước ấm trước khi súc miệng để nước miếng sáng sớm đi xuống bao tử giúp cho đường ruột tiêu diệt vi khuẩn có hại. Chúa Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa”. Anh ta làm theo và được sáng mắt thể lý khỏi sự mù lòa.

Trước những điều Thiên Chúa làm, có người thì tò mò như những người láng giềng; có người thì bất đồng ý kiến là những người trong xã hội hay đem chuyện người ta bàn tán ở quán cà phê, hàng quán, chợ búa; có người thì lại sợ liên lụy, như ba mẹ anh mù vì sợ người Do Thái trục xuất họ, sợ phiền toái đến với mình nên hay tránh né; có người lại chống đối ra mặt như những người Pharisêu tự xem mình tốt lành, giữ luật nghiêm ngặt.

Đối lại là anh mù, anh đi từ con mắt thể lý được chữa lành tới con mắt đức tin được khai sáng. Ban đầu, anh ta trả lời: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. Sau đó khi đối diện với những người diện rộng hơn bàn tán và chia rẽ nhau, họ chất vấn và muốn anh làm trọng tài bằng cách hỏi anh: “Anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh kết luận: “Người là một vị tiên tri!” Và anh còn tiến sâu hơn trong đức tin khi dẫn chứng rằng “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” Cuối cùng, khi đối diện với Chúa Giêsu, Đấng tự tỏ mình ra cho anh, anh khẳng khái tuyên xưng đức tin của mình: “Thưa Ngài, tôi tin” và kèm theo cử chỉ cúi sụp thờ lạy Người, một cử chỉ chỉ có từ một tín hữu đối với Đấng mình tôn thờ.

Vâng, trong khi những người Pharisêu bị giam hãm trong sự vô tín của họ, thì chính anh mù lại không ngừng tiến lên trong đức tin từng bước một. Anh tin người đối diện trước mặt anh là một người tốt, một ân nhân, một người được Chúa sai đến, là Đấng Kitô, và sau cùng còn là Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta có đi tìm chân lý không? Chúng ta có bị ngăn cản bởi những điều lý đoán của mình một cách võ đoán không?

Câu chuyện về Người Mẹ Một Mắt được kể lại như sau. Khi còn bé, điều làm tôi căm ghét nhất là mẹ, bà làm những công việc lao công tầm thường để kiếm tiền, bà lại có thể ăn bất kì những thứ gì có thể xin được để dành dụm nuôi tôi ăn học. Dù cho tôi không bao giờ phải làm những việc đó và ăn những thứ ấy, nhưng tôi vẫn ghét bà vì bà là một người phụ nữ chỉ có một con mắt. Tôi thật xấu hổ khi một hôm nọ, sau khi xong việc lao công, bà bất ngờ đến trường đợi tôi về cùng. Vừa trông thấy bà lũ bạn tôi đã cười phá lên chế giễu: "Tụi tao biết mẹ mày rồi, bà chỉ có một con mắt". Lúc ấy tôi chỉ ước sao có cái lỗ để độn thổ, tôi ước gì bà biến mất khỏi cuộc đời tôi, rồi tôi vùng vằng bỏ đi trước.

Đến bữa trưa, tôi chẳng thèm động đũa, nhìn thấy bà với một con mắt làm tôi khó chịu, vì bà mà bạn bè khinh thường tôi. Tôi thốt lên: "Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười, con ghét mẹ!" rồi tôi chạy ra ngoài và chẳng hề để ý đến cảm xúc của mẹ. Suốt cả thời thơ ấu, tôi mong sao mau lớn để thoát khỏi căn nhà đó. Chính điều đó thúc đẩy tôi học tập, tôi thành tài, có việc làm và ở riêng. Và đến ngày lập gia đình, tôi lấy lý do mẹ ở dưới quê lên thành thị không quen dễ lạc, nhưng cốt ý tôi không cho mẹ tới dự đám cưới, và không cho bà biết gì về cuộc sống của tôi. Hàng tháng gửi về cho bà một ít tiền, coi như chu toàn bổn phận.

Rồi một ngày nọ, mẹ tôi nhớ con nhớ cháu, bà bất ngờ tìm đến nhà tôi. Đứa con gái nhỏ của tôi vừa mở cửa, trông thấy bà, nó đã khóc hét lên. Lúc đó, không nén được cơn giận, tôi quát: "Ai cho bà đến đây, bà muốn phá hoại cuộc sống của gia đình tôi, con tôi nữa sao?" Mẹ chỉ nói một câu: "Mẹ chỉ nhớ con, nhớ cháu thôi. Mẹ sẽ về liền, mẹ xin lỗi." Kể từ ngày đó, tôi ko thấy mẹ nữa. Nghe mẹ đau bệnh tôi cũng lần lựa không về thăm với lý do bận việc.

Tới ngày bà mất, tôi được hàng xóm điện thoại lên. Nghĩ ngợi một chút, tôi quyết định đưa vợ con về chịu tang. Bên giường, bà để lại cho tôi bức thư: "Con yêu của mẹ, mẹ nghĩ cuộc đời mẹ cũng đã quá dài và mẹ sẽ không tới làm phiền con thêm lần nào nữa. Nhưng có quá tham lam không khi mẹ mong con trở lại thăm mẹ dù chỉ một lần. Mẹ nhớ con nhiều lắm. Mẹ rất mừng khi con đã trưởng thành, và yên bề gia thất. Con không phải xấu hổ vì mẹ nữa. Mẹ xin lỗi con vì mẹ chỉ có một mắt và mẹ làm con xấu hổ với mọi người. Con biết không, khi con còn nhỏ, mẹ đã tìm thấy con ở một gốc cây cuối đường, lúc đó con bị thương rất nặng và con chỉ còn một mắt. Cha con và mẹ đã chạy chữa cho con rất nhiều, cha con lại lâm bệnh và qua đời sớm. Là một người mẹ, mẹ không thể đứng nhìn con lớn lên chỉ với một con mắt. Mẹ vừa gánh vác gia đình kiếm tiền mưu sinh, vừa kiếm bác sĩ chữa cho con để coi sau này được bằng người ta, và con gái không chê con để lấy làm chồng. Mẹ đã cho con con mắt của mẹ, bác sĩ bảo đó là một sự hy sinh to lớn mà đứa bé sau này biết được sẽ rất có hiếu. Mẹ rất tự hào vì con đã có thể nhìn cả thế giới mới với con mắt ấy, Mẹ không bao giờ trách những gì con đã làm, những lúc con cáu gắt với mẹ, mẹ tự nhủ: " Vì đó là nó thương tôi đấy". Có lẽ khi con đọc những dòng thư này là lúc mẹ không còn trên thế gian này nữa. Chúc con hạnh phúc và thành công trên con đường con đã chọn và hãy thay mẹ nhìn cuộc đời bởi đôi mắt của con. Con của mẹ, mẹ yêu con ".

Một người con trong gia đình có đôi khi còn chưa nhận ra được những điều tốt cha mẹ dành cho mình nên còn sống chưa ngoan, một người trò chưa nhận ra những tâm huyết chỉ dạy của thầy nên chưa chú tâm học, một tín hữu còn khô khan nguội lạnh nên chưa nhận ra ơn Chúa không ngừng ban cho mình mọi lúc. Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt có thị lực 10/10 chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cha Carôlô Hồ Bạc Xái trong cuốn Sợi chỉ đỏ (Sợi chỉ đỏ A, tr.122) chia sẻ:

-Tính ích kỷ làm ta mù, không thấy nhu cầu của tha nhân.

-Tính vô cảm làm ta mù, không thấy những việc ta làm đau lòng tha nhân.

-Tính tự phụ làm ta mù, không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.

-Tính kiêu căng làm ta mù, không thấy khuyết điểm của mình.

-Những thành kiến làm ta mù, không thấy sự thật.

-Sự hối hả làm ta mù, không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.

-Khuynh hướng duy vật làm ta mù, không thấy những giá trị thiêng liêng.

-Sự hời hợt làm ta mù, không thấy giá trị thật của con người mà khiến ta hay lên án.

Lạy Chúa, như thánh Phaolô viết thư gởi tín hữu Êphêsô khuyên các tín hữu “Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật.” Xin cho con dám can đảm sống theo những giá trị Kitô giáo, vì chính Chúa đã mở cho con đôi mắt để nhận ra tình thương vô bờ của Ngài. Amen.

Suy niệm 2: XIN BAN CHO CON CON MẮT ĐỨC TIN

Hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cử hành Chúa nhật thứ IV Mùa Chay. Nhưng màu áo tím được thay thế bằng màu hồng vì ngày này còn được gọi là Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare). Vui bởi vì con cái Giáo hội đã đi hơn nửa chặng đường Mùa Chay Thánh. Màu hồng thể hiện sự lạc quan khi ta tập sống Chay tịnh, Cầu Nguyện, làm việc Bác ái. Ba hình thức này giúp tâm hồn chúng ta nhận ra được ánh sáng khi dám sống lời mời gọi của Thiên Chúa.

Đoạn Tin mừng hôm nay xuất hiện một nhân vật là anh khiếm thị. Từ nơi người mù này mà đức tin được vén mở. Ai cũng biết chứng mù mắt nơi một người có thể do tai nạn trong quá trình lao động, do bệnh tật hay từ bẩm sinh. Tác hại của việc mù lòa làm người bệnh không thấy ánh sáng, không nhìn ngắm được cảnh vật xung quanh, không nhận ra được diện mạo của người khác, không thấy đường đi, bị hạn chế trong các thao tác, và còn bị tổn thất trong tâm hồn, vết thương về mặt tâm lý… Mà nói gì đến người khiếm thị, ngay người bị tật về mắt như cận, viễn, loạn cũng đã kinh nghiêm được thị giác mình quý trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống cỡ nào. Giờ giả sử như vì một lý do gì đó mà một người lành lặn bị buộc phải hy sinh đi một phần trong thân thể để giữ được mạng sống thì chắc không ai đồng ý chọn hy sinh con mắt, vì cặp mắt là cửa sổ tâm hồn.

Thấu hiểu được nỗi khát khao của người mù muốn nhìn thấy ánh sáng, Chúa Giêsu tiến đến chữa lành ngay cho anh. Qua việc chữa lành, Chúa Giêsu cũng xóa đi quan niệm lệch lạc về nhân quả theo người Do Thái quan niệm rằng một người bị bệnh mù lòa là do người đó đầy tội lỗi, nếu không thì cũng là do “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Người minh chứng rằng quyền năng Thiên Chúa được tỏ ra nơi bệnh nhân. Để rồi người mù hạnh phúc khi được Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý, và càng hạnh phúc hơn khi được Người mở ra con mắt đức tin để nhận biết Người là Thiên Chúa được sai đến.

Với cử chỉ Chúa Giêsu lấy nước miếng trộn với đất thành bùn, rồi xoa lên mắt người mù và bảo anh hãy đến hồ Silôê mà rửa. Anh mù tin tưởng, đã làm theo lời chỉ dẫn của Chúa và được chữa lành. Niềm vui khỏi bệnh khiến anh sẵn sàng làm chứng: “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã lấy bùn xức mắt tôi và bảo hãy đến hồ Silôê mà rửa”.

Một niềm tin an nhàn hưởng thụ sẽ dễ bị cuốn theo chiều gió, đó là niềm tin theo kiểu cả tin, một niềm tin mù quáng thậm chí mê tín. Vậy để niềm tin có thể triển nở thành đức tin, đòi hỏi người tin chịu thử thách, được trui rèn để đức tin được lớn lên, kiên vững giống như vàng cần được thử lửa vậy. Đó là việc anh mù được chữa sáng mắt giờ đây phải đối diện với những người muốn dùng sức mạnh đám đông để phủ nhận sự thật về Chúa Giêsu, Đấng ở giữa họ rao giảng, làm phép lạ chữa lành và bao việc tốt Người làm cho dân chúng. Nhưng “chân lý không thuộc về số đông”, anh mù được sáng mắt can đảm làm chứng về những ơn mà anh đã nhận được chỉ có thể đến được từ người của Chúa, mặc cho dân chúng tố cáo Chúa Giêsu là kẻ tội lỗi.

Cả đến việc người sống chứng nhân đức tin gặp cảnh huống dở khóc dở cười khi chính những người thân yêu của mình đành im lặng trước sự xấu, trước sức ép của dân chúng vì lẽ người Do Thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Vì lo sợ bị liên lụy, sợ gặp rắc rối nên người thân của anh mù đã để mặc người đó chơi vơi đối diện với người muốn bách hại mình. Vâng, cũng có lúc chúng ta đối diện với việc chân lý bị bẻ cong. Liệu chúng ta có dám đứng về lẽ phải, bênh vực cho người đã làm ơn cho người thân của mình không?

Trước những người quyền thế và luật pháp được trưng dẫn ra về việc phải kiêng việc xác ngày Sabbath, ai làm trái luật thì đều bị kết án là kẻ tội lỗi, anh mù vẫn can đảm tuyên xưng “Ngài là một vị tiên tri”. Anh bảo rằng “Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy”. Khi tuyên bố như thế, đồng nghĩa với việc anh chấp nhận đánh đổi. Việc bị trục xuất khỏi hội đường hay không không quan trọng, vì giờ đây anh đã nhận ra được ánh sáng đức tin. Thật oái oăm, những người vừa sáng mắt vừa tưởng rằng mình nắm hết tông chi lý lịch của mọi người lại không nhận ra được Chúa Giêsu là ai, xuất phát từ đâu. Ngược lại, một anh mù bẩm sinh, chưa từng biết về nhân thân của Chúa Giêsu nay lại kiên vững trong đức tin khi làm chứng rằng Chúa Giêsu là Đấng được sai đến.

Câu chuyện tưởng đâu kết thúc ở việc anh mù được nhìn thấy. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ cho sáng con mắt thể lý nhưng đồng thời Người còn vén mở con mắt đức tin để người mù khỏi cả bệnh mù lòa thiêng liêng. Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành, mạc khải và củng cố đức tin cho con người. Bởi đó khi gặp anh mù, Người đã hỏi anh ta: “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Cử chỉ sấp mình thờ lạy kèm với lời tuyên xưng “tôi tin” chứng tỏ anh nhận ra người đang đứng trước mặt mình là Đấng Cứu Thế.

Vâng, đức tin cần mang tính cá vị để đức tin được bám rễ sâu. Cụ thể như trong thời điểm hiện tại của những ngày đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lan đến 180 quốc gia, đã có một số nơi trên thế giới buộc lòng ngưng mọi hoạt động đi lại công cộng, cả đến trường học, công sở, xí nghiệp, chợ búa… khi có đến 250,000 người mắc phải dịch bệnh và con số này không ngừng tăng thêm. Đức Giáo hoàng Phanxicô rất đau lòng khi trận đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 10,000 người trên thế giới, trong số đó có ít là 30 linh mục thiệt mạng. Thậm chí các ngôi thánh đường là nơi mà các tâm hồn cần tìm đến để được an ủi trong cơn bĩ cực, thì lúc này, một số nhà thờ trong vùng dịch cũng phải chịu chung cảnh đóng cửa, ngưng mọi hoạt động phụng vụ để tránh lây nhiễm. Trước tình hình dịch bệnh như thế, liệu mắt chúng ta có bị “kéo mây” không, có bị mù lòa đặt câu hỏi cách bất an rằng “Có Chúa không, Chúa có quyền năng sao để trận đại dịch xảy ra như vậy?”

Lạy Chúa, dù khi gặp bao nguy biến, xin ban ánh sáng đức tin cho con mắt tâm hồn con được vững mạnh để nhận ra quyền năng và sự quan phòng của Chúa. Với lòng cậy trông, xin cho con tín thác vào Ngài sẽ không bao giờ để con phải thất vọng bao giờ. Amen.