Clock-Time

Suy niệm vọng Phục Sinh

Suy niệm vọng Phục Sinh - Đức tin của chúng ta về việc Chúa đã sống lại, có nền tảng từ lời Thánh Kinh. Chúa Giêsu đã không ít lần nói xa, nói gần, nói bóng, nói gió về việc Ngài sẽ sống lại...
SUY NIỆM VỌNG PHỤC SINH
 

Người ngoài Kitô giáo cho rằng người Công giáo tin vào một người đã chết và sống lại, đó chỉ là chuyện hão huyền, mơ mộng và mị dân. Nhưng đối với Kitô giáo thì đây lại là niềm tin. Bởi thế, Giáo Hội cử hành Lễ vọng Phục Sinh trong đêm nay, là trung tâm điểm của mọi cử hành đức tin của Giáo Hội. Lễ này được cử hành đêm nay được coi là đêm Mẹ của mọi đêm. Chúng ta qui tụ nơi đây để cùng với Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, là Chúa của chúng ta đã chết và đã sống lại.

Niềm tin vào sự sống lại của Kitô giáo, bị các nhà triết học vô thần coi như một sự vong thân, cố quên đi thực tại, hiện sinh của con người. Kitô giáo bị coi ra ru ngủ, là thuốc phiện mê dân. Đối với những người này, con người chỉ là một hữu thể vật chất, kinh tế  mà thôi!

Trung tâm niềm tin Kitô giáo biểu lộ là Đức Kitô tự nguyện chết để cứu độ nhân loại, Ngài đã phục sinh như Thánh Augustino ghi nhận rằng: “Lòng tin của Kitô hữu là sự Phục sinh của Chúa Kitô”.

Bởi vì sẽ không hiểu được những gì đã qua đi, và tương lai sẽ mịt mờ, nếu Niềm tin đó không được vững chắc như Thánh Phaolô tuyên tin: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng... và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15, 14.17). Trống rỗng tức không thể nào có tương lai, và quá khứ và hiện tại thế gian vẫn còn rên siết trong tội lỗi.

Thật vậy, Đức Kitô Phục sinh dẫn nhân loại vào cuộc sống mai sau - bất diệt, như Thánh Phaolô dạy: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.

Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới . Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6, 4-5).

Qua những trang Thánh Kinh, ta thấy những điều Chúa Giêsu đã tiên báo trước : “Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”

Đức tin của chúng ta về việc Chúa đã sống lại, có nền tảng từ lời Thánh Kinh. Chúa Giêsu đã không ít lần nói xa, nói gần, nói bóng, nói gió về việc Ngài sẽ sống lại: “Nếu hạt lúa mì.”; “Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại...”; “Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, một ít lâu nữa các con sẽ chẳng thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha....”

Các phụ nữ ra viếng mồ, thấy mồ trống, khiến các bà sợ hãi vì các bà vẫn chỉ mang trong đầu cái chết ghê sợ của Thầy, và chính các bà là những người đã chứng kiến người ta chôn Thầy trong mồ và lăn tảng đá bít cửa lại, vì thế đối với các bà, hòn đá lấp cửa mộ chính là dấu chấm hết của một con người, cũng chính vì vậy trong tâm hồn các bà chỉ còn một Chúa Giêsu đã chết, và không còn một chút hy vọng nào.

Vì suy nghĩ như thế, nên sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các bà còn đem theo dầu thơm để ướp xác Chúa. Kế đó, các bà thấy hòn đá đã được lăn ra khỏi mộ, không thấy xác Chúa đâu cả, rồi thấy hai người mặc áo trắng đứng đó, song các bà vẫn không thức tỉnh được đức tin. Tác giả Tin Mừng giải thích: Các bà sợ hãi cúi gằm mặt xuống đất, thì hai người kia nói: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết?

Chính vì các bà cúi gằm xuống đất, nên các bà chỉ thấy những sự thuộc về đất chứ không thể nhìn thấy những sự việc ở trên cao, vì chỉ cúi gằm xuống đất nên đức tin của các bà cũng bị giới hạn nơi những sư việc thuộc về con người thuộc về đất, chứ không thể tiếp nhận được một đức tin mạc khải đến từ Thiên Chúa; Và vì các bà chỉ tìm kiếm một Đức Giêsu đã chết ở nơi nấm mồ chết chóc, nên các bà chỉ gặp được sự sợ hãi. Trái lại để đón nhận được niềm tin phục sinh, đòi chúng ta phải ngẩng cao đầu, phải ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa để đặt trọn niềm tin nơi quyền năng của Ngài thì chúng ta mới có thể đón nhận được tin vui lớn lao này.

Trong lúc các phụ nữ còn hoài nghi thì Sứ thần còn nói với các phụ nữ: các bà hãy nhớ lại những gì Người đã nói khi Người còn ở Galilea. Như vậy để đón nhận được tin vui phục sinh thì phải nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã nói về cái chết và sự phục sinh của Ngài, mà Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhớ lại ở đây không chỉ là một hồi ức, mà còn là một sư xác tín vào Đức Giêsu và quyền năng của Ngài, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết, trên biển cả và âm phủ, trên ma quỷ và thần dữ.

Thánh Luca cũng cho thấy thái độ của các tông đồ khi đón nhận tin vui phục sinh này có vẻ thận trọng hơn, các ông cũng không dễ tin ngay vào lời các phụ nữ nói, Phêrô trong vai trò người đứng đầu các tông đồ đã chạy ra xem, thì chỉ thấy còn khăn liệm ở đó thôi, ông trở về và giữ sự im lặng để suy gẫm và và chờ đợi để nhận ra ý Chúa và những dấu chỉ của Chúa.

           Các phụ nữ báo tin cho môn đệ Tin Mừng Phục sinh, và các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh.

Những ai tin đã được Chúa biến đổi; Niềm hy vọng và sự can đảm hòa quyện vào nhau; còn kẻ không tin thì tìm cách chối bỏ các chứng cứ, kể cả việc dùng thủ đoạn ! Quả thật, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu chúng không tin Môisen và các Ngôn sứ thì kẻ chết sống lại chúng cũng chẳng chịu tin đâu.”

Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).
Điều quan trọng là làm sao có được sự sống mới ấy? Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho biết: Thần Khí làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng chính Thần Khí ấy sẽ biến cải chúng ta nên con người mới, với sức sống mới. Chỗ khác, thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1Cr 6, 14). Nhưng vấn đề cụ thể là chúng ta phải làm gì để Thần Khí ấy biến cải chúng ta nên con người mới?

Đức Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng ta, chính là để chúng ta không còn sống cho mình nữa, không còn khư khư giữ lấy mạng sống, giữ lấy sự bảo đảm an toàn ích kỷ của mình nữa, nhưng là phải sống cho Đức Kitô và như Đức Kitô, hoàn toàn vì Thiên Chúa và cho tha nhân. Nếu đã được sống lại với Đức Kitô, chúng ta đừng tìm những gì con người ích kỷ hẹp hòi, con người theo xác thịt xui chúng ta tìm kiếm; nhưng hãy nhìn thẳng về cùng đích của chúng ta mà tiến lên. Đức Kitô đã mang lại cho những đau khổ của con người một ý nghĩa, đã làm cho cuộc sống trần gian nầy không còn là một ảo tưởng, nhưng là một phản ảnh và là con đường đưa đến cuộc sống vĩnh cửu.

Vẫn  mong niềm tin của mỗi chúng ta vào việc Chúa sống lại được cử hành long trọng trong đêm nay – và còn được kéo dài trong suốt 40 ngày tới - sẽ mang lại cho từng người niềm vui và hy vọng để vượt qua những cám dỗ, những rào cản, ... của thế gian khi chúng ta dám đặt niềm tin của chúng ta vào Chúa.

Xin Chúa ban sức mạnh của Ngài cho ta, hầu biến những hành vi, lời nói hằng ngày của ta thành công cụ Loan báo Tin Mừng Phục sinh và Niềm hy vọng cho con  người và thế giới hôm nay.

 
Huệ Minh