Thú Nhận Tội Lỗi Để Có Nước Hằng Sống - Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay (Ga 4:5-42) - Lm Cao Nhất Huy
SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Tung hô Tin Mừng: x. Ga 4: 42.15
Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu độ trần gian, xin ban cho con nước hằng sống, để con không bao giờ khát nữa.
Tin Mừng: Ga 4: 5-42
Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.
Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giê-su bảo: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.
Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa”. Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ”.
Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.
Ca hiệp lễ: Ga 4: 13-14
Chúa nói: “Ai uống nước tôi cho, thì nơi người ấy, nước đó sẽ trở thành một mạch nước chảy vọt, mang lại sự sống đời đời”.
SUY NIỆM
THÚ NHẬN TỘI LỖI ĐỂ CÓ NƯỚC HẰNG SỐNG
“Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”
---/---
Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho ta biết, người nhận mình tội lỗi dễ dàng sám hối hơn những người luôn tự mãn cho rằng mình sống công chính. Kẻ tự mãn là kẻ đã no thỏa, không còn đói khát và mong muốn điều gì khác. Họ sẽ không khao khát để được nên công chính nữa, vì họ nghĩ rằng họ đã công chính rồi. Đây là lối sống của người Biệt phái mà Chúa Giêsu từng cảnh giác các môn đệ Ngài (x. Mt 16: 6). Còn với người tội lỗi như anh thu thuế cầu nguyện trong đền thờ, anh biết mình tội lỗi, nên anh khao khát trở nên công chính.
Người phụ nữ xứ Samari đi múc nước ở bờ giếng được Chúa Giêsu khai mở tâm trí, khiến chị đã làm một việc mà có lẽ trước đây chị chưa từng làm, đó là nhìn vào chính mình. Chúa Giêsu đã nói với chị: “Chị nói, tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. Lời nói của Chúa Giêsu phơi bày tâm hồn ra trước mắt chị. Chị đã sống một đời sống chưa công chính, nhưng chị không nhận ra điều đó. Chỉ khi Chúa Giêsu giúp chị khai thông, thì chị mới đối diện với chính mình để thấy rõ mình hơn. Chính Phêrô cũng từng có kinh nghiệm đó: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5: 8). Như thế, với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu thấy rõ tâm hồn chị. Ngài nhìn thấu những phần sâu thẳm nhất của lòng chị, cả điều xấu lẫn điều tốt. Chính cái nhìn đó khiến cho người phụ nữ phải đối diện với con người tội lỗi của mình, nhờ đó chị mới có khát vọng trở nên công chính.
Tuy nhiên, điều quan trọng, không phải dừng lại ở cái nhìn thấu suốt của Chúa Giêsu, mà là bản thân của con người có dám nhận lỗi của mình hay không. Chúa nhìn thấu tâm hồn của người phụ nữ, chị đã dám nhận lỗi của mình, nhờ đó chị đã có cơ may đến với “Nước Hằng Sống”. Chúa cũng nhìn thấu tâm hồn của Phêrô; vị tông đồ trưởng cũng đã nhận lỗi của mình và mau mắn sửa đổi: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (x. Ga 21: 15-19). Chúa cũng nhìn thấu rõ tâm hồn của Giuđa, nhưng Giuđa đã phớt lờ, không thấy mình có tội, hoặc là “kệ tội”, để rồi tiếp tục những toan tính của mình. Hậu quả là, Giuđa kết thúc cuộc đời trong tội lỗi. Hai tên trộm trên thập giá, một tên không chịu chấp nhận tội mình, hậu quả là hắn ta không được vào Nước Thiên Đàng; còn tên “trộm lành” đã nhận ra sai trái của mình và ăn năn tội, nên anh được vào Nước Thiên Đàng với Chúa Giêsu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23: 43).
Cũng vậy, Chúa nhìn thấu suốt trong tâm hồn chúng ta. Nhiều khi chúng ta cứ tự mãn về phẩm chất đạo đức, về đời sống đạo tốt lành của mình, để rồi dễ dàng bỏ qua những chi tiết nhỏ trong lỗi lầm, và những lỗi lầm nhỏ biến thành lỗi lầm lớn một lúc nào đó mà chúng ta chẳng hay biết. Hoặc nhiều khi chúng ta biết nó là tội, nhưng vì muốn bảo vệ “cái tôi luôn đúng” của mình, mà chúng ta lừa dối chính nội tâm của mình, khuyên nội tâm của mình rằng: “Nó chẳng tội lỗi gì đâu”. Có nhiều đôi vợ chồng trẻ, cứ cuối tuần là rủ nhau đi chơi đó đây, nhưng kẹt phải lễ chúa nhật nên không đi thoải mái được. Nhưng thèm đi chơi quá, đành tự "lừa dối" nội tâm rằng: "Bỏ một tuần không đi lễ chắc cũng không sao". Thế là họ yên tâm đi chơi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Cuộc chiến khó khăn nhất là chống lại những lừa dối nội tâm”. Quả vậy, khi chúng ta càng chú trọng vẻ ngoài của diện mạo đạo đức, của “cái tôi luôn đúng”, thì khả năng lừa dối nội tâm của chúng ta càng cao, và nó sẽ khiến chúng ta dễ dàng phạm tội mà chúng ta không hay biết. Bởi vì, tội lỗi đã thay đổi cái nhìn nội tâm của chúng ta, làm chúng ta đảo lộn giá trị giữa thực tại bền vững và thực tại chóng qua. Nó làm chúng ta dừng lại nơi “giếng nước Giacop” hơn là Nước Hằng Sống của Chúa Giêsu. Chính vì muốn bảo vệ sĩ diện và “cái tôi của mình” mà chúng ta không can đảm nhận lỗi lầm của mình, cho dẫu biết nó là tội.
Ađam-Eva đã chết vì điều đó! Giuđa đã chết vì điều đó! Tên trộm dữ đã chết vì điều đó! Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám nhận lỗi của mình không?
Lạy Chúa, mỗi ngày qua đi, chúng con có nhiều lỗi lầm, nhưng lỗi lớn nhất là không dám thú nhận tội lỗi của mình. Điều đó làm cho chúng con không thể đón nhận Thánh Thể Chúa nơi Thánh lễ một cách trọn vẹn. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết chân thành và khiêm tốn thú nhận tội lỗi của mình, ngõ hầu chúng con có thể đón nhận “Nước Hằng Sống” mà Chúa hứa ban. Amen.
Cao Nhất Huy