Clock-Time

Viễn Cảnh Phục Sinh - Chúa nhật V mùa chay năm A

Anh chị em thân mến, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng, Ngài đã trả lại sự sống cho Lagiarô và lau khô nước mắt cho những người còn đang sống
SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A

VIỄN CẢNH PHỤC SINH


 
Chúa nhật thứ năm mùa Chay này có thể được coi là Chúa nhật của niềm hy vọng Kitô giáo. Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng đồng thời, mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác hoàn toàn cuộc sống chúng ta cho Người : "Ai tin vào Ta sẽ không phải chết và được sống đời đời". Niềm tin này giúp chúng ta mạnh dạn đối diện với những khó khăn của cuộc sống, can đảm đón nhận những thử thách trong cuộc đời, vững vàng trong đau khổ và bình thản không phiền sầu trước cái chết.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc I : Ed 37,12-14

 
Sự phục sinh của dân Thiên Chúa

Dân Israel đang bị đè nặng và như bị tiêu diệt bởi cuộc lưu đày, Tiên tri Ezéchiel đã loan báo cho họ biết Thiên Chúa sẽ đưa họ ra khỏi mồ và dẫn họ đến đất nước của họ.

a. Lời loan báo này của Tiên tri Ezéchiel đi sau thị kiến đặc biệt về "các bộ xương khô". Đó là hình ảnh tượng trưng cho dân Israel. Các bộ xương sẽ được cơ thịt bao phủ, được thổi hơi làm cho sống lại, trở thành một sinh linh mới.

b. Các nhà chú giải Kinh thánh và trong phụng vụ thấy ở thị kiến này một lời loan báo về việc phục sinh kẻ chết.

c. Lời của tiên tri là lời kêu gọi dân Chúa : "Đừng bi quan thất vọng", tình yêu của Thiên Chúa sẽ mở toang mọi nấm mồ chôn vùi con người : nấm mồ tội lỗi để thánh hóa con người, nấm mồ chôn xác để phục sinh kẻ chết.

2. Bài đọc II : Rm 8,8-11

 
Thần Khí phục sinh Đức Kitô cư ngụ trong chúng ta để ban sự sống
 
Thánh Phaolô khẳng định : nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, Thần Khí của Thiên Chúa sống trong chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và hiệp thông chúng ta vào một đời sống mới, đời sống của những người con cái Thiên Chúa.

a. Đây là một bản văn giàu ý nghĩa… Theo Phaolô, thân xác Kitô hữu đã bị dâng cho tử thần vì tội lỗi. Nhờ phép Rửa, Kitô hữu lại đón nhận được Thần Khí sự sống và Phục sinh của Đức Kitô.

b. Nhờ nhận định này chúng ta sẽ không mất hy vọng : những cám dỗ của xác thịt đưa tới tội lỗi và sự chết ; nhờ sức mạnh của Thần Khí con người chiến thắng cám dỗ và tiến tới sự sống.

c. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã phục sinh Đức Kitô ở trong Kitô hữu. Cho nên, dù thân xác có chết bởi tội, vẫn được Ngài làm cho sống lại.

3. Tin mừng : Ga 11,1-45

 
Phục sinh Ladarô
 
Việc phục sinh Ladarô xảy ra vào cuối sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Đây là một dấu chỉ có giá trị quan trọng trong giáo huấn thần học về sự phục sinh và niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Đấng làm chủ cả sự chết và sự sống.

a. Câu chuyện xảy ra ở làng Bêthania, một làng ở gần Giêrusalem, vào cuối cuộc hành trình của Chúa Giêsu, lúc mà các môn đệ đã biết rõ Thầy mình đang trên đường tiến đến cái chết như chính Người đã báo trước rõ ràng. Chính việc này cũng đã thúc đẩy công nghị dứt khoát lên án tử hình Chúa Giêsu.

b. Phép lạ phục sinh Ladarô như là một dấu chỉ : một đàng để làm vinh danh Chúa Cha nơi Người ; đàng khác, để cho các môn đệ tin rằng Người được Chúa Cha sai đến.

c. Lời tuyên xưng của Matta : "Con tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa" tóm tắt rõ ràng tất cả niềm tin của Kitô giáo. Niềm tin này không dựa trên một giáo huấn, nhưng hoàn toàn gắn liền với con người sống động của Chúa Giêsu Kitô Nagiarét.

II. GỢI Ý BÀI GIẢNG

1. Đức Kitô, Đấng ban sự sống : 


Đỉnh cao của phép lạ phục sinh Ladarô là việc Ladarô sống lại đi ra khỏi mồ. Nhưng như cách trình bày quen thuộc của Gioan, đây cũng là một dấu chỉ hàm chứa một chân lý đức tin quan trọng nhất của niềm tin Kitô giáo : Đức Kitô Đấng ban sự sống. Đức Kitô là Đấng ban sự sống đã được chính Người nói rõ với Matta, chị Ladarô. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và Matta xoay quanh vấn đề này. Matta được Chúa Giêsu mạc khải Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người sẽ được sống, Matta đã tin vào Người. Tuy nhiên bà vẫn không tin rằng Chúa có thể làm cho Ladarô sống lại ngay lúc đó. Bà cũng chỉ dừng lại ở niềm tin vào sự sống lại ngày tận thế như nhiều người Do Thái khác, mặc dù vẫn biết rằng Chúa Giêsu có một uy quyền, một sức mạnh từ Thiên Chúa : Thầy có mặt ở đây thì em con không chết… con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng ban cho Thầy. Thế nhưng, Người đã làm cho Ladarô sống lại dù đã chết bốn ngày. Điều này như là một khẳng định cho lời Người đã nói : Người chính là Đấng ban phát sự sống.

Dấu chỉ Ladarô sống lại mời gọi gia tăng niềm tin vào Chúa Giêsu : phải tiến tới từ niềm tin vào sự sống lại ngày sau hết đi lên niềm tin vào chính Chúa Giêsu Đấng ban sự sống.

2. Sự phục sinh của Ladarô, dấu chỉ phục sinh đích thực của Chúa Giêsu : 

Phép lạ phục sinh Ladarô ngay trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã tiên báo chính sự phục sinh của Người. Ladarô sống lại nhưng rồi sẽ chết, còn Chúa Giêsu một khi đã sống lại thì không bao giờ chết nữa. Sự chết không làm gì được Người nữa. Nơi Người sự sống đã khải hoàn viên mãn. Việc phục sinh Ladarô là dấu chỉ cho những việc xảy đến trong cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu sắp chịu. Theo Gioan, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu đã khởi đầu với dấu chỉ này : Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn để rồi sẽ chiến thắng sự chết, phục sinh vinh hiển mở đường cho những ai tin vào Người cũng sẽ phục sinh với Người. Chúa Giêsu đã hồi sinh Ladarô, chính Người đã được Chúa Cha phục sinh, thì những ai tin vào Người, cùng chịu đóng đinh với Người thì cũng sẽ sống lại với Người.

Cuộc đời của mỗi Kitô hữu hôm nay phải phản ánh rõ nét và trung thực niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng ban sự sống. Mọi nỗ lực sống nhân bản, sống đức tin, cùng nhau xây dựng nền văn minh sự sống chính là những dấu chỉ mà Chúa Giêsu dùng tay Kitô hữu để nói cho con người và thế giới hôm nay về chính Người là sự sống lại và là sự sống.

3. Phép lạ phục sinh Ladarô, dấu chỉ của niềm hy vọng : 

Măc dầu tin vào quyền năng của Chúa Giêsu ; tin vào thế giá của Người trước ngai Chúa Cha, thế nhưng, hai chị em Matta và Maria vẫn đau khổ, vẫn thất vọng trước cái chết của người em. Và nhiều người hiện diện nơi làng Bêthania ngày xưa cũng cùng chung một não trạng tang chế đau buồn. Chính vì thế, khi nghe lời đề nghị lăn tảng đá lấp mồ ra, mọi người đều nghi ngại : "Thưa Thầy đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Thật kỳ diệu, tảng đá được lăn ra, Ladarô đã sống lại. Một bầu khí ngạc nhiên vui mừng, một niềm phấn khởi chắc hẳn đã trào dâng. Phép lạ Ladarô sống lại đã khơi lên nguồn hy vọng, niềm tin tưởng và cậy trông. Vành khăn tang, bầu khí chết chóc đã được thay bằng nụ cười, bằng niềm hy vọng.

Ai ai cũng sợ chết, nhà nào cũng đau khổ trước cái chết của người thân, nhưng Kitô hữu sẽ không thất vọng, không đau khổ và không khóc lóc vì biết rằng chết không phải là hết mà sẽ được sống lại nhờ quyền năng của Chúa Giêsu Kitô. Đó chính là niềm hy vọng, là niềm vui sống lớn lao của những ai tin vào Chúa.

III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU :

Mở đầu : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Trong niềm tin tưởng, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. Giáo hội được Chúa Giêsu trao phó sứ mạng công bố và trao ban sự sống thần linh của Chúa qua các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh thể. Chúng ta cùng cầu xin cho Giáo hội luôn luôn can đảm bảo vệ, cổ võ và nhiệt thành góp phần xây dựng một nền văn hóa sự sống cho thế giới hôm nay.

2. Ngày nay biết bao thanh thiếu niên, biết bao gia đình đang rơi vào thảm cảnh chết chóc của tệ nạn xã hội, của cơn đại dịch HIV/AIDS. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần xã hội từ các nhà lãnh đạo cho đến các tổ chức thiện nguyện và mọi người biết cùng nhau ngăn chặn và tiêu diệt những tệ nạn này đồng thời quyết tâm xây dựng một nếp sống trong sáng, lành mạnh.

3. Con tin Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban sự sống bằng chính nỗ lực xây dựng một đời sống đạo đức, xây dựng một gia đình trở nên cộng đồng của tình yêu và sự sống.

Lời kết : Lạy Thiên Chúa là Đấng hằng sống, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương tạo dựng và ban sự sống cho chúng con và còn hơn nữa khi con người sa ngã phạm tội phải chết, Chúa đã sai Chúa Giêsu Con Một Chúa đến cứu độ và ban sự sống vĩnh cửu. Xin cho chúng con được sống và sống dồi dào ân sủng và tình yêu của Chúa, để chúng con biết xây dựng và trao ban sự sống mới của Chúa cho xã hội chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng