Clock-Time

AI LÀ BẠN HỮU CỦA CHÚA? - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên | Lc 8:4-15 | Lm Cao Nhất Huy

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, có lẽ mình đọc Lời Chúa rất nhiều, nhưng đôi khi chúng ta vẫn ganh tị với người giỏi hơn mình, giàu hơn mình; khinh thường người ăn xin, người hành khất, người đói rách; thành kiến, phe nhóm và loại bỏ người khác niềm tin, khác ý tưởng. Nếu chúng ta đang ở tình trạng này, thì chúng ta mới chỉ dừng chân ở mức độ hiểu biết trên lý thuyết, chứ chúng ta chưa thực sự hiểu biết về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chưa phải là bạn hữu của Chúa!

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng

Tin Mừng: Lc 8: 4-15

Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:

 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe”.

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”.

SUY NIỆM

AI LÀ BẠN HỮU CỦA CHÚA?

“Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu” (Lc 8: 10)

---/---

Thánh Phaolô nói rằng: “Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí.” (1Cr 2,9-10). Như vậy, không phải nhờ vào trí khôn thế gian mà chúng ta biết về Thiên Chúa, nhưng nhờ vào lòng yêu mến, cộng với ơn ban của Thiên Chúa mà chúng ta biết về Ngài. Chính lòng yêu mến thúc giục chúng ta bỏ qua những giới hạn của trí khôn để tìm kiếm Thiên Chúa. Trong sự nỗ lực của lòng yêu mến đó, chúng ta được ân sủng của Thiên Chúa trợ lực và ban ơn, giúp chúng ta tìm thấy Ngài trong cuộc đời.

Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu(Lc 8: 10). Câu nói của Chúa Giêsu nghe có vẻ Ngài thiên vị một số người được tuyển chọn. Nhưng không phải thế! Thật ra, chỉ những ai có lòng yêu mến Chúa và nỗ lực tìm kiếm Ngài thì mới “được ơn” hiểu biết về Ngài.

Thực ra, tất cả mọi người đều được Chúa ban cho ơn hiểu biết về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng ơn đó phụ thuộc vào mức độ chúng ta yêu mến Chúa nhiều hay ít mà thôi. Bất cứ ai càng nỗ lực dấn thân tìm kiếm Chúa, ra sức đón nhận và thực hành Lời Chúa thì kẻ ấy càng đi sâu vào mức độ thân tình với Chúa: “Ai đã có thì được cho thêm” (Mt 13: 12). Những người này sẽ hiểu biết nhiều về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Còn những ai không quan tâm, không muốn hiểu, không ưu tiên cho việc tìm kiếm Chúa, thì tất nhiên kẻ ấy chưa thân tình với Chúa: “Ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13: 12). Họ là những kẻ không hiểu hoặc chưa hiểu nhiều về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người, chúng ta thấy mình hiểu được bao nhiêu về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa? Nếu chưa hiểu nhiều về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, thì chúng ta hãy xét lại “mức độ thân tình” của mình với Chúa. Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15: 15). Chúa đã gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài, nhưng phần chúng ta có coi Ngài là bạn hữu hay không? Nếu chúng ta coi Ngài là bạn hữu, thì những gì Ngài biết về mầu nhiệm Nước Trời, Ngài sẽ cho chúng ta biết.

Vậy, làm sao để trở thành bạn hữu của Chúa? Có nhiều cách để trở thành bạn hữu của Chúa trong hành trình cuộc đời mà đôi khi chúng ta bỏ qua hoặc chỉ biết trên lý thuyết, chứ thực hành thì không! Chẳng hạn, người bị nạn trong câu chuyện người Samari nhân lành (x. Lc 10: 29-37): Cả thầy tư tế và thầy Lêvi đều không dừng lại để giúp đỡ người bị nạn, trong khi chỉ có người Samari dừng lại giúp đỡ kẻ bị nạn. Vậy, trong câu chuyện này, ai là bạn hữu của Chúa? Thầy tư tế, thầy Lêvi hay người Samari? Thưa, người Samari chính là bạn hữu của Chúa. Ông đã đụng chạm đến mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, mầu nhiệm của tình thương khi ông dừng lại để giúp đỡ kẻ bị nạn.

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, có lẽ mình đọc Lời Chúa rất nhiều, nhưng đôi khi chúng ta vẫn ganh tị với người giỏi hơn mình, giàu hơn mình; khinh thường người ăn xin, người hành khất, người đói rách; thành kiến, phe nhóm và loại bỏ người khác niềm tin, khác ý tưởng. Nếu chúng ta đang ở tình trạng này, thì chúng ta mới chỉ dừng chân ở mức độ hiểu biết trên lý thuyết, chứ chúng ta chưa thực sự hiểu biết về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chưa phải là bạn hữu của Chúa!

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thực hành điều chúng con đọc, thi hành điều chúng con tin trong cuộc sống, để “mức độ thân tình” của chúng con với Chúa ngày càng sâu đậm hơn. Nhờ đó, chúng con hiểu về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa bằng việc thực hành Lời Chúa chứ không phải chỉ dừng lại ở lý thuyết suông trên môi miệng. Amen.

Cao Nhất Huy