Chú Giải Tin Mừng - Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - Thứ Sáu Cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh B
THỨ SÁU CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH B
NGÀY 1 THÁNG 1 – ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA
Lc 2: 16-21
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Lc 2,16-21
Xem lại Lễ Rạng Đông năm A, B, C
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa
HOÀN CẢNH :
Đây là đoạn cuối cùng của bài tường thuật về việc Đức Giê-su giáng sinh. Khác với ông Gio-an Tiền Hô, được sinh ra trong cảnh gia đình ấm cúng của một tư tế có thế giá (Lc 1,57-66), Đức Giê-su sinh ra trong cảnh bơ vơ của những khách lỡ đường, chỉ có mục đồng với chiên bò vây quanh. Nhưng có những sứ thần tuyên xưng mầu nhiệm của vị Cứu Thế là Chúa và là Đấng Ki-tô, công bố vinh quang của Thiên Chúa và bình an cho nhân loại, nhờ cuộc giánh sinh của Người.
Ý CHÍNH :
Bài Tin Mừng này tường thuật về việc các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su và được mắt thấy tai nghe đúng như lời sứ thần nói với họ.
TÌM HIỂU :
16 "Họ liền hối hả ra đi …" :
Sau khi được sứ thần Thiên Chúa loan báo về thân thế của Hài Nhi Giê-su và dấu chỉ cho biết Người là Đấng Cứu Thế đã sinh ra ở trong thành Đa-vít, các mục đồng liền hối hả ra đi. Ơ đây chúng ta cũng liên tưởng đến việc Đức Ma-ri-a lên đường đi viếng thăm bà Ê-li-sa-bét (1,39). Đến nơi các mục đồng được mắt thấy tai nghe về Hài Nhi Giê-su, về Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Chi tiết này cho ta nhận ra Đức Giê-su được sinh ra từ lòng mẹ là Đức Ma-ri-a như mọi bà mẹ khác. Và chi tiết này cũng cho thấy Đức Ma-ri-a quả là Mẹ Thiên Chúa, vì Hài Nhi Giê-su là Đấng Ki-tô Đức Chúa (2,11).
17 "Thấy thế, họ liền kể lại …" :
Sau khi đã gặp và nhận ra Hài Nhi Giê-su là Đấng Cứu Thế, các mục đồng loan báo cho mọi người. Gặp được Chúa Giê-su rồi loan báo cho người khác, đó là một diễm phúc và sứ mệnh của người tông đồ :
- Đức Ma-ri-a đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét.
- Si-mê-on và An-na nói tiên tri về Hài Nhi (2,22-36).
- Các mục đồng thuật chuyện về Hài Nhi (2,17-18).
- An-rê loan báo về Chúa Giê-su cho Si-mon Phê-rô (Ga 1,41).
- Phi-líp-phê gặp Na-tha-na-en và giới thiệu về Chúa Giê-su (1,45).
18 "Nghe các người chăn chiên thuật lại …" :
"Bỡ ngỡ, ngạc nhiên, khiếp sợ" đó là những kiểu nói diễn tả thái độ và tâm trạng của con người đứng trước những sự thuộc về linh thánh, tức là thuộc về Thiên Chúa. Chi tiết này cho thấy thái độ bề ngoài của những người nghe mục đồng thuật lại về Hài Nhi Giê-su, khác với thái độ âm thầm, kín đáo nhưng sâu đậm của Đức Ma-ri-a.
19 "Còn Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy …" :
Sự thinh lặng của Mẹ Ma-ri-a ở đây không có nghĩa là thờ ơ lãnh đạm, đứng ở bên ngoài biến cố Giáng Sinh, nhưng trái lại Mẹ Ma-ri-a đã đi sâu vào mầu nhiệm Giáng Sinh một cách mật thiết đến nỗi Mẹ đã không diễn tả bằng lời, nhưng chỉ ghi nhớ và suy niệm trong lòng.
20 "Rồi các người chăn chiên ra về …" :
Việc các người chăn chiên vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa là thái độ của con người trước những điềm lạ cho thấy Chúa đã ra tay và trước các phép lạ (Lc 5,25-26; 7,16; 13,13; 17,15-18; Cv 3,8-9; 4,21).
21 "Khi Hài Nhi được đủ tám ngày …" :
Câu này cho thấy Hài Nhi Giê-su là Đấng Cứu Thế do sứ thần báo cho biết, thì cũng là con người, phải chịu dưới ách lề luật con người.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :
Nhìn vào các mục đồng :
- Các mục đồng hèn mọn đã được phúc đón nhận Tin Mừng cứu rỗi và hăng hái loan báo Tin Mừng này cho người khác. Tin Mừng cứu rỗi của Chúa đến với hết mọi người không trừ một ai, nhưng chỉ những ai có sẵn tâm hồn đơn sơ nhạy cảm và vâng phục như các mục đồng mới dễ dàng đón nhận Tin Mừng của Chúa.
- Các mục đồng đến hang đá và đã thấy trước mắt Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se và Hài Nhi Giê-su đặt nằm trong máng cỏ, và đã liên kết với những gì đã nghe sứ thần loan báo, nên họ tin và đi loan báo niềm tin ấy cho người khác. Người ki-tô hữu, đã từng nghe Giáo Hội nói qua các bài giảng, các bài giáo lý, các lời khuyên … và nghe Tin Mừng của Chúa, nên cần phải liên kết với những điều mình đã nghe với những điều mình đã sống để đi loan báo Tin Mừng cho tha nhân.
Nhìn vào Hài Nhi Giê-su :
- Dáng vẻ bên ngoài bình thường là một hài nhi sơ sinh, nằm trong máng cỏ, không làm giảm giá và mất ý nghĩa của thực tại bên trong là Đấng Cứu Thế. Cũng vậy, người ki-tô hữu dù sống dưới thân phận nào, hay làm bất cứ việc gì có tính cách hèn mọn, vô danh tiểu tốt, vẫn không làm mất phẩm giá và danh dự của người ki-tô hữu trước mặt Thiên Chúa. Điều này khích lệ chúng ta biết phục vụ tha nhân trong bất cứ công tác gì, và nhờ đó chúng ta sẽ có tinh thần cao thượng để tránh những sự kèn cựa, ganh tỵ, phân bì, tỵ nạnh vì những công việc hèn kém …
- Hài Nhi Giê-su được các mục đồng cùng với các thiên thần tôn vinh và ca tụng. Người ki-tô hữu, bao lâu giữ được phẩm chất của mình, thì dưới bất cứ dáng vẻ nào bên ngoài : giầu nghèo, sang hèn, địa vị hay vô danh tiểu tốt, đều được Chúa đoái thương và chúc phúc.
Nhìn vào Đức Ma-ri-a :
"Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng" :
- Việc Đức Ma-ri-a suy đi nghĩ lại trong lòng : chứng tỏ Đức Mẹ không hiểu trọn ngay ý nghĩa việc Chúa làm và vì thế Mẹ cố gắng suy nghĩ, tìm hiểu để nắm bắt ý nghĩa của mỗi sự kiện. Người ki-tô hữu noi gương Đức Ma-ri-a, cần phải chăm chỉ học hỏi, tìm hiểu, nhiệt tình suy niệm, để khám phá thêm về Chúa, và những công việc về Chúa, nhờ đó chúng ta dễ đem lòng yêu mến chúa hơn.
- Qua biến cố Hài Nhi Giê-su Giáng Sinh, Mẹ Ma-ri-a đã hiểu được giá trị của việc từ bỏ hoàn toàn, chấp nhận trở nên nghèo nàn. Trong cảnh huy hoàng của đêm Giáng Sinh, chúng ta thấy Mẹ Ma-ri-a chỉ im lặng qùi, thờ lạy Con mình. Người ki-tô hữu chúng ta chấp nhận từ bỏ mọi vinh dự và lợi lộc trần thế để khiêm nhường tin, cậy, mến Chúa trong cuộc sống.
- Mẹ đã sống tâm tình của một nữ tỳ khiêm tốn của Chúa, Mẹ chỉ hy sinh phục vụ Chúa trong âm thầm, còn các vinh quang hãnh diện, Mẹ xin dành cho những người khác. Noi gương Mẹ, chúng ta không tìm vinh quang bên ngoài của những việc đạo đức, nhưng chúng ta khiêm nhường phụng thờ Chúa cả trong những việc nhỏ mọn.
- Khi suy nghĩ về tước hiệu Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng : Trước khi cưu mang Chúa Giê-su trong lòng, thì Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa trong tâm hồn khi Mẹ biết lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.
Chúng ta hãy hướng về Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, với tâm tình kính phục, biết ơn và ngưỡng mộ trong thánh lễ hôm nay.
NGÀY 1 THÁNG RIÊNG Lc 2,16 – 21
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa
Xem lại lễ Rạng Đông năm A,B,C
I. THÁNH LỄ hôm nay mang nhiều ý nghĩa :
- Thánh lễ đầu năm dương lịch ( Ds 6,22 – 27 ).
- Kính Thánh Danh Chúa Giê-su ( Lc 2,21 ).
- Cầu cho hòa bình thế giới.
II. Ý NGHĨA :
Thánh lễ hôm nay mừng trinh nữ Ma-ri-a sinh hạ Đấng Cứu Thế.
Nhìn nhận Hài Nhi Giê-su sinh ra tại Bê-lem là Con Thiên Chúa hóa thân làm người, thì đồng thời xác nhận Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa.
Vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a được gợi lên trong Phụng Vụ suốt mùa Giáng Sinh. Tuy vậy, Hội Thánh đã muốn dành một ngày trong mùa phụng vụ này để kính mừng Thánh Mẫu là Đấng đã cưu mang và sinh ra Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc mọi người mà vẫn trinh khiết vẹn toàn. Hội Thánh đã sớm mừng lễ này vào tuần tám ngày sau lễ Giáng Sinh.
III. NHẬN THỨC :
- Mừng lễ Đức Ma-ri-a là Mẹ của Đức Giê-su Ki-tô thì đồng thời cũng nhắc nhở cho biết rằng Ngài là Mẹ của Hội Thánh, và cũng là Mẹ của chúng ta.
- Ngày suy tôn Thánh Mẫu là Mẹ của Đức Giê-su Ki-tô, không làm lu mờ những ý nghĩa của ngày lễ hôm nay :
a) Ngày lễ mừng Chúa Giê-su chịu cắt bì theo luật Mô-sê dạy; lễ này đã có từ thế kỷ VI. Phép cắt bì tượng trưng cho phép rửa tội, là phép cắt bì thiêng liêng, làm cho Ki-tô hữu " được thoát sự tội mà làm con Thiên Chúa" ( Rm 6,22 ).
b) Ngày đầu năm mới :
- Phụng Vụ mượn lời sách Dân Số 6,22 – 27 để xin Thiên Chúa chúc lành cho cả nhân loại trong năm mới.
- Năm tàn tháng tận, song " Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, mãi mãi đến muôn đời " ( Dt 13,8 ).
c) Hôm nay cũng là ngày cầu cho hoà bình thế giới.
- Đây là ngày hoà bình do Đức Phao-lô VI thiết lập vào năm 1968, để thế giới quan tâm, suy nghĩ, học hỏi, cầu nguyện và quyết tâm hoạt động cho hòa bình thế giới, nhờ ánh sáng của Đức Giê-su Ki-tô :
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. ( Lc 2,13 – 14 )
- Vị Vua Hoà Bình đã xuất hiện. Nguyện xin bình an của Người đổ tràn trên thế giới còn đầy dẩy bất công, bạo lực, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, nghèo đói, bệnh tật …
IV. MỪNG LỄ ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ THIÊN CHÚA
Chúng ta vui mừng :
- Kính mến cảm phục và tri ân, vì Mẹ cũng là Mẹ của chúng ta.
- Chúng ta ngưỡng mộ Mẹ vì Mẹ là mẫu gương :
Tuy là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn sống tâm tình khiêm nhu : " Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền". Dù ở địa vị, chức vụ và cấp bậc nào đi nữa, chúng ta cần noi gương Mẹ sống tinh thần khiêm nhu để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Mẹ gắn bó với Chúa Giê-su, Con Mẹ bằng đức tin : Tín thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Là ki-tô hữu, thuộc về Chúa Ki-tô, chúng ta gắn bó với Chúa bằng đức tin : Tín thác mọi sự cho Chúa và vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự.
Mẹ liên đới, hiệp thông và cộng tác với Chúa Giê-su trong công trình cứu độ trần gian bằng hy sinh trong đau khổ và quên mình. Chúng ta liên kết những đau khổ, sự hy sinh trong cuộc sống; và trong sứ vụ cũng như bổn phận với thánh giá của Chúa Ki-tô, để thống hối và đền tội cho mình, cho tha nhân.
V. CẦU NGUYỆN :
Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của con, xin Mẹ giúp con biết sống tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa, và đồng thời biết noi gương Mẹ, sống khiêm nhường và phục vụ anh em.
HTMV Khóa X - ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn