Clock-Time

CÓ BAO NHIÊU CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CHÚA? - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXIV Mùa Thường Niên | Lc 8:1-3 | Lm Cao Nhất Huy

“Bao nhiêu người thì bấy nhiêu con đường. Bởi vì, ngay cả giữa những người cùng chung một niềm tin, mỗi người sống mỗi khác. Chúa Kitô nói: ‘Tôi là đường’. Như vậy rốt cuộc cũng chỉ có một con đường mà thôi, và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào rồi cũng bước vào con đường của Ngài. Nhưng không phải tất cả mọi con đường đều như nhau theo ý thức và ý muốn chủ quan của ta. Song trái lại, vì con đường độc đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người”

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Sáu Tuần XXIV Mùa Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (8: 1-3)

1 Hôm đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có nhóm Mười hai2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

SUY NIỆM

CÓ BAO NHIÊU CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CHÚA?

“Con đường độc đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người”

---/---

Chúa Giêsu là một vị thầy, nhưng là một vị thầy rất đặc biệt, khác với các vị thầy của trần gian. Vị thầy của trần gian thường chờ các đệ tử tìm đến, sau đó chọn lọc và chỉ giữ lại những học trò ưu tú mà thôi. Còn vị thầy Giêsu thì ngược lại: rong ruổi đi tìm các đệ tử, chứ không chờ các đệ tử đến tìm mình. Nhất là, vị thầy Giêsu không loại trừ bất cứ ai đến với Ngài. Bối cảnh của trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu đã kêu gọi và huấn luyện tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, người công chính và kẻ tội lỗi:

- Nhóm 12 là những tông đồ được chính Đức Giêsu chọn gọi để đi theo Ngài. Họ là dân nghèo, dân chài lưới, kẻ kém tin, kẻ nóng nảy, hay thay đổi…

- Các phụ nữ: Cụ thể là những người nô lệ, tội lỗi, bị quỷ ám… Họ là đối tượng của những điều cấm kỵ, bị giới hạn chỗ đứng, bị khinh thường và đố kỵ…

Chính Chúa Giêsu đã giải thoát những con người này và trao phó cho mỗi người một vai trò phù hợp với ý hướng, khả năng và hoàn cảnh sống của họ. Vì thế, trong vai trò được trao phó, họ đã tìm ra con đường riêng để cộng tác với Chúa vào công cuộc rao giảng Nước Trời.

Trong cuộc phỏng vấn giữa Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và ký giả Peter Seewald, khi được đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu con đường đến với Chúa?”, Đức Hồng Y đã trả lời như sau:

“Bao nhiêu người thì bấy nhiêu con đường. Bởi vì, ngay cả giữa những người cùng chung một niềm tin, mỗi người sống mỗi khác. Chúa Kitô nói: ‘Tôi là đường’. Như vậy rốt cuộc cũng chỉ có một con đường mà thôi, và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào rồi cũng bước vào con đường của Ngài. Nhưng không phải tất cả mọi con đường đều như nhau theo ý thức và ý muốn chủ quan của ta. Song trái lại, vì con đường độc đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người”.

Quả thế, mỗi người chúng ta sẽ có một con đường riêng để đi vào con đường độc đạo của Chúa.

- Con đường riêng đó có thể là con đường của các tông đồ: một Phêrô với tính tình nóng nảy, hay thay đổi, nhưng đã được Chúa biến đổi cách diệu kỳ; một Tôma với lòng ngờ vực về niềm tin, nhưng Chúa đã củng cố đức tin cho ông; một Saolô chưa biết Chúa và bắt bớ Ngài… Nhưng vào một thời điểm nào đó, chính Chúa sẽ giải thoát, tiếp nhận và “đánh thức cảm thức” về Ngài: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ ta?... Thưa Ngài, Ngài là ai?... Ta là Giêsu Nadaret mà người đang bắt bớ… Lạy Chúa, con phải làm gì?”.

- Con đường riêng đó cũng có thể là con đường giống như các người phụ nữ trong Tin Mừng, với những công việc nhỏ bé, tầm thường nhưng lại có một tấm lòng rộng lớn đã cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay, là Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, hay những người bần cùng, nghèo đói… Tất cả đều có một con đường riêng để đến với Chúa, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Tuy nhiên, theo Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Không phải tất cả mọi con đường đều như nhau theo ý thức và ý muốn chủ quan của ta. Nghĩa là, con đường đó không tự hình thành được, mà phải được chúng ta đầu tư, xây đắp, uốn nắn và định hướng mới có thể hình thành nên một con đường hoàn thiện. Bởi vì, nếu không đầu tư, xây đắp và định hướng thì con đường đó có thể không hình thành hoặc đi trật đích điểm là “con đường Giêsu”.

- Là Giám mục, Linh mục, Phó tế, chúng ta đã và đang định hình con đường đó như thế nào? Ta có cố gắng mỗi ngày để “uốn nắn” con đường riêng đó cho đúng hướng với con đường độc đạo của Chúa chưa? Nếu phát hiện ra trật hướng, chúng ta có cố gắng và quyết tâm “uốn nắn” để quay trở lại chưa?

- Là Tu sĩ và Giáo dân, con đường riêng của chúng ta có những khó khăn, cám dỗ và thất bại nào? Với những khả năng vượt trội hay tầm thường, với những công việc lớn lao hay nhỏ bé, chúng ta đã định hướng và “uốn nắn” nó cho khớp với con đường độc đạo của Chúa hay chưa?

Lạy Chúa, nếu chúng con muốn con đường riêng của mình được hình thành và hoàn thiện để đến được với Chúa thì chúng con buộc phải cố gắng quyết tâm “xây dựng” và uốn nắn” cho thẳng với con đường độc đạo của Chúa. Xin Chúa ban ơn và giúp sức cho chúng con. Amen.

Cao Nhất Huy