Của Lễ Dâng Chúa Là Gì? - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay | Mt 5:20-26 | Lm Cao Nhất Huy
Suy Niệm Lời Chúa
THỨ SÁU TUẦN IMÙA CHAY
Hiệp thông loan báo Tin Mừng
Ca nhập lễ: Tv 24: 17-18
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo, xin Chúa thấy cho cảnh lầm than cùng khốn, và tha thứ hết mọi tội con.
Bài đọc 1: Ed 18: 21-28
Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết, Ta lại không muốn cho nó từ bỏ con đường tội lỗi của nó mà được sống sao?
Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.
Đức Chúa là Thiên Chúa phán thế này: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh. Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?
“Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết. Các ngươi lại nói: ‘Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.’ Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết”.
Đáp ca: Tv 129: 1-2.3-4.5-6a.6b-8 (Đ. c.3)
Đ. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
Đ. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.
Đ. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Đ. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ít-ra-en hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Đ. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
Tung hô Tin Mừng: Ed 18: 31
Đức Chúa phán: Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.
Tin Mừng: Mt 5: 20-26
Hãy đi làm hoà với người anh em ấy đã.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng”.
Ca hiệp lễ: Ed 33: 11
Chúa phán: “Ta thề rằng: Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó trở lại và được sống”.
SUY NIỆM
CỦA LỄ DÂNG CHÚA LÀ GÌ?
“Hãy đi làm hoà với người anh em trước, rồi trở lại dâng lễ vật”
---/---
Trước khi phạm tội, Ađam-Eva sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với Đấng Tạo Dựng. Nhưng sau khi phạm tội, mối bất hoà giữa Nguyên tổ và Thiên Chúa đã xuất hiện, thế là tình hiệp thông phải “đội nón” ra đi! Ông bà Nguyên tổ không chỉ bất hoà với Thiên Chúa mà còn bất hoà với nhau: Họ đã không nhận tội của mình, mà còn đổ tội cho nhau, Ađam đổ tội cho Eva, Eva đổ tội cho con rắn. Muốn cứu vãn mối hiệp thông ấy, Chúa Giêsu đã xuống trần gian để giảng hoà với con người. Trong công trình “giảng hoà” này, trước tiên, Chúa Giêsu muốn con người phải giảng hoà với nhau. Đó là cách thế để con người giảng hoà với Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15: 12).
Như thế, mối “bất hoà” giữa con người và Thiên Chúa không thể sửa chữa được, cho đến khi mối bất hoà giữa con người với nhau được hàn gắn. Vì thế, Chúa Giêsu đã mời gọi: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Lễ vật dâng Chúa của chúng ta là gì? Trở lại dâng của lễ của mình nghĩa là gì?
Chúa Giêsu đã nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12: 7). Như thế, lễ vật dâng lên Chúa chính là tấm lòng nhân từ, yêu thương và tha thứ mà chúng ta dành cho nhau. Đó mới chính là lễ vật mà Chúa muốn đón nhận.
Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta được mời gọi sống Mầu Nhiệm Hiệp Thông Thánh Thể: Hiệp thông với nhau trong một thân thể duy nhất là Đức Giêsu. Nghĩa là, nơi đây chúng ta được mời gọi sống tình yêu thương với nhau và với Thiên Chúa. Và như thế, khi tham dự Mầu Nhiệm Hiệp Thông này, lễ vật của chúng ta mang theo là gì? Một cõi lòng đầy thù hận hay một tấm lòng yêu thương và tha thứ? Nếu chúng ta tham dự Thánh lễ với một lễ vật “thù ghét, giận hờn, giả dối, bất nhân…” thì lễ vật đó Chúa sẽ không ưng. Chẳng hạn, hình ảnh hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharisêu ngạo mạn, khoe khoang và người thu thuế khiêm tốn, tội lỗi. Người Pharisêu ngạo mạn thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18: 11). Anh đến gặp Chúa và dâng cho Ngài lễ vật gồm toàn “sự đố kỵ, loại trừ, kiêu ngạo…”. Thế nên, lễ vật anh dâng lên cho Chúa không phải là lễ vật Ngài muốn: “Ta muốn lòng nhân”. Còn người thu thuế tội lỗi đã dâng lên Chúa với lễ vật của sự hối lỗi, ăn năn: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Lễ vật của anh ta được Chúa hoan hỉ đón nhận.
Như thế, lễ vật chúng ta dâng lên cho Chúa mà Ngài không đón nhận, thì có nghĩa là mối hiệp thông giữa ta với Thiên Chúa chưa được hàn gắn. Bởi vì Chúa Giêsu đã cho chúng ta cách thế để hàn gắn là: Hãy làm hoà với anh chị em của mình trước, thì tự khắc mối hiệp thông với Thiên Chúa sẽ được hàn gắn. Khi mối hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa chưa được hàn gắn thì con người sống giữa thế giới sẽ bị lạc lõng và bơ vơ.
Đó là điều chúng ta cảm thấy mỗi khi tham dự Thánh lễ, có những ngày cảm thấy vô vị, chán nản và trống rỗng. Chúng ta cảm thấy như có một bức tường vô hình ngăn cách ta với Thiên Chúa. Không có cảm xúc! Sự trống rỗng và vô vị đó là vì chúng ta không mang theo của lễ dâng cho Chúa, chúng ta chỉ mang theo “rác rến”, là lòng thù hận, đố kỵ, giận hờn khi đến với Chúa… Túi đựng lễ vật của chúng ta hoàn toàn “trống rỗng”!
Lạy Chúa, mỗi ngày sống chúng con tiếp xúc với nhiều người, điều đó sẽ không tránh khỏi những bất hoà. Xin Chúa giúp chúng con biết khiêm tốn chấp nhận mọi yếu đuối của anh chị em, để qua đó biết nhận lỗi của mình. Đó sẽ là cách thế để chúng con biết yêu thương, thông cảm và tha thứ cho nhau, đồng thời trở thành của lễ là “tấm lòng nhân” mà chúng con dâng lên cho Chúa. Amen.
Cao Nhất Huy