ĐÂU LÀ NỖI SỢ CỦA CHÚNG TA? - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên | Lc 9:7-9 | Lm Cao Nhất Huy
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự sợ hãi của Hêrôđê khi nghe về Chúa Giêsu. Khi nghe về những điều về Chúa Giêsu, ông liên tưởng đến Gioan Tẩy Giả, là người đã nói lên tội lỗi của ông, cho ông đối diện với lỗi của mình, vì thế, ông sợ hãi khi nghe về Chúa Giêsu, một vị ngôn sứ vĩ đại...
Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9: 7-9)
7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy”.8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!”. Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại”.9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”. Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
SUY NIỆM
ĐÂU LÀ NỖI SỢ CỦA CHÚNG TA?
“Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu khôn ngoan”
---/---
Câu chuyện Gioan Tẩy Giả bị bắt giữ và bị hành hình cho thấy sự sợ hãi của ma quỷ trước Thiên Chúa. Vì thế, ma quỷ luôn tìm cách ngăn cản những ai đến gần Thiên Chúa, vì gần Thiên Chúa là phải bỏ tội lỗi, bỏ sự xấu xa để đến gần sự thánh thiện; gần Thiên Chúa sẽ bị phơi bày bản chất xấu xa của ma quỷ. Cho nên chúng sợ hãi!
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự sợ hãi của Hêrôđê khi nghe về Chúa Giêsu. Khi nghe về những điều về Chúa Giêsu, ông liên tưởng đến Gioan Tẩy Giả, là người đã nói lên tội lỗi của ông, cho ông đối diện với lỗi của mình, vì thế, ông sợ hãi khi nghe về Chúa Giêsu, một vị ngôn sứ vĩ đại.
Về phần mình, chúng ta có sợ khi nghe nói về Thiên Chúa không? Bởi vì, đối diện với Thiên Chúa, tức là chúng ta cũng đối diện với những lỗi lầm của chính mình, như Hêrôđê đối diện với Gioan và Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, thánh vịnh 111 đã viết rằng: “Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu khôn ngoan” (Tv 111: 10). Kính sợ Thiên Chúa ở đây không phải là chúng ta sợ hãi Thiên Chúa như một Hêrôđê, nhưng đây là nỗi sợ “tôn kính” làm thành một mối tương quan, khi đó, chúng ta “sợ” mình sẽ phá huỷ mối tương quan đó bằng một đời sống: vô đạo đức, ích kỷ, thô lỗ, thiếu yêu thương…. Theo như Ronrolheiser: “Chúng ta tôn trọng Thiên Chúa không phải bằng cách sống sợ sệt lo rằng mình sẽ xúc phạm Ngài, nhưng là bằng cách dùng lấy sinh lực mà Ngài ban cho chúng ta để làm cuộc đời nở hoa”. Nghĩa là, mối tương quan “kính sợ Thiên Chúa” đó không phải là kiểu sợ của Hêrôđê vì những tội lỗi cố thủ của mình, nhưng là “sợ” mình chưa đẹp lòng Chúa, từ đó mình sửa đổi đời sống cho phù hợp với Thiên Chúa tốt lành.
Xét lại cuộc sống của chúng ta, với những lỗi lầm đang mắc phải, hay với những cố gắng sống theo đường lối của Thiên Chúa, chúng ta có nhận thấy: Chúng ta đang sợ Thiên Chúa bằng nỗi sợ của Hêrôđê hay là nỗi sợ như Kinh Thánh nói là “Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan?”.
Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng yêu mến Chúa, để một khi có lòng yêu mến Chúa rồi, con không ngại sống theo đường lối của Chúa; khi đó, con sẽ không “lo sợ” như Hêrôđê phải đối diện với Chúa, nhưng biết “kính sợ Chúa” để có sự khôn ngoan của Ngài. Amen.
Cao Nhất Huy