Clock-Time

ĐỐI DIỆN THIÊN CHÚA: ĐÂU LÀ NỖI SỢ CỦA CHÚNG TA - Suy Niệm Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên (Lc 9:7-9) - Lm Cao Nhất Huy

Chúng ta có sợ Thiên Chúa không? Thánh vịnh 111 đã viết rằng: “Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu khôn ngoan” (Tv 111: 10). Kính sợ Thiên Chúa ở đây không phải là chúng ta sợ hãi Thiên Chúa như một Hêrôđê, nhưng đây là nỗi sợ “tôn kính” làm thành một mối tương quan, khi đó, chúng ta “sợ” mình sẽ phá huỷ mối tương quan đó bằng một đời sống: vô đạo đức, ích kỷ, thô lỗ, thiếu yêu thương…. 

Suy Niệm Lời Chúa
THỨ NĂM TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Ngày 22/09/2022

BÀI ĐỌC I: Gv 1, 2-11

“Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời”.

Trích sách Giảng Viên.

Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân. Ích lợi gì cho con người làm lụng vất vả dưới mặt trời? Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến: nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời. Mặt trời mọc lên rồi lại lặn xuống, trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên. Gió thổi về hướng nam, rồi quay về hướng bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ.

Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển không đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi.

Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và không ai có thể cắt nghĩa tại sao. Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe hoài cũng không thoả.

Sự đã qua là gì? Chính nó là sự sẽ có. Sự đã xảy ra là gì? Chính nó là sự sẽ xảy ra. Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời, cũng chẳng ai nói được rằng: “Đây cái này mới”. Vì nó đã có từ lâu đời trước chúng ta. Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu sau này; cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Đáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1) .

 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. .

2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. .

3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. .

4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9: 7-9)

7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy”. 8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!”. Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại”. 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”. Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

SUY NIỆM

ĐỐI DIỆN THIÊN CHÚA: ĐÂU LÀ NỖI SỢ CỦA CHÚNG TA

Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu khôn ngoan

---/---

Câu chuyện Gioan Tẩy Giả bị bắt giữ và bị hành hình cho thấy sự sợ hãi của ma quỷ trước Thiên Chúa. Vì thế, ma quỷ luôn tìm cách ngăn cản những ai đến gần Thiên Chúa, vì gần Thiên Chúa là phải bỏ tội lỗi, bỏ sự xấu xa để đến gần sự thánh thiện.

Cuộc bắt giữ và hành hình Gioan Tẩy Giả là một điển hình cho việc đó. Tác giả Tin Mừng Marcô và Matthêu sử dụng ngữ động từ “bị giao nộp”, đây được coi là hình ảnh liên kết với việc bắt giữ Chúa Giêsu:

- Gioan Tẩy Giả là người công chính, ông đã lên tiếng việc làm trái đạo đức của vua Hêrôđê: “Tiểu vương Hêrôđê thì bị ông Gioan khiển trách vì đã lấy bà Hêrôđia là vợ của người anh, và vì tất cả các tội ác tiểu vương đã phạm” (Lc 3: 19). Như vậy, Gioan bị lên án bởi một người không đón nhận những lời khiển trách của vị ngôn sứ.

- Chúa Giêsu là “một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta" (Lc 7: 16). Ngài đến để lên án tội lỗi và sự dữ bằng một “giáo lý mới mẻ” (Mc 1: 27). Giáo lý mới mẻ đó khiến ma quỷ sợ hãi: “Ông muốn gì hỡi ông Giêsu Nazareth? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” (Mc 1: 24). Ma quỷ là nguồn gốc của tội lỗi, nên sợ hãi trước sự thánh thiện là Thiên Chúa.

- Chúa Giêsu, “vị ngôn sứ vĩ đại” đó, không chỉ ma quỷ sợ hãi, mà những người sống dưới bóng của ma quỷ bởi tội lỗi như: sống hình thức, ghen tỵ, thù ghét… cũng phải sợ hãi. Cuộc bắt giữ và giao nộp Chúa Giêsu là hậu quả của những tội lỗi đó. Hậu quả đó, bắt nguồn từ việc Chúa Giêsu lên án tội lỗi của họ. Như vậy, nếu Gioan bị lên án bởi việc lên án tội của Hêrôđê, thì Chúa Giêsu cũng bị bắt giữ bởi việc nói lên tội lỗi của thế gian.

Như vậy, chúng ta khẳng định rằng: Tội lỗi (ma quỷ) luôn sợ hãi sự thánh thiện (Thiên Chúa). Bởi sự thánh thiện là Thiên Chúa luôn phơi bày bản chất xấu xa của ma quỷ. Cho nên chúng sợ hãi!

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự sợ hãi của Hêrôđê khi nghe về Chúa Giêsu. Khi nghe những điều về Chúa Giêsu, ông liên tưởng đến Gioan Tẩy Giả, là người đã nói lên tội lỗi của ông, cho ông đối diện với lỗi của mình, vì thế, ông sợ hãi khi nghe về Chúa Giêsu, một vị ngôn sứ vĩ đại.

Về phần mình, chúng ta có sợ khi nghe nói về Thiên Chúa không? Bởi vì, đối diện với Thiên Chúa, tức là chúng ta cũng đối diện với những lỗi lầm của chính mình, như Hêrôđê đối diện với Gioan và Chúa Giêsu.

Thánh vịnh 111 đã viết rằng: “Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu khôn ngoan” (Tv 111: 10). Kính sợ Thiên Chúa ở đây không phải là chúng ta sợ hãi Thiên Chúa như một Hêrôđê, nhưng đây là nỗi sợ “tôn kính” làm thành một mối tương quan, khi đó, chúng ta “sợ” mình sẽ phá huỷ mối tương quan đó bằng một đời sống: vô đạo đức, ích kỷ, thô lỗ, thiếu yêu thương…. Theo như Ron Rolheiser: “Chúng ta tôn trọng Thiên Chúa không phải bằng cách sống sợ sệt lo rằng mình sẽ xúc phạm Ngài, nhưng là bằng cách dùng lấy sinh lực mà Ngài ban cho chúng ta để làm cuộc đời nở hoa. Thiên Chúa không phải luật lệ để ta phải giữ, nhưng là sinh lực vui mừng để chúng ta ‘tiêu xài ’ rộng rãi ”. Mối tương quan “kính sợ Thiên Chúa” đó không phải là kiểu sợ của Hêrôđê vì những tội lỗi của mình.

Xét lại cuộc sống của chúng ta, với những lỗi lầm đang mắc phải, hay với những cố gắng sống theo đường lối của Thiên Chúa, chúng ta có nhận thấy: Chúng ta đang sợ Thiên Chúa bằng nỗi sợ của Hêrôđê hay là nỗi sợ như Kinh Thánh nói là “Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan?”.

Để có sự khôn ngoan như Kinh Thánh nói, chúng ta hãy sống theo đường lối của Thiên Chúa, như lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ dạy: “Khôn ngoan là người khi bắt đầu, đã biết dâng hiến và phó thác thành quả cho Chúa, dù có thất bại một phần hay hoàn toàn đi nữa thì họ vẫn an tâm vì đã làm đúng, và biết qui hướng tất cả theo ý Chúa, cho vinh quang cao cả của Chúa”.

Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng yêu mến Chúa, để một khi có lòng yêu mến Chúa rồi, con không ngại sống theo đường lối của Chúa; khi đó, con sẽ không "lo sợ" như Hêrôđê phải đối diện với Chúa, nhưng biết "kính sợ Chúa" để có sự khôn ngoan của Ngài. Amen.

Cao Nhất Huy