ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI? - Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên (Lc 9: 18-22) - Lm Cao Nhất Huy
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Có lẽ mỗi môn đệ sẽ có câu trả lời cho riêng mình tùy vào mối thân tình ở lại với Đức Kitô. Tuy nhiên, cho dù họ trả lời thế nào thì Đức Kitô vẫn chính là Ngài: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13: 8). Vì thế, người môn đệ đích thật là người phải bước theo một Đức Kitô như Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”....
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
NGÀY 23/09/2022
Bài đọc 1 - Gv 3,1-11
Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời.
Bài trích sách Giảng viên.
Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà. Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Đáp ca
Tv 143,1a và 2abc.3-4 (Đ. c.1a)
Đ. Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.
Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn,2abcChúa là đồng minh, là đồn luỹ che chở,
là thành trì bảo vệ, là Đấng giải thoát tôi.
Chúa là khiên mộc cho tôi ẩn núp.
Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.
Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến?
Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm?
Ấy con người khác chi hơi thở,
vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.
Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.
Tung hô Tin Mừng - Mc 10,45b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9: 18-22)
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?”.19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”.21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.
SUY NIỆM
ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI?
Đối với Đức Kitô, tôi là ai?
---/---
Tài liệu Kinh Thánh cho chúng ta biết, đặc điểm đầu tiên của người môn đệ Chúa là được Chúa gọi đến ở với Ngài. Ở với Chúa Giêsu là hiểu được tâm tư của Chúa Giêsu, có chung thao thức với Ngài, vui niềm vui của Ngài, buồn nỗi buồn của Ngài. Nói cách khác, người môn đệ phải biết được Thầy mình là ai.
Tin Mừng hôm nay, trước những dư luận về Đức Kitô, Ngài đã chất vấn các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.Có lẽ mỗi môn đệ sẽ có câu trả lời tùy vào mối thân tình ở lại với Đức Kitô. Tuy nhiên, cho dù họ trả lời thế nào thì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13: 8). Vì thế, người môn đệ đích thật là phải bước theo Đức Kitô như Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Đức Giêsu đã giải thích rõ hơn: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Đó là căn tính của Đức Kitô. Hiểu được căn tính ấy, người môn đệ mới có thể bước theo Đức Kitô một cách trọn vẹn. Vì Ngài đã từng nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em sẽ ở đó” (Mt 6: 21). Như vậy, nếu tâm hồn của ta xác định được Chúa Giêsu là ai, thì đời sống của ta sẽ thể hiện ra như vậy.
Ta hãy nhìn hình ảnh người thanh niên giàu có trong Tin Mừng, khi Chúa nói: “Anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10: 22). Sau câu trả lời của Đức Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Đối với anh thanh niên này, sự giàu sang mới là điều ưu tiên. Vì thế, Đức Kitô trong lòng anh thanh niên không phải là “Đức Kitô của Thiên Chúa” mà là Đức Kitô của “sự giàu sang”.
Như vậy, đời sống của con người tốt hay xấu, tuỳ thuộc vào câu trả lời: Đối với tôi, Đức Kitô là ai?
Đối với những người không tin Chúa, Đức Kitô chẳng là gì hết. Khi họ nghĩ như vậy thì cuộc sống của họ hành động như không có Thiên Chúa. Họ mặc sức làm những việc sai trái, tội lỗi, hưởng thụ mà chẳng nghĩ đến hậu quả của những hành động đó, vì họ cho rằng chết là hết, chẳng có Thiên Chúa thưởng công hay luận tội.
Cũng có nhiều người tin vào Thiên Chúa, hoặc nghe đồn về Thiên Chúa, cuộc sống của họ thể hiện Đức Kitô như một “vị thần như ý”. Họ đến với Đức Kitô không phải muốn ở lại với Ngài, nhưng để xin xỏ điều này điều kia. Nếu được toại lòng thì họ loan truyền và tôn sùng Chúa như một vị thần. Nhưng nếu không được toại ý, thì họ giận dỗi vác tượng Chúa ra phơi nắng, đập nát rồi vứt đi, rồi đi kiếm ông thần khác linh nghiệm hơn.
Có lẽ, sống trong một thế giới đa dạng: vô thần, đa tôn giáo, người ta nhìn nhận về Thiên Chúa rất khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều, khi họ xác định Đức Kitô là ai, thì đời sống của họ sẽ diễn ra y như vậy.
Với Người môn đệ Chúa, thì câu trả lời “Đức Kitô là ai đối với tôi?” là hết sức quan trọng, vì nó đưa đến một câu hỏi ngược lại tương ứng với đời sống mà họ thể hiện: Đối với Đức Kitô, tôi là ai?
Khi tôi chỉ coi trọng tiền của, giàu sang, địa vị… thì đối với người nghèo, người có địa vị thấp kém, tôi sẽ coi thường; lúc này, Đức Kitô chỉ là một vị khách lạ, và tôi đối với Ngài cũng chỉ là vị khách lạ mà thôi: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 44-45).
Trong đời sống gia đình, nếu vợ chồng, con cái biết yêu thương nhau, chăm lo cho nhau, quan tâm và thông cảm cho nhau thì chắc chắn Đức Kitô của họ là “Đức Kitô của Thiên Chúa”. Nhưng nếu ngược lại, họ chỉ lo kiếm tiền, phó mặc con cái cho trường học, thầy cô giáo, rồi cãi nhau suốt ngày chỉ vì tiền bạc, thì có lẽ Đức Kitô của họ là tiền bạc, danh vọng, địa vị…
Một người luôn đố kỵ, ghen ghét, thù hằn… thì Đức Kitô của họ không phải là “Đức Kitô của Thiên Chúa”, nhưng là một “cái tôi” to tướng và ích kỷ.
Ý thức điều đó, để mỗi người chúng ta xét lại toàn bộ cuộc sống của mình. Qua đó, chúng ta sẽ biết được: Đức Kitô mà tôi đang bước theo là ai.
Lạy Chúa, Chúa Giêsu đòi hỏi các tông đồ phải nhận thức đúng về Người; Chúa cũng muốn chúng con mỗi ngày phải học hỏi, tìm hiểu, khám phá và nhận thức Thiên Chúa mà chúng con phụng thờ, không phải là Thiên Chúa theo như chúng con nghĩ, nhưng là chính Thiên Chúa mà Người là. Vì thế, xin Chúa giúp cho chúng con đừng đòi hỏi Thiên Chúa làm theo ý mình muốn, mà phải đòi hỏi mình phải làm theo ý Chúa. Amen.