Dục Vọng, Tự Do, Tội Lỗi - Suy Niệm Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên (Mc 6:14-29) - Lm Cao Nhất Huy
Suy Niệm Lời Chúa
THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Ngày 03/02/2023
Ca nhập lễ: Tv 105: 47
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin Ngài thương cứu độ, quy tụ chúng con về, từ giữa muôn dân nước, để chúng con xưng tụng Thánh Danh và được hiên ngang tán dương Ngài.
Bài đọc 1: Hr 13: 1-8
Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
Thưa anh em, anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ. Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết. Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ; anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ, chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể. Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình. Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!, đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?
Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ. Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.
Đáp ca: Tv 26: 1.3.5.8b-9abc (Đ. c.1a)
Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi.
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?
Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi.
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì. Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn, Người che chở tôi trong lều thánh, đem giấu tôi thật kín trong nhà, đặt an toàn trên tảng đá cao.
Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi.
Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi.
Tung hô Tin Mừng: x. Lc 8: 15
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mc 6: 14-29
Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi ấy, vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ”. Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a”. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!”
Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được”. Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Ca hiệp lễ: Tv 30: 17-18
Lạy Chúa, xin toả ánh Tôn Nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài.
DỤC VỌNG - TỰ DO - TỘI LỖI
“Ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” (Mc 6: 18)
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: Vua Hêrôđê bắt Gioan Tẩy Giả vì ông đã tố cáo và ngăn cản tội vua lấy vợ của em mình; đó cũng là lý do bà Hêrôđia căm thù Gioan Tẩy Giả và muốn giết vị tiền hô của Đấng Cứu Thế.
● Vấn đề của vua Hêrôđê: Ông biết tội của mình, ông cũng biết Gioan Tẩy Giả nói đúng về tội của mình, nhưng ông phớt lờ đi và vẫn muốn làm theo “dục vọng” của mình. “Dục vọng” của ông là muốn chiếm đoạt vợ của em mình và sẵn lòng “tặng” đầu Gioan Tẩy Giả cho một đứa con gái chỉ vì một lời hứa, cho dẫu biết đó là điều sai trái.
● Vấn đề của bà Hêrôđia: Bà biết tội của mình, nhưng bà vẫn đồng loã với tội và căm ghét bất cứ ai phơi bày tội của bà ra, rồi tìm cách loại trừ họ. Cụ thể là để thoả mãn cho “dục vọng” của mình, bà đã bày mưu cho con gái của mình loại trừ Gioan Tẩy Giả.
Như thế, “dục vọng” nơi con người sẽ thúc đẩy người đó đi vào con đường tội lỗi, tiếp tục phạm tội; thậm chí, đồng loã với tội. Tuy nhiên, con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để quyết định chống lại hay chiều theo dục vọng của mình. Như thế, từ chỗ “dục vọng” đi đến “tội lỗi” là một khoảng cách của tự do và chiến đấu.
Tiến trình phạm tội của Nguyên tổ có 3 nhịp: DỤC VỌNG - TỰ DO - TỘI LỖI. Nhiều khi chúng ta cứ đổ cho ma quỷ cám dỗ nên ông bà mới phạm tội, nhưng từ lúc bị cám dỗ (dục vọng) cho tới lúc ông bà phạm tội luôn luôn có tự do ở giữa. Việc quyết định giơ tay ra hái trái cấm luôn là thế chủ động nơi hai ông bà: quyết định hái hoặc không hái.
Cả vua Hêrôđê và bà Hêrôđia cũng thế! Họ đều biết dục vọng của mình là điều sai trái, nhưng họ vẫn quyết định chiều theo dục vọng của mình nên đã dẫn đến tội. Vua Hêrôđê là người có quyền thế, có tự do của một ông vua, thế nhưng ông đã lạm dụng quyền hành và tự do của mình để chiều theo dục vọng.
Công Đồng Trentô nói rằng: “Sau khi chịu phép Rửa, chúng ta không chỉ được coi là công chính, mà thật sự chúng ta được nên công chính; và như thế, chúng ta trở nên hoàn hảo và thánh thiện, vô tì tích trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, “dục vọng” vẫn còn đó, nhưng nó không phải là tội: dục vọng được để lại là để chúng ta chiến đấu”. Vì thế, bao lâu chúng ta chưa phó mình cho nó qua việc ưng thuận với nó và sa ngã trong tội riêng, thì bấy lâu chúng ta vẫn công chính trước mặt Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đã chiến đấu với nó.
Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1264: “Dục vọng không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô”. Như thế, trong mỗi chúng ta đều có những dục vọng cám dỗ liên lỉ. Nhưng chúng ta đều có tự do chọn lựa để dễ dàng “ưng thuận” hoặc chiến đấu để quyết tâm “từ chối” nó.
Đi lễ hoặc đi chơi, đọc kinh gia đình hoặc ngồi xem tivi, ăn uống chừng mực hoặc nhậu say bí tỉ, nói thật hoặc nói dối, buôn bán ngay thẳng hay buôn gian bán lận... Tất cả đều là dục vọng nơi chúng ta, ưng thuận hay từ chối, đó là tự do của mỗi chúng ta; dục vọng trở thành tội hay không là do quyết định của chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con biết mình yếu đuối và dễ chiều theo các dục vọng nơi bản thân. Xin Chúa ban cho chúng con ân sủng và sức mạnh của Ngài, để chúng con có khả năng chiến đấu và chiến thắng trước những dục vọng của bản thân. Amen.
Cao Nhất Huy