Đừng “Rời Xa” Thiên Chúa - Suy Niệm Thứ Tư Tuần II Thường Niên (Mc 3: 1-6) - Lm Cao Nhất Huy
Ngày hôm nay, chúng ta cũng nhiều lần rời xa Chúa bằng những hình thức khác nhau: Tuy chúng ta không công khai nói rằng “tôi bỏ Chúa”, nhưng chọn lựa ưu tiên của chúng ta lại không phải là Chúa. Khi ở trong tình trạng đó, chắc chắn chúng ta sẽ chịu hậu quả như những người Kinh sư và Pharisêu năm xưa, đó là sự vô cảm dửng dưng với anh chị em của mình...
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ TƯ TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN
NGÀY 18/01/2023
Ca nhập lễ: Tv 65: 4
Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh,
lạy Chúa Trời cao cả.
Bài đọc 1: Hr 7: 1-3.15-17
Muôn thuở con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
Thưa anh em, ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Áp-ra-ham, lúc ông này đang trên đường về sau khi đánh bại các vua. Ông Áp-ra-ham đã chia cho ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Men-ki-xê-đê, nghĩa là “vua công chính”; rồi ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “vua bình an”. Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.
Điều ấy lại còn hiển nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế khác tương tự như ông Men-ki-xê-đê xuất hiện; vị này đã trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt. Quả thật, có lời chứng nhận rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Đáp ca: Tv 109: 1.2.3.4 (Đ. c.4b)
Đ. Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.
Đ. Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
Đ. Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Đức Chúa phán bảo rằng: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con”.
Đ. Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”
Đ. Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Tung hô Tin Mừng: x. Mt 4: 23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mc 3: 1-6
Ngày sa-bát, được cứu mạng người hay giết đi ?
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh đứng dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
Ca hiệp lễ: Tv 22: 5
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc chén của con chan chứa rượu nồng.
SUY NIỆM
ĐỪNG “RỜI XA” THIÊN CHÚA
Tội làm ta xa Chúa hay vì xa Chúa nên ta dễ phạm tội?
Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và trí thông minh. Điều đặc biệt làm cho con người vượt trội hơn mọi loài thụ tạo, đó là con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người khao khát tình yêu, niềm vui và bình an. Chúng ta có thể hiểu điều đó vì, Thiên Chúa là sự thánh thiện, là sự tốt lành, là nguồn gốc của mọi sự tốt lành. Khi con người được dựng nên “giống hình ảnh” Thiên Chúa, không có nghĩa là giống hình hài bên ngoài, nhưng là giống về đặc tính của Thiên Chúa là sự thánh thiện và tốt lành.
Tuy nhiên, khoảng cách của 2 vật thể càng xa thì hình ảnh càng mờ dần (không rõ nét). Cũng vậy, khi con người càng xa Thiên Chúa, thì sự “giống hình ảnh” đó sẽ càng mờ dần và không chính xác.
Chúng ta thường lý luận là do kiêu ngạo nên nguyên tổ đã phạm tội. Nhưng nói đúng hơn là do nguyên tổ đã “rời xa” Thiên Chúa nên nguyên tổ phạm tội: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn…” (St 4, 6). Ngay khi nguyên tổ suy nghĩ muốn ăn trái cây bị Thiên Chúa cấm đó, thì trái tim của nguyên tổ đã "rời xa" trái tim yêu thương của Thiên Chúa, thế nên chuyện phạm tội sau đó là dĩ nhiên.
Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói: “Có một sự mâu thuẫn khi chủ trương loại bỏ Thiên Chúa để làm cho con người được sống! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống: loại bỏ Ngài, có nghĩa là tách rời khỏi nguồn mạch ấy và chắc chắn sẽ bị mất sự sung mãn và niềm vui” (Sứ điệp ngày Quốc tế giới trẻ XXVI). Trong Gaudium et Spes, số 36 cũng nói: “Thực vậy, thụ tạo không có Đấng Tạo Hóa thì sẽ tàn lụi”.
Điều đó cho thấy rằng: Xa Thiên Chúa nghĩa là xa sự thánh thiện nguyên thuỷ, càng xa thì càng mờ nhạt dần, và tội lỗi sẽ xâm nhập là chuyện dễ hiểu. Khi con người tự ý rời bỏ Thiên Chúa tốt lành thì đương nhiên phải nhận lãnh hậu quả xấu là tội lỗi. Không tiếp nhận ánh sáng thì đương nhiên ở trong bóng tối, chứ bóng tối không hiện hữu độc lập giống như ánh sáng.
Chúng ta nhìn hình ảnh của bếp lửa và người ngồi sưởi ấm: Người ta càng ngồi gần bếp lửa thì hơi ấm càng nhiều, nhưng nếu ngồi xa bếp lửa thì hơi lạnh càng nhiều. Cũng vậy, Thiên Chúa là ánh sáng, là sự thiện: Khi ở gần Thiên Chúa thì tất nhiên sự thiện của con người sẽ dồi dào, nhưng khi rời bỏ Thiên Chúa thì tất nhiên tội lỗi sẽ tràn vào.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nhóm người Kinh sư và Pharisêu “bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mc 3: 6), thì ngay lập tức, họ đã xoá bỏ Chúa ra khỏi lòng của họ, và sự dữ sẽ xâm nhập họ. Khi sống dưới ách thống trị của Satan, họ sẽ rời bỏ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho họ. Hậu quả là, khi đứng trước nỗi đau khổ của người khác, họ cũng sẽ không còn lòng xót thương và trở nên vô cảm lạnh lùng. Chúa Giêsu đã vạch trần lòng vô cảm đó của họ: “Ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người?” (Mc 3: 4). Sự vô cảm của người Kinh sư và Pharisêu là hậu quả của việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng nhiều lần rời xa Chúa bằng những hình thức khác nhau: Tuy chúng ta không công khai nói rằng “tôi bỏ Chúa”, nhưng chọn lựa ưu tiên của chúng ta lại không phải là Chúa. Khi ở trong tình trạng đó, chắc chắn chúng ta sẽ chịu hậu quả như những người Kinh sư và Pharisêu năm xưa, đó là sự vô cảm dửng dưng với anh chị em của mình.
Trong thế giới hôm nay, dường như hậu quả đó ngày càng nhiều và đa dạng, nhưng đôi khi chúng ta lại không nhận ra. Để kiểm chứng sự vô cảm nơi chính mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho chúng ta một câu hỏi như sau: “Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta?”. Đứng trước một loài người đang sống trong tình cảnh “hoạn nạn” vì tội lỗi kiềm hãm, Thiên Chúa thương xót và cứu độ con người. Thế nên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Nếu bạn đứng trước một người hoạn nạn mà bạn không có lòng thương xót, nếu trái tim bạn không rung động, thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn”. Thử nhìn lại cuộc sống của mình, ta có gì đó không ổn như vậy chăng?
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức được hậu quả nghiêm trọng của việc rời xa Chúa; hậu quả đó làm cho chúng con đánh mất lòng thương cảm đối với anh chị em của mình. Xin cho chúng con biết lại gần Chúa bằng đời sống cầu nguyện và tấm lòng lương thiện… để nhờ đó chúng con có sự nhạy cảm trước những nỗi đau của anh chị em mình. Amen.
Cao Nhất Huy