Clock-Time

ĐỪNG SỐNG ĐẠO THEO KIỂU “LÀM THAY” - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXIII Mùa Thường Niên | Lc 2:33-35 | Lm Cao Nhất Huy

Khi Giáo hội mời gọi chúng ta sùng kính Đức Mẹ sầu bi, nghĩa là Giáo hội muốn chúng ta hướng về cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để noi gương Mẹ kết hợp cuộc đời của mình với cuộc tử nạn của Đức Kitô trong đức tin. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống đạo: giữ luật Chúa, luật Giáo hội vì mình “ưng thuận” từ nội tâm sâu xa, chứ không phải “làm thay” ai khác. Nếu được như thế, chúng ta sẽ được hưởng phúc trường sinh với Đức Kitô như Đức Mẹ.

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Sáu Tuần XXIII Mùa Thường Niên - Lễ ĐỨC MẸ SẦU BI
hiệp thông loan báo tin mừng

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (2: 33-35)

3 Hôm ấy, cha và mẹ Hài nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.

SUY NIỆM

ĐỪNG SỐNG ĐẠO THEO KIỂU “LÀM THAY”

Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”

---/---

Tước hiệu "Đức Mẹ Sầu Bi" tập trung vào các nỗi thống khổ của Đức Maria trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, vì Mẹ luôn kết hiệp khổ đau của mình với đau khổ của Chúa Giêsu trên hành trình Thập giá. Chính vì thế, người ta thường liên tưởng đến nỗi sầu muộn của Đức Maria hơn là “niềm vui được cộng tác” với Thiên Chúa qua Con của Mẹ. Vì thế, mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm sự cộng tác của Đức Maria vào công trình cứu độ của Đức Kitô. Tuy nhiên, sự cộng tác của Đức Maria trong vai trò là “Thân mẫu Đấng Cứu chuộc” không giống như sự cộng tác của mỗi người chúng ta trong tư cách là Kitô hữu. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sự cộng tác đó được nhìn nhận như là sự “ưng thuận” của đức tin.

* Thế nào là sự “ưng thuận” của đức tin?

Chúng ta hãy nhìn vào lời tiên báo của ông Simêon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Lời tiên báo này liên kết chặt chẽ nỗi đau của Đức Maria với nỗi đau của Đức Giêsu: Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu khổ nạn và bị treo trên thập giá, các vết đòn roi khắp thân thể, các mũi đinh trên tay chân, và mũi giáo ở cạnh sườn Chúa, nếu nhìn từ trái tim của một người mẹ, thì đó chính là “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn”. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh của Ơn cứu độ, lời tiên báo đó không phải là nỗi buồn, mà là niềm vui của đức tin khi Mẹ được dự phần vào cuộc khổ nạn của Con mình.

Lời tiên báo đó cũng cho thấy: Đỉnh cao “ưng thuận trong đức tin” của Đức Maria diễn ra dưới chân Thánh Giá, nơi sự đau khổ toàn diện của trái tim người mẹ đang dự phần một cách đầy vâng phục với sự đau khổ của trái tim Chúa Giêsu để làm trọn kế hoạch cứu chuộc của Chúa Cha (x. Ga 19: 25-28). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng mô tả, Đức Maria đã dự phần “đóng đinh một cách thiêng liêng với người Con chịu đóng đinh của mình”. Với sự “ưng thuận” ấy, Mẹ dự phần trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu, chứ không phải người ngoài cuộc đứng bên lề cuộc thương khó.

Vì thế, ta có thể nói rằng: Sự cộng tác của Đức Maria không phải là “làm thay”, mà là “ưng thuận góp sức vào công trình cứu độ của Thiên Chúa” với lòng tin tuyệt đối.

* Trong đời sống đạo, chúng ta có “ưng thuận” bằng đức tin của mình không? Hay chúng ta sống đạo theo kiểu “làm thay” cho ai đó?

Nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta sống đạo như là một hình thức “làm thay” cho cha mẹ, vợ chồng, con cái. Chúng ta đi lễ, đọc kinh là vì cha mẹ, chồng hoặc vợ muốn mình làm chứ không phải phát xuất từ sự “ưng thuận” nơi chính bản thân mình: Người lớn đi lễ, đọc kinh đôi khi không phải vì lòng yêu mến, mà vì “sợ” luật Giáo hội; trẻ em đi lễ, đọc kinh vì sợ cha mẹ… Điều đó không làm cho đức tin của chúng ta vững mạnh, cũng không làm cho chúng ta đạt được ơn cứu độ, bởi vì chúng ta chưa thực sự cộng tác và tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã nói rằng: Chúng ta không thể dự phần vào vinh quang của Đức Kitô, trừ khi chúng ta dự phần vào cuộc đóng đinh của Ngài (2Cr 4: 10).

Do đó, khi Giáo hội mời gọi chúng ta sùng kính Đức Mẹ sầu bi, nghĩa là Giáo hội muốn chúng ta hướng về cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để noi gương Mẹ kết hợp cuộc đời của mình với cuộc tử nạn của Đức Kitô trong đức tin. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống đạo: giữ luật Chúa, luật Giáo hội vì mình “ưng thuận” từ nội tâm sâu xa, chứ không phải “làm thay” ai khác. Nếu được như thế, chúng ta sẽ được hưởng phúc trường sinh với Đức Kitô như Đức Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con mỗi ngày biết sẵn lòng chịu mọi thử thách, mọi đau khổ trong một đức tin vững chắc, đó chính là cách thế tham dự vào sự thương khó của Đức Kitô Con của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Đức Kitô, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và cho toàn thể mọi người. Amen.

Cao Nhất Huy