Clock-Time

GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC TIN VÀ LỜI CHÚA - Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên (Lc 8:19 - 21) - Lm Cao Nhất Huy

Việc thực hành Lời Chúa trong gia đình được thực hiện bằng việc các thành viên biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau; biết chia sẻ, cảm thông và yêu thương nhau. Điều đó không chỉ làm cho họ trở thành một gia đình xã hội mẫu mực, mà còn làm cho họ trở thành một gia đình Kitô hữu có Chúa hiện diện.

SUY NIỆM LỜI CHÚA

THỨ BA TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN

NGÀY 20/09/2022

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (8: 19-21)

19 Một hôm, mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”.21 Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

SUY NIỆM

GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC TIN VÀ LỜI CHÚA

“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

--/--

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một xác tín: Ngoài gia đình huyết thống tự nhiên, chúng ta còn có một gia đình thiêng liêng lớn lao hơn. Gia đình này được xây dựng trên nền tảng đức tin. Nền tảng đức tin đó được thể hiện qua việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa.

- Đức Giêsu vâng nghe Lời Chúa Cha: Khởi đầu một gia đình Hội Thánh

Trước khi Đức Giêsu “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16: 21), Ngài đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các môn đệ trả lời: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”.

Với câu trả lời của các môn đệ, Chúa Giêsu giống như những nhân vật đi trước Ngài, mỗi nhân vật một chút: một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia. Điều này cho thấy Ngài đã hoà nhập vào một lịch sử, văn hoá và tôn giáo của dân tộc mình. Ngài đã đi vào và hiện diện trong gia đình nhân loại.

Tiếp đến, sau khi Simon đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô đã nói lên căn tính của Đức Giêsu: Đấng Kitô nghĩa là Đấng chịu đóng đinh. Đấng chịu đóng đinh đó là Con Thiên Chúa đã vâng lời “ý muốn” của Cha xuống thế gian làm người để cứu chuộc nhân loại, vì Ngài là “Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mc 1: 11).

- Thánh Phêrô với niềm Tin – Yêu: Chúa Giêsu thiết lập gia đình Hội Thánh

Sau lời tuyên xưng của Simon, Đức Giêsu đã nói:Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Simon đã được Đức Giêsu khen là có phúc, được đổi tên thành Phêrô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng. Phêrô cũng từng tuyên xưng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” và Chúa Giêsu nói: "Hãy chăm sóc chiên con… chiên mẹ… của Thầy" (x. Ga 21.15.16.17).

Như vậy, với niềm Tin – Yêu, Phêrô đã đi vào trong gia đình Hội Thánh của Thiên Chúa, ngài thuộc về gia đình đó khi đón nhận và chia sẻ sứ mệnh hiến mình vì đoàn chiên giống như Đức Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21: 18).

Qua đó, chúng ta thấy, Đức Giêsu đã vâng nghe lời của Chúa Cha, Ngài đi vào gia đình nhân loại và thiết lập nên một gia đình Giáo Hội, gồm những con người tin vào Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, cụ thể chính là Phêrô: đại diện cho các Tông đồ và cả chúng ta nữa.

- Lắng nghe và thực hành Lời Chúa: Thuộc về Gia đình Hội Thánh

Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã khẳng định: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Khởi đi từ Đức Maria, Mẹ đã can đảm chấp nhận vâng nghe lời Sứ Thần truyền: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Chúng ta nhìn lại câu nói của Chúa Cha với Chúa Giêsu: “Ta hài lòng về Con”. Đức Giêsu và Mẹ Maria được đẹp lòng Thiên Chúa vì các Ngài đã lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa bằng cả cuộc đời. Đó là dấu chỉ gia đình của Thiên Chúa, dấu chỉ của sự vâng nghe Lời. Vì thế, câu trả lời của Chúa Giêsu "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” không bác bỏ vai trò làm Mẹ của Đức Maria mà còn nâng cao vai trò làm Mẹ của Đức Maria.

Như vậy, qua hình ảnh Đức Giêsu, Thánh Phêrô và Mẹ Maria, Giáo hội mời gọi các gia đình Kitô hữu hãy lấy đức tin làm nền móng vững chắc để xây dựng đời sống gia đình. Đức tin được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Lắng nghe và thực hành không phải trên môi miệng, nhưng bằng hành động là chính cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu, nhưng không làm cho chúng ta thuộc về gia đình của Chúa nếu chúng ta không sống Bí tích đó bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Vì thế, việc thực hành Lời Chúa trong gia đình được thực hiện bằng việc các thành viên biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau; biết chia sẻ, cảm thông và yêu thương nhau. Điều đó không chỉ làm cho họ trở thành một gia đình xã hội mẫu mực, mà còn làm cho họ trở thành một gia đình Kitô hữu có Chúa hiện diện.

Lạy Chúa! Chúa đã thiết lập Hội Thánh và quy tụ chúng con lại thành một gia đình của đức tin, để chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn biết đặt Lời Chúa làm trung tâm của đời sống gia đình, nhờ đó chúng con sẽ luôn an vui và hạnh phúc vì có Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Amen.

Cao Nhất Huy