Giáo Hội Hiệp Thông Cầu Nguyện - Suy Niệm Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời - Lm Cao Nhất Huy
Suy niệm Lời Chúa
THỨ TƯ TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
Lễ I: G 19: 1.23-27a; Rm 5: 5-11; Ga 6: 37-40.
Lễ II: Is 25: 6a.7-9; Rm 8: 14-23; Lc 23: 33.39-42.
Lễ III: 2Mcb 12: 43-45; Kh 21: 1-5a.6b-7; Ga 11: 17-27.
GIÁO HỘI HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN
“Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã qua đời trong bình an của Ðức Ki-tô,… mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”
---/---
Kinh Tạ Ơn hay còn gọi là Kinh Nguyện Thánh Thể là kinh nguyện quan trọng nhất trong Thánh Lễ. Đó là trung tâm điểm của Bí Tích Thánh Thể. Có thể nói không có Kinh Tạ Ơn thì không có Thánh Lễ, vì trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cử hành lời tạ ơn bằng việc cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho các Tông Đồ: “Đây là mình Thầy hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19). Điểm đáng chú ý là trong các Kinh Tạ Ơn của mỗi Thánh Lễ, Giáo Hội cũng luôn mời gọi các tín hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đã qua đời:
- Kinh tạ ơn 1: “Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến (những) tôi tớ Chúa là T... (và T...) được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an. Lạy Chúa, chúng con xin Chúa thương ban cho các tín hữu ấy, và tất cả mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã an nghỉ trong Ðức Ki-tô, được vào nơi hạnh phúc sáng láng và bình an”.
- Kinh Tạ Ơn 2: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại,… đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa”.
- Kinh Tạ Ơn 3: “Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần, và mọi người sống đẹp lòng Cha mà nay đã lìa cõi thế,… xin thương nhận hết thảy vào Nước Cha”.
- Kinh Tạ Ơn 4: “Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã qua đời trong bình an của Ðức Ki-tô,… mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”.
Vì thế, nếu Kinh Tạ Ơn có tầm quan trọng trong mỗi Thánh Lễ mà Giáo Hội cử hành, thì lời cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời trong các Kinh Tạ Ơn cũng có tầm quan trọng không kém. Bởi vì, các linh hồn nơi luyện ngục không thể làm gì được nữa, vì thời gian để lập công phúc đã qua. Giờ đây, các ngài chỉ còn biết cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa mà thôi. Thế nên, việc đặt các lời cầu xin vào trong cử hành của các Kinh Tạ Ơn trong các Thánh Lễ nói lên rằng: Không chỉ đến tháng 11 hằng năm thì ta mới nhớ đến và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nhưng mỗi ngày trong các Thánh Lễ, cả Giáo Hội đều hiệp thông cầu nguyện cách đặc biệt cho các ngài.
Chúa muốn chúng ta sống trong sự hiệp thông với Các Thánh thông công, để đền tội thay cho các Linh hồn nơi luyện hình, nên đã tạo điều kiện cho mỗi người chúng ta có cơ hội trợ giúp các ngài, bằng những việc lành phúc đức, bằng sự hy sinh hãm mình, chuyên cần cầu nguyện, và nhất là tham dự Thánh Lễ. Bởi vì, Thánh Lễ không phải do một cá nhân cầu xin, mà là một cộng đoàn Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa lời nài xin tha thiết. Ta thấy, trong Kinh Nguyện Thánh Thể III, khi linh mục đọc: “Vì vậy, lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà thánh hóa của lễ chúng con dâng tiến Cha đây, để biến thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con”. Lời nài xin này cho thấy không phải cá nhân linh mục, mà ngài chỉ là người đại diện cho cộng đoàn và toàn thể Hội Thánh cầu xin Chúa Cha dùng quyền năng của Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa và biến lễ vật thành Mình và Máu Chúa Kitô. Sở dĩ lời cầu xin này được Chúa Cha chấp nhận, vì đó là lời cầu xin của vị Hiền Thê của Chúa Kitô dâng lên.
Trong Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina) do ĐTC Phaolô VI ban bố ngày 1/1/1967 xác nhận rằng: “Người Công giáo tương trợ lẫn nhau để đạt đến cùng đích siêu nhiên... Nhưng ta có sự tương trợ lớn nhất, hiệu quả nhất, được đặt trên nền tảng và gương mẫu của Chúa Kitô”.
Vì thế, trong những ngày lễ này, chúng ta không chỉ nhớ đến những người đã khuất bằng việc cầu nguyện, thực thi bác ái, mà còn được mời gọi tham dự Thánh Lễ sốt sắng mỗi ngày để cùng với toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho các ngài. Đó là một ân huệ, cũng là một cơ hội để các tín hữu tương trợ lẫn nhau hầu đạt tới “cùng đích siêu nhiên” như lời của ĐTC Phaolô VI đã nói.
Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống, chúng con là những người yếu hèn tội lỗi, nhưng đã sống trọn niềm tin qua việc tham dự Thánh Lễ mỗi ngày và Thánh Lễ cuộc đời của chúng con. Đó là đời sống bác ái, hy sinh và cầu nguyện dành cho các tín hữu đã qua đời. Xin Chúa thương giải thoát các ngài khỏi mọi tội lỗi. Xin Chúa cũng thương nhận lời chúng con tha thiết nguyện cầu, và giúp chúng con trong cuộc đời lữ thứ trần gian, luôn biết hướng lòng về Quê Trời. Amen.
Cao Nhất Huy