Clock-Time

MÓN NỢ “SỰ SỐNG VÀ CỨU SỐNG” - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần III Mùa Chay | Mt 18:21-35 | Lm Cao Nhất Huy

Nếu chúng ta so sánh món nợ của con người với Thiên Chúa và món nợ của con người với nhau, thì món nợ của con người với Thiên Chúa lớn hơn rất nhiều, đó là món nợ của “sự sống và cứu sống”... 

Suy Niệm Lời Chúa
THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY
Hiệp thông loan báo Tin Mừng

Ca nhập lễ: Tv 16: 6.8

Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu. Xin giữ gìn con như thể con người, dưới bóng Ngài, xin thương che chở.

Bài đọc 1: Đn 3: 25.34-43

Xin Chúa nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con.

Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en.

Ngày ấy, A-da-ri-a đứng giữa đám lửa và cất tiếng cầu nguyện rằng: “Ôi! Vì danh thánh Chúa, xin đừng mãi mãi bỏ rơi chúng con, đừng huỷ bỏ giao ước của Ngài! Vì tình nghĩa với bạn thân Ngài là Áp-ra-ham, với tôi tớ Ngài là I-xa-ác, và kẻ Ngài thánh hoá là Ít-ra-en, xin Ngài đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng con. Ngài đã hứa làm cho dòng dõi họ đông đảo như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Thế mà hôm nay, lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu. Ngày nay chẳng còn vị thủ lãnh,

chẳng còn bậc ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy. Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết, lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn, chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa để chúng con được Chúa xót thương. Nhưng xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt. Ước gì hy lễ chúng con thượng tiến Ngài hôm nay cũng làm đẹp ý Ngài như vậy. Ước gì chúng con theo Ngài mãi đến cùng, vì những ai tin cậy vào Ngài, đâu có phải ê chề thất vọng. Và giờ đây, chúng con hết lòng đi theo Chúa, kính sợ Ngài và tìm kiếm Thánh Nhan. Xin đừng để chúng con phải thẹn thùng xấu hổ. Nhưng xin Ngài tỏ lòng nhân hậu và lòng thương xót vô biên của Ngài khi Ngài đối xử với chúng con. Xin làm những việc lạ lùng kỳ diệu mà giải thoát chúng con và tôn vinh danh Ngài, lạy Chúa”.

Đáp ca: Tv 24: 4-5a.6 và 7c.8-9 (Đ. c.6a)

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời, giờ đây xin nhớ lại. Xin Chúa lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

Tung hô Tin Mừng: Ge 2: 12-13

Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu.

Tin Mừng: Mt 18: 21-35

Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho anh em.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết’. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh’. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ca hiệp lễ: Tv 14: 1-2

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài? là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng.

MÓN NỢ “SỰ SỐNG VÀ CỨU SỐNG”

Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong
anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”

---/---

Mỗi khi nói đến Thiên Chúa, người ta không chỉ ví Ngài là tình yêu (1Ga 4: 8), mà còn là sự sống (Ga 14: 6), là Thiên Chúa hằng sống. Ngài kêu mời nhân loại bước vào hưởng sự sống vĩnh cửu. Nhờ đó, con người được hiện diện trong vũ trụ này. Đó là món “nợ tình yêu sự sống” đầu tiên mà con người nợ Thiên Chúa. Khi Ađam-Eva lỗi phạm với Thiên Chúa, con người theo đó phải chết cùng với tội lỗi của nguyên tổ. Nhưng Đức Giêsu là sự sống (x. Ga 11: 25) đã đến thế gian. Vì không muốn chúng ta chết chìm trong khổ đau và tội lỗi, Ngài đã bước vào con đường khổ nạn và chịu chết cách thê lương trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Đó là hồng ân “cứu sống” mà con người nợ Thiên Chúa.

Với món “nợ sự sống và cứu sống” này, không bao giờ chúng ta có thể trả hết cho Thiên Chúa, vì sức con người không có khả năng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể trả được, đó là chúng ta hãy “hết lòng tha thứ cho anh em” (Mt 18: 35), như chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Thánh Phaolô nói rằng: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,7-8). Trước tiên, ngài nhắc nhở chúng ta sống công bình trong việc “nợ nần”. Sau nữa, điều quan trọng và nền tảng, đó là món nợ yêu thương, món nợ tương thân tương ái. Với thánh nhân, đó là món nợ duy nhất mà chúng ta cần mang, cần có và cần sống trong suốt cuộc đời, vì ai cũng mắc món nợ này: Nợ Thiên Chúa Tình yêu và ân sủng, nợ cha mẹ vì công ơn sinh thành và dưỡng dục, nợ tha nhân vì các mối tương quan. Chúng ta hiểu điều này như thế nào?

Nếu chúng ta so sánh món nợ của con người với Thiên Chúa và món nợ của con người với nhau, thì món nợ của con người với Thiên Chúa lớn hơn rất nhiều, đó là món nợ của “sự sống và cứu sống”. Tuy nhiên, món nợ mà thánh Phaolô nói đến là món nợ “tương thân tương ái”, đây cũng là món nợ về “sự sống và cứu sống” trong tương quan đồng loại với nhau: Với cha mẹ sinh ta ra - sự sống, cha mẹ dưỡng dục - cứu sống; bạn bè, lối xóm giúp đỡ lẫn nhau - cứu sống. Vì thế, tất cả những điều đó cũng trở thành những món nợ mà chúng ta không có khả năng để trả hết, chỉ có thể mang lấy và sống trong cuộc đời nhờ vào lời giáo huấn của Chúa Giêsu: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Chúng ta hãy sống sự tha thứ để bù đắp món nợ với Thiên Chúa và với tha nhân trong cuộc đời của mình.

Cụ thể nhất và gần gũi nhất, đó là lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hãy sống sự biết ơn và tha thứ với cha mẹ của mình. Sống trên đời ai cũng có lỗi, kể cả cha mẹ. Nhưng tình yêu cha mẹ dành cho con cái là tình yêu nhưng không và không chờ đợi đáp đền. Tuy nhiên, bổn phận của con cái khi lớn lên phải ý thức công lao to lớn đó của cha mẹ mà sống hai chữ “hiếu thảo”. Chữ hiếu thảo đó bao gồm sự đón nhận cha mẹ nghèo đói, tuổi già sức yếu. Chữ hiếu thảo đó cũng là sự tha thứ cho cha mẹ những lỗi lầm mà trong thân phận làm người các ngài không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, cũng có những bậc cha mẹ nợ con cái một món nợ không trả nổi, đó là món nợ của sự sống. Có nhiều bậc cha mẹ vì tuổi trẻ ham chơi, lầm lỡ đã đang tâm huỷ diệt sự sống của đứa con trong bụng. Đó là món nợ “lớn” mà những người cha mẹ không thể trả cho con cái, và qua món nợ đó, họ cũng nợ Thiên Chúa là chủ sự sống - một món nợ lớn nữa.

Vì thế, trong thân phận làm người, hãy sống với ý thức rằng, chúng ta đang nợ Thiên Chúa một món nợ của “sự sống và cứu sống”, để nhờ đó ta biết sống một cuộc đời hiếu thảo với cha mẹ, còn cha mẹ thì hãy sống một cuộc đời biết tôn trọng sự sống của con cái.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức được món nợ mà chúng con nợ Thiên Chúa, để qua đó chúng con biết sống tình tương thân tương ái trong gia đình và ngoài lối xóm; biết yêu thương và tha thứ cho cha mẹ, anh chị em và những người xung quanh; cũng xin cho chúng con biết tôn trọng sự sống của tất cả mọi sinh linh nhỏ bé. Amen.

Cao Nhất Huy