Clock-Time

Ngày 2-03-2016 Thứ Tư Sau Chúa Nhật III Mùa Chay

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Vậy Chúa kiện toàn lề luật như thế nào?

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Matthêu (Mt 5, 17-19)

 
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

SUY NIỆM

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Vậy Chúa kiện toàn lề luật như thế nào?

1. Chúa Đặt lề luật vào đúng vị trí của nó: Lề luật là phương tiện chứ không phải là mục đích. Đã là phương tiện thì phải nhằm phục vụ mục đích. Để đạt một mục đích sẽ có nhiều phương tiện. Vì thế, p[hương tiện mà không thể đạt mục đích hay lệch mục đích thì phương tiện không còn cần thiết.

Chúa kiện toàn lề luật, để từ nay, ai sống lề luật là phải đạt tới mục đích của sự nân thánh. Do đó, lề luật phải mang lại hạnh phúc. Giữ luật mà không hạnh phúc, không đưa tới ơn nân thánh, việc giữ luật ấy sai, phải chỉnh đốn lại.

2. Đặt lề luật vào đúng vị trí của nó: Thiên luật là luật. Luật do Thiên Chúa ban thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật là luật do con người làm ra thì có tính tương đối. Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa. Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta có thể nói rằng luật của con người có ra là nhằm phục vụ cho luật của Thiên Chúa. Do đó luật của con người cần phải lấy luật của Thiên Chúa làm điểm quy chiếu và nhất là không được trái với luật của Thiên Chúa.

Vì thế, giữ luật phải đưa tới tình yêu. Vì tình yêu là luật bất di bất dịch đến từ Thiên Chúa. Giữ luật mà làm cho tình yêu, sự cảm thông, lòng bác ái bị chèn ép, thì đó là giữ luật sai, cần chỉnh đốn lại.

3. Luật yêu thương là luật tối thượng. Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Dù xác đinh là giới răn trọng nhất, nhưng chúa Giêsu đã phân thành hai điều trên dưới khác nhau là mến Chúa và yêu người. Chính nhờ biết kính mến Thiên Chúa nên chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân vượt quá cảm tính thường tình để rồi có thể yêu thương cả kẻ thù, yêu thương người bắt bớ, làm hại mình (x.Mt 5,43-48).

Là Kitô hữu, ít có ai dám mạo phạm đến luật của Thiên Chúa. Trong thực tế nhiều khi ta quá đặt nặng luật của con người hơn là luật của Thiên Chúa. Chuyện gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà là chuyện vẫn đang tồn tại đó đây (x.Mt 23,23-24).

Có nhiều truyền thống đạo đức của một thời dù hiện nay có vẽ không còn phù hợp nhưng ít có ai can đảm bỏ nó đi như các Tông đồ ngày xưa đã bỏ lễ nghi “cắt bì”. Quá kiêng cử, nệ luật, chúng ta có thể vô tình biến Kitô hữu trở thành những người vụ luật

Vậy dù giữ luật nào, chúng ta hãy lấy tình yêu thương làm đầu, làm trọng.

Lạy Chúa, xin chúng con yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Để trong tất cả mọi chiều kích của lề luật mà chúng con phải giữ, nhờ tình yêu dành cho Chúa và dành cho anh em, chúng con biết làm cho mọi người, và cho bản thân mình hạnh phúc. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường