NGHI NGỜ ĐỂ TÌM KIẾM HAY NGHI NGỜ RỒI BUÔNG BỎ? - Suy Niệm Lời Chúa | Lễ Suy Tôn Thánh Giá | Ga 3:13-17 | Lm Cao Nhất Huy
Nghi ngờ là một trải nghiệm phổ biến đối với tất cả mọi người! Ngay cả với những người có đức tin vào Thiên Chúa, đôi khi họ cũng phải đấu tranh với sự nghi ngờ của mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Nếu một người có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi – đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không ở với họ”. Với câu nói này của Đức Giáo Hoàng, chúng ta cũng có thể nói lại rằng: Nếu một người biết hết tất cả, có câu trả lời cho mọi vấn đề từ đơn giản đến siêu việt, thì họ đâu cần đức tin nữa, bởi họ chỉ tin vào chính họ và họ không cần Thiên Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Năm Tuần XXIII Mùa Thường Niên
Lễ SUY TÔN THÁNH GIÁ
hiệp thông loan báo tin mừng
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (3: 13-17)
13 Một hôm, Đức Giê-su nói với dân chúng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.
SUY NIỆM
NGHI NGỜ ĐỂ TÌM KIẾM HAY NGHI NGỜ RỒI BUÔNG BỎ?
Ai tin vào Người thì được sống muôn đời
---/---
Trong trình thuật của sách Sáng thế, Thiên Chúa nói với ông bà nguyên tổ rằng: “Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ chết” (St 2: 17); còn con rắn nói: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3: 4-5). Đứng trước lời dụ dỗ của con rắn, Ađam và Evà đã nghi ngờ Thiên Chúa và hậu quả đúng như Thiên Chúa đã nói: “Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ chết” (St 2: 17).
Bối cảnh của việc Môsê giương cao con rắn trong sa mạc bắt nguồn từ việc dân đi trong sa mạc, họ đi theo Chúa dưới sự hướng dẫn của Môsê, họ chứng kiến biết bao dấu lạ của Thiên Chúa ban cho họ: Vượt qua biển đỏ vẫn khô chân, khi đói thì Chúa cho Manna từ trời xuống để thoả cơn đói, hết Manna rồi họ lại đòi thịt, Chúa lại ban cho họ chim Cút, càng ngày họ càng đòi hỏi nhiều hơn nữa… Nhưng họ vẫn than trách và nghi ngờ Thiên Chúa: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống?” (Ds 21: 5). Hậu quả của sự nghi ngờ này cũng chính là sự chết mà rắn độc xuất hiện cắn chết dân (x. Ds 21: 6).
Dựa vào 2 trình thuật sách Sáng thế và Dân số, chúng ta thấy rằng: Thái độ nghi ngờ Thiên Chúa trong đời sống sẽ khiến con người mất đi sự sống. Tin Mừng của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, thánh Gioan khẳng định: Tin thì được sống muôn đời, còn nghi ngờ Thiên Chúa thì sẽ mất đi sự sống: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Tuy nhiên, nghi ngờ là một trải nghiệm phổ biến đối với tất cả mọi người! Ngay cả những người có đức tin vào Thiên Chúa, đôi khi cũng phải đấu tranh với sự nghi ngờ của mình. Chẳng hạn, người cha của đứa bé bị động kinh trong Kinh Thánh, sau khi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho con của mình, đã thốt lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9: 24). Hay như Tôma Tông đồ: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20: 25): Đó là một sự nghi ngờ!
Tuy nhiên, chúng ta thấy sự nghi ngờ của người cha cũng như của Tôma và sự nghi ngờ của nguyên tổ cũng như dân trong sa mạc hoàn toàn khác nhau. Tôma và cha của đứa bé động kinh nghi ngờ để tìm kiếm đức tin cho mình, để giúp mình vững tin hơn; còn nguyên tổ và dân trong sa mạc nghi ngờ và gạt bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời của họ, họ muốn sống một cuộc đời không liên quan gì đến Chúa.
Nhìn lại cuộc đời của mỗi người, chúng ta nhận thấy đã rất nhiều lần mình tỏ thái độ nghi ngờ Thiên Chúa: Nghi ngờ tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa trong những thất bại ê chề, hay nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa khi quá thành công. Nhìn lại những nghi ngờ đó, chúng ta đang thuộc về nhóm nào trong 2 nhóm người ở trên? Nghi ngờ để rồi gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời hay nghi ngờ để cố gắng tìm kiếm đức tin vững chắc cho mình?
Trong một câu tweet vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Nếu một người có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi – đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không ở với họ”. Với câu nói này của Đức Giáo Hoàng, chúng ta cũng có thể nói lại rằng: Nếu một người biết hết tất cả, có câu trả lời cho mọi vấn đề từ đơn giản đến siêu việt, thì họ đâu cần đức tin nữa, bởi họ chỉ tin vào chính họ và họ không cần Thiên Chúa. Nhưng trớ trêu thay, vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ rộng lớn và siêu việt đến nỗi con người không bao giờ có thể giải đáp được tất cả mọi thứ. Thế nên, đứng trước một vũ trụ bao la như vậy, con người không bao giờ thoát khỏi hai chữ “nghi ngờ”. Tuy nhiên, điều quan trọng là: Nghi ngờ để tìm kiếm Chúa hay nghi ngờ rồi buông bỏ, loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời?
Ước gì mỗi người chúng ta luôn mạnh dạn tìm kiếm Chúa và can đảm bước ra khỏi đêm tối của sự nghi ngờ. Xin Chúa cho chúng con đừng nản lòng trong việc tìm kiếm Chúa. Amen.
Cao Nhất Huy