Clock-Time

NIỀM VUI HOÁN CẢI - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần XXIV Mùa Thường Niên - Lễ Thánh Matthêu, Thánh Sử | Mt 9:9-13 | Lm Cao Nhất Huy

Chúa Giêsu đã đi ngang qua đời Matthêu và biến đổi ông. Vậy tôi có nhận ra những lần Ngài ngang qua đời tôi, bởi Lời Chúa, bởi Thánh Thể, hay qua anh chị em xung quanh, với lời mời gọi tôi biến đổi cuộc đời không? Là con cái Chúa, tôi có chia sẻ phẩm tính yêu thương tốt lành của Ngài với hết mọi người, nhất là đối với những người tôi cho là “thu thuế” không? Hoặc tôi có phải là một “Pharisêu” với tính tự kiêu, tự đắc để rồi khinh thường người khác, xem người khác là hạng tội lỗi không?...

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Năm Tuần XXIV Mùa Thường Niên
Lễ Thánh Matthêu, Thánh Sử

hiệp thông loan báo tin mừng

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (9: 9-13)

9 Hôm ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo Người.10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”.12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.

SUY NIỆM

NIỀM VUI HOÁN CẢI

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”

---/---

Thánh Matthêu là một người thu thuế tên Lêvi, con ông Alphée, sống tại Caphanaum nơi Đức Giêsu sinh sống. Thánh nhân là người gốc Do Thái nhưng lại làm việc cho người Rôma, lúc ấy đang cai trị những người Do Thái. Vì thế, những người Do Thái bản xứ rất căm ghét Matthêu. Họ coi ông là hạng người tội lỗi và không muốn tiếp xúc hay đến gần.

Tuy nhiên, đó không phải là thái độ của Đức Giêsu, Ngài khẳng định: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Chúa Giêsu đã gọi ông theo Ngài: "Anh hãy theo tôi! "Ông đứng dậy đi theo Người" (Mt 9: 10). Từ một người thu thuế, Matthêu đã trở thành vị tông đồ của Chúa Giêsu. Từ một người thu thuế, Matthêu trở thành người “thu đức tin”. Đó là một ân huệ mà Thiên Chúa ban cho Matthêu.

Những người Kinh sư, Pharisêu và Matthêu là ai? Thưa họ đều là những người đã đón nhận ân huệ của Thiên Chúa, họ được giải thoát khỏi tội lỗi, và tái sinh vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Vì thế, trong các ân huệ của Thiên Chúa mà chúng ta đón nhận, Đức Kitô là ân huệ lớn nhất, là ân huệ của mọi ân huệ. Tuy nhiên, để đón nhận được trọn vẹn ân huệ đó, chúng ta phải ra khỏi mình để sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa như cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matthêu. Chính cuộc gặp gỡ này sẽ soi sáng và hướng dẫn cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và mỗi người chúng ta.

Chúng ta thử tưởng tượng khung cảnh Matthêu ngồi ở bàn thu thuế: Xung quanh ông bao nhiêu cặp mắt dè chừng, cặp mắt thù ghét, khinh bỉ... Trong bối cảnh tưởng chừng như rất bi đát đó, thì một điều trái ngược hoàn toàn với bức tranh ảm đạm đó, là một bức tranh rất lạc quan và đầy niềm vui hoán cải: Một con người đã gạt bỏ mọi ngăn cách về địa vị, danh vọng, xã hội, tôn giáo, tình cảm để đến trước bàn ông ngồi và nói rằng: “Anh hãy theo tôi!”. Một niềm vui còn lớn lao hơn, sướng vui hơn những số tiền mà ông thu thuế được. Vì thế, ông đứng ngay dậy và đi theo Chúa Giêsu.

Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng: “Sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương”. Quả thế, Matthêu đang ở trong tình trạng đó, nên khi Chúa Giêsu đến gọi ông, nghĩa là Ngài đã giải thoát ông khỏi xiềng xích của nỗi đau khổ cả về mặt xã hội lẫn tâm hồn. Chúa Giêsu chính là vị thầy thuốc chữa lành tâm hồn Matthêu: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.

Trái ngược với cuộc gặp gỡ đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho Matthêu, những người Pharisêu lại khinh miệt và càm ràm: “Sao thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”. Những người Pharisêu đã tự cho mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Họ quên mất rằng, họ cũng là tội nhân, nhưng vì lòng thương yêu của Thiên Chúa nên họ mới được tái sinh trong Đức Kitô. Thế nhưng, họ đã quên mất ân huệ đó. Thay vì tạo cơ hội cho người khác đến với Chúa để được biến đổi, thì họ lại xua đuổi người ta xa Chúa.

Chúa Giêsu đã đi ngang qua đời Matthêu và biến đổi ông. Vậy tôi có nhận ra những lần Ngài ngang qua đời tôi, bởi Lời Chúa, bởi Thánh Thể, hay qua anh chị em xung quanh, với lời mời gọi tôi biến đổi cuộc đời không? Là con cái Chúa, tôi có chia sẻ phẩm tính yêu thương tốt lành của Ngài với hết mọi người, nhất là đối với những người tôi cho là “thu thuế” không? Hoặc tôi có phải là một “Pharisêu” với tính tự kiêu, tự đắc để rồi khinh thường người khác, xem người khác là hạng tội lỗi không?

Xét lại tất cả những điều đó, giúp mỗi người chúng ta tự biện phân xem chúng ta đang là một “Pharisêu” hay một “Matthêu”.

Lạy Chúa, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matthêu, cũng như những người Pharisêu, tượng trưng cho chính tình trạng tâm hồn của mỗi người chúng con. Đó là cuộc gặp gỡ giữa con người tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu. Cho dù là “Matthêu” hay “Pharisêu”, chúng con đều cần đến lòng thương xót của Chúa. Amen.

Cao Nhất Huy