Sống Theo Thần Khí Hay Xác Thịt - Suy Niệm Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên (Lc 11:42-46) - Lm Cao Nhất Huy
Suy Niệm Lời Chúa
THỨ TƯ TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Ngày 12/10/2022
Ca nhập lễ:Tv 129: 3-4
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,nào có ai đứng vững được chăng?Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ,lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en.
Bài đọc 1:Gl 5: 18-25
Những ai thuộc về Đức Ki-tô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
Thưa anh em, nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.
Đáp ca:Tv 1: 1-2.3.4 và 6 (Đ. x. Ga 8,12)
Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngàisẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.
Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngàisẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngàisẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.
Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.
Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngàisẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.
Tung hô Tin Mừng:Ga 10: 27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (11: 42-46)
42 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu: “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.43 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.44 Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay”.45 Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!”.46 Đức Giê-su nói: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”.
SUY NIỆM
SỐNG THEO THẦN KHÍ HAY XÁC THỊT
“Những ai sống theo xác thịt sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”
---/---
“Thưa anh em, nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa”. Đây là khẳng định của Thánh Phaolô dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Sau cú “té ngựa”, cuộc đời của Thánh Phaolô rẽ sang một hướng khác. Trước đây, ông là người bắt bớ Chúa và các môn đệ của Ngài. Khi đó, ông đang sống theo sự nhiệt thành của truyền thống, chính trị và lề luật nên ông ghét các tín hữu của Chúa. Nhưng sau khi bị Chúa Kitô “quật ngã” và được hướng dẫn, ông đã chọn từ bỏ con đường cũ và bước theo con đường thần khí.
Con đường của thần khí đó là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Con đường của thần khí này đối nghịch hoàn toàn với những việc của xác thịt: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén. Con đường của thần khí cũng đối nghịch với lề luật: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa”.
Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do, nghĩa là con người có quyền chọn lựa sống theo tính xác thịt hay sống theo thần khí. Trong sự chọn lựa đó, con người phải chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình. Thánh Phaolô xác quyết: “Những ai sống theo xác thịt sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5: 21).
Như vậy, nhìn lại cuộc sống đã qua, chúng ta đã và đang chọn lựa sống theo xác thịt hay thần khí?
Nếu đứng ở góc độ con người, những việc tích cực đều đáng ca ngợi, nhưng ở góc độ thần khí của Thiên Chúa, ta phải xét lại xem động lực thúc đẩy những hành động đó là gì? Nó được dẫn dắt bằng thần khí Thiên Chúa hay bởi dục vọng cá nhân?
Một bài giảng gồm những kiến thức uyên thâm, lý luận chắc chắn, bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ hùng hồn, cử điệu hùng tráng… nhưng không trở thành thông điệp của Thiên Chúa, có sức lay động và hoán cải, dẫn con người về với Chúa thì có phải bởi thần khí không? Hay là để tìm lời khen ngợi cho bản thân? Bởi vì “thần khí luôn có sức biến đổi” (x. Rm 8: 14).
Trong mọi hoạt động, bao lâu chúng ta còn muốn cho mọi người thấy ta giỏi giang, có khả năng, là trụ cột, và tôn sùng ta như một “vị thần” thì bấy lâu chúng ta đang xa rời thần khí của Thiên Chúa mà đến với tính xác thịt. Nhà bác học Pascal nói rằng: “Con người không phải thiên thần cũng không phải ác quỷ, nhưng hễ cho mình là thiên thần thì đã thành ác quỷ rồi”.
Quả thế, con người luôn bị tác động bởi những dục vọng bản thân trong một thân thể được cho là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6: 19). Đó chính là cuộc chiến đấu giữa thần khí và dục vọng của con người. Nhưng với tự do, với lương tâm, cộng với ân sủng của Thiên Chúa, con người vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chọn lựa của mình: Theo dục vọng hay theo Thần khí?
Và thực tế cho thấy, đứng trước những dục vọng như: tìm kiếm danh vọng, tiền tài, sự nổi tiếng, sự tôn sùng, sự ngưỡng mộ…. con người đã bao lần sa ngã, đã bao lần thất bại để chống lại nó. Tuy nhiên, thân xác ta vốn là “Đền thờ của Chúa Thánh Thần và Người ngự trong chúng ta” (1Cr 3: 16), Người sẽ giúp chúng ta nhận biết thánh ý của Thiên Chúa, đồng thời Người cũng sẽ ban sức mạnh để chúng ta cải biến con người của mình. Tuy nhiên, để có thể sống theo thần khí, trước tiên chúng ta cần ngồi lại lắng nghe tiếng lòng của mình (Gl 4: 6). Chúng ta cần phải học lắng nghe tiếng Chúa nói với ta từ sâu thẳm tâm hồn mình (1Tx 4: 3). Để làm được như vậy, chúng ta phải từ bỏ những khoe khoang, dục vọng, kiêu ngạo và hình thức, vì nếu không chúng ta chỉ là những “mồ mả tô vôi” như lời Chúa Giêsu đã nói.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy biến đổi và canh tân chúng con, xin hãy sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, nhờ đó chúng con biết từ bỏ những cám dỗ của xác thịt mà bước đi trong thần khí của Ngài. Amen.
- (1Cr 3: 16) "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?"
- (1Tx 4: 3) "Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm".
- (Gl 4: 6) "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên Áp-ba, Cha ơi!"