Clock-Time

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên Năm A | Mt 20:1-16a | Lm Alfonsô

Với dụ ngôn ông chủ vườn nho trả công cho người làm, thánh Matthêu thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu dùng để bày tỏ về một Thiên Chúa giàu lòng nhân ái. Với thỏa thuận một đồng là số tiền tương xứng trả cho một ngày công thời buổi bấy giờ, người chủ không hề vi phạm hoặc lỗi lời đã giao kèo, không bất công chèn ép người làm vườn nho cho ông ngay từ giờ đầu hay kẻ đến sau...

Suy Niệm Lời Chúa
Chúa Nhật Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm A
hiệp thông loan báo tin mừng

Bài đọc I: Is 55, 6-9

“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ. Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144,2-3.8-9.17-18

Đáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c.18a).

1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Bài đọc II: Pl 1,20c-24.27a

“Đối với tôi, sống là Đức Kitô”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô. Đó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! (Lc 19,38) – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 20,1-16a).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”. Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tỵ, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”. Đó là lời Chúa.

Suy niệm

Với dụ ngôn ông chủ vườn nho trả công cho người làm, thánh Matthêu thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu dùng để bày tỏ về một Thiên Chúa giàu lòng nhân ái. Với thỏa thuận một đồng là số tiền tương xứng trả cho một ngày công thời buổi bấy giờ, người chủ không hề vi phạm hoặc lỗi lời đã giao kèo, không bất công chèn ép người làm vườn nho cho ông ngay từ giờ đầu hay kẻ đến sau. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa công minh, ban cho con người những điều kiện và cơ hội như nhau phù hợp với khả năng của mỗi người. Ngài còn là Đấng quảng đại, không hề tính toán thiệt hơn với con người, Ngài luôn hào phóng miễn là con người hết mình cộng tác với những điều kiện và cơ hội Chúa ban.

Người chủ vườn nho đi ra tìm thợ từ sáng sớm, rồi lúc 9 giờ sáng, lúc chín ngọ, lúc 3 giờ chiều và cả khi mà ngày sắp tàn, ông vẫn còn ra chợ kêu thợ. Đây không phải là một ông chủ bình thường, Những người có đầu óc kinh tế và theo xã hội học sẽ phê bình dụ ngôn này, vì theo phán đoán trên bình diện con người, không ai lại đi thuê thợ làm vườn trước lúc nghỉ việc chỉ có một giờ nếu không muốn sớm phá sản. Câu chuyện hôm nay cho thấy: ông chủ không hề tính toán giờ giấc với những người đến làm sau, dù người ấy làm từ buổi trưa, chiều hay chỉ vài phút trước giờ tan tầm. Điều đó không quan trọng, họ vẫn được trả công như những người đến từ sáng sớm. Thiên Chúa vẫn mở cửa mời gọi mọi người vào làm việc cho Chúa. Đến cuối cuộc đời mình, con người vẫn được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc nước Trời.

Nếu đứng ở góc nhìn của người thợ được mướn từ sáng sớm, chúng ta dễ có thái độ lên mặt vì mình đã bỏ công sức ra làm cả ngày. Cho nên cũng dễ hiểu khi anh nọ vừa lãnh lương vừa lầm bầm ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt!” Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong khi đối xử với nhau, mà còn với cả Thiên Chúa nữa: tôi đã thực hiện điều này điều kia, cho nên mọi người trong giáo xứ phải nhìn nhận sự đóng góp, tôi phải được Thiên Chúa trả công, ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng. Tuy nhiên, sẵn dịp này, Chúa Giêsu muốn chỉnh sửa thái độ thường thấy trong chúng ta: đó là thái độ ghen tị và kể công.

Nếu chúng ta đứng ở vị trí của người khi mà gần hết giờ làm mới được thuê mướn, chúng ta sẽ nhận ra mình chẳng dám đòi hỏi, vì chủ quá ư là thương người, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp: “Tại sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Có thể cả ngày anh ta bận bịu chăm sóc cha mẹ già, đàn con thơ, hay người vợ đau bệnh mà anh ra trễ. Có khi người ta thuê mướn người khỏe mạnh, còn anh thì ốm yếu đứng ở góc này cả buổi không ai mướn nên lại đổi sang góc khác. Trời càng ngả về chiều thì anh càng lo sốt vó, chỉ mong có ai “cứu” mình khỏi một ngày ế ẩm.

Một lần nọ, có dịp đến với chợ người Mai Dịch ở miền Bắc tập trung nam có nữ có chờ được bán sức mình, kiếm tiền với đủ loại công việc khác nhau từ lau dọn cho đến sửa điện, đóng lại bàn ghế hư hay leo cao lợp mái nhà bị dột... Hằng ngày dẫu mưa hay nắng đều có chừng ít là năm mươi nhân công lao động vạ vật trên yên xe, hay ngồi khắp vỉa hè với hy vọng ai đó thuê mướn. Dù công việc khó nhọc, mệt mỏi mấy họ cũng chịu vì đó là nguồn thu nhập quan trọng đối với những lao động nhập cư, bởi phía sau họ là cả một gia đình oằn trên vai.

Thoạt nhìn chúng ta dễ nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng không đó chẳng làm gì cả từ sáng đến trưa. Nhưng lạ một nỗi là càng về chiều, những người đứng không đó càng đổ mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo vì lo ế ẩm. Hóa ra người ta thuê mướn cũng chọn mặt cho xứng với đồng tiền họ bỏ ra, nên lần lượt những người khỏe mạnh được ưu tiên chọn, còn lại người gầy còm xanh xao, nghèo khó bệnh tật lại càng khổ. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp. Có người đã nghèo lại còn gặp nhiều cái eo, vợ ốm con đau, mình bệnh tật ngặt nghèo, quả thật “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Trong đời sống đạo cũng thế, có người sống hiền lành mà gặp toàn tai ương, cuộc sống khó khăn phải trầy vi tróc vảy.

Chúng ta thì đối xử với Thiên Chúa như người làm công với ông chủ. Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha yêu thương chúng ta là con, và dùng tình thương yêu mà đối đãi tốt với con. Ðối với từng đứa con, Ngài không xét xem nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất. Suy cho cùng, nếu xét theo công bằng thực tế, chúng ta không chịu nổi nếu Chúa cứ theo công bằng mà đối xử với chúng ta, đúng như lời Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được”. Cho nên, chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa hơn là đến đức công bằng của Ngài. Thêm nữa, Chúa Giêsu mạc khải cho biết Thiên Chúa còn là Đấng nhân từ và kiên trì trong việc thương xót: năm lần trong một ngày không mệt mỏi bước ra gọi người làm. Chúng ta không quên ghi nhận điệp khúc được nhắc lại: “Hãy đi làm vườn nho ta.” Ông lo lắng đem lại việc làm, đồng lương, nhân phẩm cho những người nghèo bị rơi vào cảnh khốn cùng.

Ngày nay, con người chúng ta xem ra công bằng khi tính chỉ số GDP làm thước đo bình quân thu nhập đầu người trong một năm, nhưng đó lại không phải là một chỉ số công bằng mà là cào bằng, vì có những người rất giàu và những người khác rất nghèo, không thể nào đem ra tính trung bình thu nhập như vậy được. Và Thiên Chúa không muốn tính công bằng như thế, nhưng Ngài mời gọi ta tập sống lòng thương người: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng xót thương”, để biết mở rộng vòng tay ra với những anh chị em kém may mắn hơn mình vì chính mình được Chúa ưu ái và cho thành công.

Dựa trên tình yêu và sự quảng đại của Thiên Chúa, tiên tri Isaia trong bài đọc thứ I đã khuyên nhủ những kẻ gian ác tội lỗi đừng ngại ngùng thất vọng, mà hãy chạy đến kêu cầu và van xin lòng thương xót của Thiên Chúa, can đảm từ bỏ những lối sống bất lương, làm ăn bất chính của mình mà quay về cùng Thiên Chúa và Người sẽ rộng lòng tha thứ và đón nhận mọi người. Đừng mặc cảm rằng không biết tình trạng của tôi thế này, Chúa có bao dung tha thứ cho tôi không? Isaia khẳng định: Chúa sẽ rộng lòng tha thứ, Chúa không hề hẹp hòi như chúng ta nghĩ, vì suy nghĩ của chúng ta không phải là suy nghĩ của Thiên Chúa, đường lối của Thiên Chúa thì vượt xa và cao vời hơn đường lối của con người.

Vâng, chẳng khi nào là quá trễ, mọi người được mời gọi bước vào vườn nho Giáo hội bất cứ lúc nào dù là người đầu tiên hoặc là người rốt sau hết đều được Thiên Chúa ban tặng hạnh phúc như nhau. Trong lúc bị cầm tù, thánh Phaolô gởi thơ cho tín hữu Philipphê mà chúng ta nghe trong bài đọc II, ngài nghĩ đến hai tình huống: một là ngài sẽ được tha tự do, khi đó ngài sẽ tiếp tục rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, và sẽ được vẻ vang. Còn hai là ngài bị xử tử: cái chết của ngài vì Tin Mừng cũng sẽ làm vẻ vang Ðức Kitô. Vì thế Phaolô kết luận: “Dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô cũng sẽ được vẻ vang nơi tôi”.

Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh những người “sau cùng” được đặt ngang hàng với những người “đầu tiên”, đó là vì Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được yêu thương và mời gọi trở thành công dân của Nước Trời. Xin Chúa cho chúng con học nơi Chúa là một Thiên Chúa giàu lòng nhân từ, để khi nhận ra Chúa ban cho con nhiều hơn những mà con có được bởi những nỗ lực của riêng mình, từ đó con cũng biết sống bác ái với anh chị em. Amen.