Clock-Time

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần XXIV Mùa Thường Niên | Lc 7:11-17 | Phút Cầu Nguyện

Trước tiên, Chúa Giêsu chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà. Điểm hẹn Nain là điểm hẹn tỏ lộ lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Chúa Giêsu thương xót một hoàn cảnh bi đát, và trên hết, Chúa thương xót con người. Là môn đệ và là con Chúa, chúng ta học được từ Người về tính cảm thương đối với người khác. Là con Chúa, chúng ta biết thương xót, biết cảm thông, biết xúc động và trái tim chúng ta không trở nên chai đá trước các hoàn cảnh đòi buộc chúng ta phải lên tiếng.... 

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Ba Tuần XXIV Mùa Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng

 Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (7:11-17)

11 Hôm ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Đức Giê-su đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”. 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

SUY NIỆM

Thành Nain trở thành điểm hẹn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, cùng đông đảo dân chúng. Nơi đây Chúa Giêsu làm phép lạ và an ủi một bà goá có người con duy nhất qua đời. Chúng ta học được gì từ những hành động tuyệt vời của Chúa Giêsu?

Trước tiên, Chúa Giêsu chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà. Điểm hẹn Nain là điểm hẹn tỏ lộ lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Chúa Giêsu thương xót một hoàn cảnh bi đát, và trên hết, Chúa thương xót con người. Là môn đệ và là con Chúa, chúng ta học được từ Người về tính cảm thương đối với người khác. Là con Chúa, chúng ta biết thương xót, biết cảm thông, biết xúc động và trái tim chúng ta không trở nên chai đá trước các hoàn cảnh đòi buộc chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta giúp đỡ và thương cảm với các hoàn cảnh đau thương vì họ cần chúng ta, nhưng trên hết chúng ta làm là vì chính Chúa đã làm như vậy. Tắt một lời, Chúa mời gọi chúng ta yêu thương nhau.

Kế đến, các việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu dành cho bà goá và người con của bà đã chết: Người an ủi bà: “bà đừng khóc nữa” ; sau đó, Người lại gần và chạm vào quan tài rồi nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” . Ta có cảm tưởng, qua những hành động này của Chúa Giêsu, Người như là chính người mẹ của người chết: nỗi đau mất con, khát khao gần bên con, tiếc thương con, mong con được sống lại. Ta có thể nói, khát khao của người mẹ là của Chúa Giêsu, nhưng người mẹ thì tuyệt vọng, còn Chúa Giêsu là hy vọng. Tình yêu của Chúa vượt lên trên cả những gì người mẹ cần, và trên cả những gì con người muốn.

Cuối cùng, chúng ta hãy để ý đến chính hành động của người thanh niên khi Chúa Giêsu cho sống lại. Khi Chúa Giêsu cho người thanh niên sống lại thì “người chết liên ngồi lên và bắt đầu nói” . Khi nói được tức là người đó có khả năng diễn đạt chính mình (diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc bằng hành động), và việc nói lên được điều suy nghĩ nó diễn tả được tính cách của mình. Đức cố Hồng y, Tổng giám mục Milan, Carlo Maria Martini đã nói về đoạn này như sau: “Chúa Giêsu phục hồi khả năng của anh ta để anh ta tự nói,… quan trọng nhất là việc thủ đắc khả năng diễn đạt chính mình, và các thực tại trong đời sống, đưa chúng vào trong một ngôn ngữ giàu tưởng tượng và hiệu quả” . Ở đây, chúng ta có thể hiểu thêm rằng, chúng ta không biết người thanh niên nói gì, nhưng hẳn là, nếu anh ta diễn đạt được nhân cách của mình thì chắc chắn anh ta sẽ biết cảm ơn Chúa Giêsu và bước theo Người là Đấng đã cứu chữa anh.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con, trong mỗi ngày sống, khi nói năng hay hành động, dù rao giảng Lời Chúa hay trong tương quan giao tiếp với Chúa, với tha nhân và với chính mình, con luôn biết dùng một ngôn ngữ mặn mà dễ thương, tin tưởng và khoan dung, diễn tả được trọn vẹn con người mình là con của Chúa. Amen.