Clock-Time

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần Thánh | Ga 19:38-42 | Phút Cầu Nguyện

Trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội dừng chân trước mộ Chúa Giêsu để mời gọi các tín hữu suy niệm về cuộc khổ nạn đau thương của Người. Chính vì vậy, ngày thứ Bảy Tuần Thánh còn được gọi là ngày thầm lặng.

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần Thánh | Ga 19:38-42 | Phút Cầu Nguyện | hiệp thông Loan bao Tin mừng

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (19,38-42)

38Sau đó khi Đức Giê-su chết, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. 39Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân một dược trộn với trầm hương. 40Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái. 41Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. 42Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.

SUY NIỆM

Trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội dừng chân trước mộ Chúa Giêsu để mời gọi các tín hữu suy niệm về cuộc khổ nạn đau thương của Người. Chính vì vậy, ngày thứ Bảy Tuần Thánh còn được gọi là ngày thầm lặng.

Nếu chúng ta từng kinh nghiệm về một đám tang, thì ngày buồn nhất có lẽ chưa phải là ngày một người qua đời mà là ngày người quá cố được đưa đi an táng. Mới ngày hôm qua thôi, người ấy còn hiện diện bên cạnh những người thân, dẫu trong hình hài bất động hay trong chiếc áo quan, mà hôm nay sự trống vắng lên đến tột cùng khi người quá cố được đem chôn cất, họ hàng thì ai cũng về nhà nấy. Tương tự như thế, vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, các môn đệ Chúa Giêsu còn nhìn thấy được thân thể đầy vết thương tích của Thầy chí thánh vì bị tra tấn, sỉ nhục và chịu kết án cách bất công trên thập giá như một kẻ tử tội. Thì hôm nay đây, thi thể ấy đã được mai táng ở nơi mà có tảng đá lớn lấp mồ lại, nơi ngăn cách giữa người sống và người chết. Tâm hồn các môn đệ trĩu nặng và xấu hổ, niềm tin dường như trơ ra thành một thứ cuồng tín, tinh thần trống rỗng và tuyệt vọng, tất cả dường như đã chấm hết, người thì trốn biệt tăm, người thì lê bước về Emmaus. Theo cái nhìn của con mắt loài người thì đây chẳng phải là ngày buồn nhất sao?

Càng ngày người ta càng có suy nghĩ rằng ngày nay Thiên Chúa đã chết. Triết gia Nietzsche diễn đạt bằng một tiếng kêu đầy kinh hãi: “Thượng Đế đã chết! Thượng Đế còn tiếp tục chết! Chính chúng ta đã giết Ngài!”. Và rồi người ta chuẩn bị cho việc thế chỗ cho Thiên Chúa, một cám dỗ như xưa con rắn cám dỗ ông bà nguyên tổ. Mầu nhiệm của ngày thứ Bảy Tuần Thánh, ngày Thiên Chúa ẩn mình, mà chúng ta đọc trong kinh Tin Kính có lời: “xuống ngục tổ tông”, đi sâu vào lòng mầu nhiệm sự chết. Nhưng lạ thay, đây lại chính là dấu chỉ sáng chói nhất của một niềm hy vọng vô tận. Còn hơn thế nữa, nhờ cái thất bại của ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sự trầm lắng trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh mà trí lòng các môn đệ Chúa Giêsu mới mở ra để thấu hiểu được chân tính của Chúa Giêsu và chân lý của sứ điệp Người thường xuyên nhắc đến việc “ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Nhà thần học lỗi lạc Joseph Ratzinger đã viết ba bài suy niệm về ngày thứ Bảy Tuần Thánh, suy tư về sự vắng mặt của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Trong một buổi hỏi đáp với giới trẻ khi đã làm Giáo hoàng, Đức Biển Đức thứ XVI lặp lại một trong những tư tưởng chính ngài đề cập đến trong ba bài suy niệm ấy: “Thách đố lớn của thời đại chúng ta là trào lưu tục hóa. Xã hội đang tạo ra cái ảo tưởng là Thiên Chúa không hiện hữu, hoặc giả nếu có, thì Ngài cũng chỉ lẩn quẩn trong cái vòng giới hạn riêng tư của mỗi người. Là Kitô hữu, chúng ta không thể nào chấp nhận thái độ này. Hơn bao giờ hết, Thiên Chúa cần phải hiện diện một cách mới mẻ trong cuộc đời chúng ta” (CWNews.com, ngày 07 tháng 4 năm 2006).

Nhớ lại trong cuộc đời chúng ta, cũng có những lúc gặp những chuyện rối bời bời, đối diện với tình cảnh éo le đến nỗi như rơi vào xuống tận hố sâu. Có phải là lúc ấy chúng ta lại quên mất mối dây liên kết giữa thánh giá và niềm hy vọng, giữa quá khứ và tương lai trong Kitô giáo, giữa sự trầm lắng của việc xuống ngục tổ tông để mở giải thoát các linh hồn, để đêm Phục sinh được cất lên lời alleluia khải hoàn.

Xin Chúa giúp chúng con luôn được vững tin với một niềm hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh - Đấng xua tan sự dữ và chiến thắng sự chết. Amen.

<