Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên | Mc 11:27-33 | Phút Cầu Nguyện
Trong tập thơ Truyện ngụ ngôn của La Fontaine có kể câu chuyện “đối thoại” giữa con chó sói và con cừu non. Câu thơ mở đầu cũng là lời đúc kết thật chua chát: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”. Câu chuyện nói về lời qua tiếng lại giữa sói và cừu non, nhưng dù nói gì đi nữa, kết cuộc con sói cũng “có lý” để ăn thịt con cừu non...
Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (11,27-33)
27Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong đền thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: 28“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?”. 29Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!”. 31Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’. 32Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?”. Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết”. Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”.
SUY NIỆM
Trong tập thơ Truyện ngụ ngôn của La Fontaine có kể câu chuyện “đối thoại” giữa con chó sói và con cừu non. Câu thơ mở đầu cũng là lời đúc kết thật chua chát: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”. Câu chuyện nói về lời qua tiếng lại giữa sói và cừu non, nhưng dù nói gì đi nữa, kết cuộc con sói cũng “có lý” để ăn thịt con cừu non.
Và trong trình thuật Tin mừng hôm nay, nhóm thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã mở đầu cuộc “đối thoại” bằng lời chất vấn: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?”. Họ chất vấn về việc Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Dường như Chúa Giêsu “thiếu thiện chí đối thoại” khi Người không chịu trả lời họ nếu họ không trả lời vấn nạn của Người trước đã: “Phép rửa của Gioan do Thiên Chúa hay do người ta?”. Trả lời cho câu hỏi này là điều kiện dẫn đến câu trả lời kia. Những người Do Thái biết điều đó nên họ mới thực sự là thiếu thiện chí khi họ lập kế hoãn binh, lảng tránh câu trả lời của chân lý bằng cách trả lời “không biết”. Sự thiếu thiện chí ấy, một ngày kia sẽ lộ diện thành một thứ “lý kẻ mạnh”: thượng tế Caipha sẽ xé áo mình, nhân danh Thiên Chúa để kết án tử hình Đức Giêsu.
Khi suy tư về điều này, chúng ta cũng nhận ra bài học cho đời sống đức tin của mình: Để đối thoại chẳng những phải tôn trọng người đối thoại mà còn phải tôn trọng chân lý. Có phải trong gia đình mình, trong cộng đoàn của mình có những sự căng thẳng, xào xáo, đổ vỡ là vì các thành viên cũng đang thiếu tôn trọng lẫn nhau, thiếu tôn trọng chân lý, và đang dùng “lý của kẻ mạnh”?
Bởi đó, mỗi chúng ta hãy đấm ngực mà xét lại bản thân mình, để biết loại bỏ những lời nói, cử chỉ nóng giận, khiếm nhã và thể hiện tinh thần tôn trọng, lắng nghe đối với mọi người nhất là những người nhỏ bé, yếu đuối.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho mỗi chúng con biết sống khiêm tốn, hiền lành và vui tươi; xin ban cho chúng con một tấm lòng quảng đại, để chúng con biết chịu đựng và đón nhận mọi người, cho dù họ là ai và như thế nào. Amen.