Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần XVI Mùa Thường Niên - THÁNH NỮ MARTHA, MARIA, LAZARÔ - Lễ nhớ | Mt 13:24-30 | Phút Cầu Nguyện
Trong cuộc sống hằng ngày, thói đổ thừa trách nhiệm, thói lười biếng mê chơi… có khắp nơi. Từ trẻ con cho tới người lớn. Chúng ta tự hỏi thói xấu ấy tự đâu ra? Giải thích thói xấu này, có nhiều lập trường giáo dục giải thích khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, không phải đến lớn, khi biết bắt chước, lập lại thói quen xấu thành bản tính, con người nói chung mới có thói xấu. Mà một đứa trẻ mới sinh ra, đã có thói xấu rồi. Đó có phải là bản chất tội lỗi nơi con người?...
Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Bảy Tuần XVI Mùa Thường Niên
THÁNH NỮ MARTHA, MARIA, LAZARÔ - Lễ nhớ
hiệp thông loan báo tin mừng
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (13,24-30)
24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’. Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’. 29 Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’”.
SUY NIỆM
Mấy đứa trẻ đang chơi giỡn, một đứa hiếu động lấy đồ của người khác nghịch phá. Khi bị phát hiện, chủ nhà quay qua bảo: sao con lấy cái đó ra làm gì vậy? Đứa bé đã chủ động lấy đồ ra nghịch lập tức đổ thừa cho đứa bé bên cạnh, đứa bé bên cạnh lại hoảng sợ, tiếp tục đổ thừa cho đứa bé khác yếu thế hơn. Đứa cuối cùng cũng không nhận vì nó bị đổ oan, nó lại đổ lại cho đứa đầu tiên. Trông mấy đứa bé thật trẻ con, thế mà chúng đã có tật xấu, không dám nhận lỗi về mình.
Trong một lớp học, khi khảo kinh và giáo lý, đứa không thuộc bài luôn có lý do vì sao em học không thuộc. Bận học bài thi, bận việc nhà, bận đi chỗ nọ chỗ kia… Chúng không biết rằng, trước khi kêu trả bài, thầy cô giáo đã biết trước lý do vì sao nó không làm bài, học bài: nó ham chơi và không chịu học, nó nghĩ mới kiểm rồi chắc thầy cô sẽ không kiểm nữa…
Trong cuộc sống hằng ngày, thói đổ thừa trách nhiệm, thói lười biếng mê chơi… có khắp nơi. Từ trẻ con cho tới người lớn. Chúng ta tự hỏi thói xấu ấy tự đâu ra? Giải thích thói xấu này, có nhiều lập trường giáo dục giải thích khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, không phải đến lớn, khi biết bắt chước, lập lại thói quen xấu thành bản tính, con người nói chung mới có thói xấu. Mà một đứa trẻ mới sinh ra, đã có thói xấu rồi. Đó có phải là bản chất tội lỗi nơi con người?
Dụ ngôn hạt giống tốt gieo trong ruộng và cỏ lùng hôm nay có thể gỡ cái nút thắt về những thói xấu này cho chúng ta. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, nó không chỉ là quanh quẩn bản tính con người. Quy mô vũ trụ của dụ ngôn này còn nói về kết cuộc của nhân loại, có tính cánh chung. Nhiều khi chúng ta cứ mãi tìm đáp án cho cái xấu cái tốt, điều thiện điều ác, cái lành cái dữ trong cuộc sống này. Tuy nhiên, từ muôn đời nó vẫn thế, cứ tồn tại bên nhau. Bởi mùa gặt chưa đến, ngày chung cuộc chưa tới. Ngày đó đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại, bó thành bó mà đốt đi. Còn lúa sẽ tách riêng ra.
Chúng ta biết mình phải sống thế nào và đứng về bên nào rồi đó.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cứ loay hoay tìm cách giải thích thói xấu, tội lỗi, hoặc giải bày lý do chúng con lỗi phạm, nhưng lại không chịu sửa đổi. Quan trọng là sửa đổi, hoán cải chính mình. Xin giúp chúng con biết chừa thói hư tật xấu và tập luyện các nhân đức thánh thiện. Amen.