Clock-Time

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên - THÁNH ANDRÊ KIM TÊGÔN, PHAOLÔ CHONG HASANG VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO - Lễ nhớ | Lc 7:31-35 | Phút Cầu Nguyện

Người thiếu nhất quán thì thường tìm khe hở để đi. Khe hở ở đây chính là điều có lợi cho mình. Điều có lợi thì ta làm và đón nhận, còn điều bất lợi, không hợp với mình thì mình chống đối, bất tuân. Việc thiếu nhất quán này đến từ việc không xác định rõ chọn lựa một lối sống, một đường đi hay mục tiêu cuối cùng. Điều này có thể nói, những người Pharisêu và luật sĩ thiếu nhất quán giữa bên trong và bên ngoài, giữa Thiên Chúa và đòi hỏi quyền lợi cá nhân...

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên -
THÁNH ANDRÊ KIM TÊGÔN, PHAOLÔ CHONG HASANG
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO - Lễ nhớ

hiệp thông loan báo tin mừng

 Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (7:31-35)

31 Khi ấy, Đức Giê-su phán rằng: “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? 32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than’. 33 Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. 35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho”.

SUY NIỆM

Chúng ta nghe đoạn Tin mừng này có vẻ hơi khó hiểu, nói cho rõ thì, chúng ta thường bỏ qua khi gặp một chướng ngại nào đó, chướng ngại ấy chính là “sự thiếu nhất quán”. Tại sao vậy?

Có những người có tài ăn nói đến nỗi “kiểu gì cũng nói được”. Và Chúa Giêsu cũng nói với những người Pharisêu và luật sĩ, được đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu giải thích cách những người này phản ứng lại các thông điệp của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu như cái cớ để che lấp sự thiếu nhất quán của họ: Gioan Tiền Hô rao giảng và kêu gọi người ta thống hối, nhưng vì không muốn nên họ đã chống đối ông. Họ cũng làm cách tương tự như vậy đối với Chúa Giêsu khi Chúa tiếp đón người tội lỗi. (x. Lc 7,30-34). Sự thiếu nhất quán ấy muốn nói lên điều gì?

Người thiếu nhất quán thì thường tìm khe hở để đi. Khe hở ở đây chính là điều có lợi cho mình. Điều có lợi thì ta làm và đón nhận, còn điều bất lợi, không hợp với mình thì mình chống đối, bất tuân. Việc thiếu nhất quán này đến từ việc không xác định rõ chọn lựa một lối sống, một đường đi hay mục tiêu cuối cùng. Điều này có thể nói, những người Pharisêu và luật sĩ thiếu nhất quán giữa bên trong và bên ngoài, giữa Thiên Chúa và đòi hỏi quyền lợi cá nhân. Chính sự thiếu nhất quán ấy mà họ đã không chấp nhận để cho mình được biến đổi, và vì thế, họ không đón nhận phép rửa dục lòng thống hối của Gioan và cũng không đón nhận chính Chúa Giêsu là Đấng giải thoát họ.

Là con cái Chúa, chúng ta được mời gọi sống đời sống nhất quán trong cuộc đời mình. Từ trong ra ngoài, đều phản ánh cung cách Chúa Giêsu và tâm tình như Người. Khi có một sự thống nhất trong lối sống của người môn đệ Chúa, lúc đó chúng ta “biện minh” cho chính Đức Khôn Ngoan, là chính Chúa rồi.

Lạy Chúa Giêsu, đã nhiều và rất nhiều lần trong đời, con đã thiếu đi sự nhất quán, sống không xứng đáng là con của Chúa. Xin Chúa giúp con, từng bước một, thống nhất được con người của con, là môn đệ của Chúa và là con Chúa. Amen.