Suy Niệm Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh
Tin mừng Ga 10: 22-30 Tiếng chủ chiên sẽ đem lại cho chiên sự bình an, vì chiên nhận ra đó chính là người che chở...
SUY NIỆM HẰNG NGÀY
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH

SUY NIỆM THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH

Lời Chúa: Bài đọc I: Cv 11, 19-26
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 10, 22-30)
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 10, 22-30)
22Khi ấy, ở Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn. 24Người Do Thái vây quanh Đức Giêsu và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." 25Đức Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một."
Suy niệm:
Chiên quen tiếng chủ và chủ nhận ra chiên, đó là mối tương quan thân thiết giữa người chủ chiên với đoàn chiên của mình. Việc chiên quen tiếng chủ không nhằm nói việc nhận ra về thể lý, hay nghe bên ngoài qua thính giác từ một tiếng kêu hay tiếng động. Đúng hơn, quen tiếng chủ là việc chiên nhận ra và quen biết chủ từ lòng mến. Khi đã có một mối tương quan gắn bó và tin tưởng như thế, tiếng chủ chiên sẽ đem lại cho chiên sự bình an, vì chiên nhận ra đó chính là người che chở và dẫn dắt đoàn chiên tới đồng cỏ non và suối mát trong.
Vì thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Lời bảo đảm của một người chủ nhân lành ấy còn là lời hứa hẹn sẽ đem lại cho chiên sự sống an lành và dài lâu, cũng như không ai cướp được chiên khỏi tay chủ vì chủ sẽ bảo vệ chiên tới hơi thở cuối cùng. Như vậy, chiên sẽ nhận ra chủ khi trong lòng chiên nhớ đâu là chủ của mình. Và khi lòng chúng ta có Chúa Kitô, chúng ta được gọi là người Kitô hữu, hay còn gọi là người bạn, người thân tín của Chúa Kitô, là người nối gót theo Người. Như Bài đọc I đã cho biết, tại Antiôkia lần đầu tiên các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô được gọi là “Kitô hữu”.
Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân “Apostolicam Actuositatem” của Công đồng Vaticanô II (AA, số 2) đã cho biết: “Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ.” Nghĩa là “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp toàn cầu nhận biết và đón nhận Tin Mừng cứu chuộc của Chúa.” Và sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo đã khẳng định rằng làm tông đồ là ơn gọi và là bổn phận của mọi Kitô hữu chứ không phải là ơn gọi của riêng ai (x. GLCG, 863, 900). Và để thực hiện ơn gọi hay lý tưởng tông đồ ấy, mỗi Kitô hữu có thể chọn một trong ba bậc sống trong Giáo Hội:
– Là một Kitô hữu giữa đời, chính là giáo dân. Đây là con đường của hầu hết các Kitô hữu trong Giáo hội.
– Sống đời sống tu sĩ, nghĩa là người sống có lời khấn: đây là con đường của những người muốn dâng hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phụng sự Ngài và phục vụ Giáo hội với một linh đạo cụ thể.
– Trở nên giáo sĩ, là con đường của một số người nam khi chấp nhận được đào tạo nơi môi trường Chủng viện, noi gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành để có thể được Chúa sai đi chăm sóc đoàn chiên Chúa cách chính thức.
Ba bậc sống trên là những phương tiện để chúng ta có thể sống ơn gọi làm tông đồ của người Kitô hữu. Vâng, ơn gọi làm tông đồ là ơn gọi của Kitô hữu khi chúng ta vâng lệnh Chúa, để tiếp nối việc loan báo Tin Mừng và công trình cứu rỗi của của Chúa Giêsu nơi trần gian này đến ngày tận thế. Đó chính là hình ảnh cha Gioan Maria Vianey nói với em bé đã trở thành câu bất hủ: “Con chỉ cho cha đường về họ Ars, cha chỉ cho con đường về thiên đàng”, hoặc tu sĩ Têrêsa Hài Ðồng rằng “Con sẽ sống trên Thiên đàng bằng cách làm điều tốt ở trần gian. Sau khi con chết con sẽ làm mưa hoa hồng xuống trên trái đất này”.
Đó là lý tưởng mà người Kitô hữu theo đuổi suốt cả cuộc đời để sống thánh và giúp người khác nên thánh mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con có được mối liên kết thân tình với Chúa qua lời cầu nguyện, sẻ chia với Chúa những buồn vui và hướng lòng lên Chúa trong ngày sống. Nhờ đó, chúng con ngày càng nhận ra tiếng Chúa muốn gởi trao nơi mỗi người chúng con một sứ mạng. Amen.
Alfonso Hiển