Clock-Time

Suy Niệm Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên (Mt 14:22-36) - GKGĐ GP Phú Cường

Thế giới hôm nay đang bị bao trùm bởi chiến tranh và bạo lực. Sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, thế giới càng thêm bất an và sợ hãi nhiều hơn. Nhưng chính trong bối cảnh bạo lực hôm nay, một lần nữa lời mời gọi: “Thầy đây, đừng sợ” lại trở nên an ủi mỗi chúng ta biết bao.

Suy Niệm Lời Chúa
THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN
Ngày 02/08/2022

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (14,22-36)

22 Khi ấy, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. 29 Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến!”. Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!”. 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”. 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”. 34 Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét. 35 Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. 36 Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.

SUY NIỆM

Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27) đó là lời mời gọi tình yêu, lời mời gọi bước vào ân sủng của Thiên Chúa.

Thế giới hôm nay đang bị bao trùm bởi chiến tranh và bạo lực. Sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, thế giới càng thêm bất an và sợ hãi nhiều hơn. Nhưng chính trong bối cảnh bạo lực hôm nay, một lần nữa lời mời gọi: “Thầy đây, đừng sợ” lại trở nên an ủi mỗi chúng ta biết bao.

Để rồi khi bước theo lời mời gọi của Chúa: tin tưởng, phó thác, đặt trọn niềm tin vào Chúa, cũng là khi mỗi người đang bước vào lời mời gọi trong tình yêu. Và có lẽ, hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mỗi người là yêu, và được yêu. Nếu không có tình yêu, bất cứ điều gì chúng ta có, chúng ta sở hữu cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, tình yêu không biết đến sợ hãi. Tình yêu loại trừ sợ hãi. Ai sợ hãi thì không đạt đến tình yêu hoàn hảo (x. 1Ga 4,18). Nhưng ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy (x. 1Ga 4, 16). Và ai không yêu thương thì không biết đến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (x. Ga 4, 8). “Tình yêu loại trừ sợ hãi”. Khi yêu người ta sẽ vượt thắng được sự sợ hãi và sống sung mãn ơn Chúa hơn.

Nếu thường xuyên theo dõi truyền thông và những hoạt động của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta sẽ nhận ra ngài có sức hấp dẫn đặt biệt. Thay vì ngồi trên ngai, ngài đã dành thời giờ đi tìm gặp những người sống gần bên cống rãnh. Khi ngài nghiêm túc nhận trách nhiệm của mình như một người con của Thiên Chúa, môn đệ Chúa Kitô và người lãnh đạo Giáo hội Công giáo, vì vậy ngài tìm thấy niềm vui khi được làm người và chia sẻ những khoảnh khắc cụ thể của đời sống với những người khác. Trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng, ngài viết: “Mối nguy hại lớn nhất của thế giới ngày nay, bị chủ nghĩa hưởng thụ thống lĩnh, chính là tình trạng cô độc và đau khổ, xuất phát từ một trái tim tự mãn nhưng tham lam, từ việc theo đuổi đến điên dại và từ một lương tâm chai đá” (số 2).

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đón nhận những niềm vui và những nỗi ngạc nhiên từ cuộc sống, giống hệt như cậu bé đã gặp ngài trên khán đài, ôm lấy chân ngài, rồi ngồi lên trên ghế của ngài. Đức Giáo hoàng Phanxicô nỗ lực hoạt động vì một “tình yêu hoàn hảo”, thứ tình yêu “loại trừ sợ hãi” (x. 1Ga 4,18), và “thà rằng tin vào Thiên Chúa còn hơn là sống với chứng từ dễ tan vỡ như bong bóng”.

Như thế, khi suy tư về trình thuật Tin mừng hôm nay, mỗi chúng ta cũng được đánh động để tự hỏi mình rằng: Tôi có phải là người thờ ơ hay không? Và tôi được mời gọi đi đến đâu để tìm kiếm và làm lan toả niềm vui Tin mừng?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa nhưng xin gia tăng niềm tin nơi chúng con, xin giúp chúng con vượt thắng sự sợ hãi và biết sống làm chứng cho tình yêu mà chính mình đã nhận được. Amen.