Suy Niệm Thứ Bảy Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa - GKGD Giáo Phận Phú Cường
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (2,16-21)
16 Khi ấy, các người chăn chiên liền hối hả đi đến Belem. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.21 Khi Hài nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
SUY NIỆM
Mẹ Thiên Chúa, đó là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria. Chính phẩm chức cao cả này là nền tảng các đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau: “Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh nữ vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài cách trọn vẹn hơn” (GH.59). “Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ... Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời... Vì thế trong Giáo hội, Đức Trinh nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, đấng phù hộ và đấng trung gian” (GH.62)
Như vậy, long trọng mừng Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa Cứu Chuộc.
Niềm tin vào chức phẩm cao quý là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ đầu Giáo hội. Chính thánh Phaolô đã viết: “Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4,4). Tiếp tục niềm tin đã có từ đầu, các tín hữu còn xác tín hơn nữa do biến cố dẫn tới những xác quyết chắc chắn của Công đồng chung Ephêsô (năm 413).
Vào dịp kỷ niệm 1.500 năm Công đồng Êphêsô, năm 1931, Đức Giáo hoàng Piô XI đã lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10. Chính Đức Giáo hoàng Piô XI đã viết: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một nguồn nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa” (Lux Veritatis 1931).
Đức Giáo hoàng Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu năm dương lịch. Việc dời ngày kính này vào ngày Thế giới Hòa bình nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa hôm nay. Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết: “Khi canh tân mùa Giáng sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01-01, đúng phụng vụ Rôma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt cho ‘Mẹ rất thánh, Đấng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng tôi’. Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (Lc 2,14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương hòa bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế giới Hòa bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người” (ĐGH Phaolô VI. Marialis Cultus, số 5b).
Lạy Chúa, qua sự chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria - Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương hòa bình, xin ban cho chúng con ơn cao cả đó là hòa bình và biết sống hiệp nhất, yêu thương để cùng nhau dấn thân xây dựng Nước Chúa mỗi ngày bền vững và thánh thiện hơn. Amen.