Clock-Time

Suy Niệm Thứ Bảy Sau Lễ Tro B - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin mừng Lc 5: 27-32: Mùa Chay là mùa của sám hối, mà sám hối không chỉ có nghĩa là trở về với Chúa, nhưng còn là giao hòa với tha nhân nữa. 

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ BẢY SAU LỄ TRO

NGÀY 20-02-2021


 

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 5: 27-32)

27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! "28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? "31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."
 
SUY NIỆM

 

Mùa Chay là mùa của sám hối, mà sám hối không chỉ có nghĩa là trở về với Chúa, nhưng còn là giao hòa với tha nhân nữa. Trở về với Chúa, giao hòa với tha nhân, thật ra cũng chỉ là một: chúng ta không thể trở về với Chúa mà thiếu sự giao hòa với tha nhân, và khi chúng ta thực sự giao hòa với tha nhân thì chúng ta cũng đương nhiên trở về với Chúa. Đó là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên.

Những người biệt phái và kinh sư tỏ ra bất mãn khi nhìn thấy Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người tội lỗi. Chúa Giêsu đã tuyên bố Người đến vì những người tội lỗi, chứ không phải vì những người công chính. Công chính ở đây chỉ thái độ của những người tự nhận mình thánh thiện, vì đã làm được một số việc thiện hay đã thực thi một số nghĩa vụ tôn giáo, nhưng cũng từ đó lại tỏ rõ thái độ khinh thị đối với những người tội lỗi.

Chúa Giêsu đã dứt khoát lên án cung cách sống đạo như thế. Thay cho một thứ tôn giáo chỉ xây dựng trên thứ công bình có qua có lại, có vay có trả; Người đề ra một tôn giáo chỉ xây dựng trên lòng nhân từ và ơn nhưng không của Thiên Chúa. Thay cho một thứ tôn giáo đề cao nhân đức của con người, Chúa Giêsu đề ra một tôn giáo mời gọi con người ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, và chỉ biết cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa của những bữa ăn của Chúa Giêsu bên cạnh những người thu thuế, tội lỗi; và đó cũng là ý nghĩa của bữa tiệc linh đình, qua đó người cha mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về.

Chỉ khi nào con người quay trở về với Chúa với tất cả ý thức về thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, chỉ khi nào con người nhận ra ơn nhưng không của Chúa dành cho mình, thì lúc đó con người mới có thể đi vào liên hệ với tha nhân: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì cũng hãy trao ban nhưng không”. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được tính cách nhưng không của cuộc sống, chúng ta mới thấy được sự cần thiết phải xây dựng liên hệ với tha nhân trên sự nhưng không.

“Có qua có lại mới toại lòng nhau”, đó là đòi hỏi thiết yếu của cuộc sống. Nhưng lý tưởng mà Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ của Người không chỉ dừng lại ở mức tối thiểu. Cho đi mà không mong được cho lại, trao ban mà không tính toán, thi ân mà không chờ đợi được đền đáp, đó là cách cư xử của những môn đệ Chúa Giêsu, Đấng đã trao ban đến giọt máu cuối cùng.

Khởi đầu Mùa Chay, trở về với Chúa trong kinh nguyện, sám hối, chúng ta cũng được mời gọi điều chỉnh lại liên hệ của chúng ta với tha nhân. Càng sống quảng đại, càng trao ban nhưng không thì chúng ta càng cảm nhận được ơn nhưng không của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống như Chúa muốn trong Mùa Chay Thánh là sống trong mối tương quan thân tình với Chúa và anh chị em, để chúng con luôn thuộc về Chúa và thuộc về nhau trong hạnh phúc nhà Chúa. Amen.
 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường