Suy Niệm Thứ Sáu tuần XXVI Thường Niên C
Tin mừng Lc 10: 13-16: Đoạn Tin Mừng mà chúng ta lắng nghe hôm nay diễn ra trong bối cảnh sau khi Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng...
Tin mừng Lc 10: 13-16
Đoạn Tin Mừng mà chúng ta lắng nghe hôm nay diễn ra trong bối cảnh sau khi Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, họ trở về thuật lại cho Người nghe về những nơi không đón nhận họ cũng như Tin Mừng. Đó lại là những thị thành có đời sống sung túc và xem ra văn minh hơn, những nơi đã được Chúa Giêsu ưu ái tới lui rao giảng (Mc 1:21), làm phép lạ ở ven biển hồ Galilê như Chozarin, Bethsaida và đặc biệt là Capernaum là vùng mà Người làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana (Ga 2:12); nơi dân chúng chứng kiến bị quỷ ám được Chúa chữa khỏi (Lc 9:33), hoặc đầy tớ của viên đại đội trưởng được chữa lành (Mt 8:5)…
Chúa Giêsu đã so sánh những nơi này như các thành phố thời Cựu Ước. Chỉ khác một điều là các thành thời Cựu Ước như Tyre và Sidon sau khi nghe lời tiên tri loan báo về sự trừng phạt của Thiên Chúa nếu họ không mau chóng hoán cải thì dân trong thành từ quan chức đến người bình dân đều từ bỏ nhung lụa để mặc áo nhậm, ngồi trên đống tro tỏ lòng sám hối, hầu được Thiên Chúa xót thương. Còn các thành trong Tân Ước do chính Chúa Giêsu đích thân rao giảng, họ được chứng kiến những phép lạ Người làm, thế mà vẫn sống chai lỳ trong tội thì sẽ bị luận phạt nghiêm minh hơn, vì qui luật của tình thương là: “Ai được thương nhiều thì sẽ bị đòn nhiều hơn”. Họ được loan báo Tin Mừng mà lại quay lưng không đón nhận Tin Mừng thì đó lại là một “tin đáng buồn”. Do vậy, Chúa Giêsu thốt lên: “Khốn cho ngươi”. Người đau xót vì sự thờ ơ của con người trước lời kêu gọi hoán cải. Biết mà vẫn phạm thì chẳng phải là khốn sao!
Nếp sống thành thị ấy dường như cũng đang ảnh hưởng trên cuộc sống của mỗi chúng ta ngày nay dù muốn hay không. Mặt trái của việc phát triển cách nhanh chóng, đời sống vật chất ngày càng tiện nghi đó là cám dỗ của vật chất, một đời sống chạy theo tiền tài, danh vọng, thú vui cách bất chấp. Con người từ chỗ tự kiêu, cho rằng “bàn tay ta làm nên tất cả”, để rồi trở nên nô lệ cho các thiết bị công nghệ đến độ có người nói “không có nó không sống nổi”. Và rồi gạt Thiên Chúa ra bên lề, xem việc đặt niềm tin vào Thiên Chúa là “chuyện của ngày hôm qua”. Một đời sống quá ồn ào và bận bịu như thế sẽ không còn khoảng lặng cho con người ta nhìn lại mình, để cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa ban.
Chúa Giêsu hẳn không muốn mất bất kỳ ai trong tất cả những người mà Chúa Cha đã ban. Vì thế, Người rất buồn, đã thốt lên từ “khốn” khi thấy con người trở nên nguội lạnh trước lời Chúa mời gọi hoán cải để canh tân cuộc sống. Dẫu vậy, Chúa không bỏ cuộc, Người vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta về sự khốn của chúng ta bằng các biến cố, qua những góp ý của người thân, bè bạn, hay trước cảnh ngộ của một người mà chúng ta bất chợt gặp trên đường. Quan trọng là mỗi chúng ta có can đảm đọc những dấu chỉ ấy không.
Lạy Chúa Giêsu, xin thứ tha cho những vấp váp cùng những lỗi phạm của con. Xin Người hãy giúp con tỉnh ngộ, biết quay lưng với tội và canh tân con người cũ của con. Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu lại và đừng bao giờ bỏ cuộc dù khi mỏi mệt, dù khi thất vọng, dù khi yếu đau. Xin cho con can đảm làm mới lại cuộc sống mình qua Bí tích Hòa giải với Chúa, qua lời xin lỗi khi có lỗi phạm với anh chị em, và đừng nản chí khi phải đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Amen.
Thầy Anphongso Quang Hiển