Suy Niệm Thứ Tư Tuần II Thường Niên (Mc 3:1-6) - GKGĐ GP Phú Cường
Suy Niệm Lời Chúa
THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Ngày 18/01/2023
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (3,1-6)
1 Hôm ấy, Đức Giê-su vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” 4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
SUY NIỆM
Bài Tin mừng này cùng với 3 bài trước, lại tiếp tục cho chúng ta thấy được những sự đối chọi giữa Chúa Giêsu và người biệt phái về ngày Sabat. Qua việc chữa lành người bại tay ngày Sabat, Chúa Giêsu cho thấy đó không chỉ là ngày để thờ phượng Thiên Chúa, mà còn là để thi hành tình bác ái với anh em nữa.
Quan điểm của Chúa Giêsu và nhóm biệt phái về việc giữ đạo nói chung, giữ ngày Sabat nói riêng, quá đối nghịch nhau, khiến mâu thuẫn giữa họ và Người ngày càng lớn thêm. Từ đó, thay vì ngẫu nhiên gặp thấy rồi chê trách Chúa, họ lại còn tìm cách để rình và gài bẫy Người.
Với người biệt phái, họ thường rình xem Chúa Giêsu có “hành nghề” chữa bệnh trong ngày Sabat không để tố cáo Người lỗi luật (luật cấm hành nghề ngày Sabat); còn Chúa, Người muốn họ nghĩ đến lòng bác ái khi làm việc ngày Sabat: “Luật được đặt ra vì lợi ích con người”. Người buồn vì họ cứng lòng: thấy Người làm đúng, làm tốt thì họ làm thinh, không bắt bẻ được Người; thế mà vẫn không thay đổi suy nghĩ, lại còn tìm cách làm hại Chúa, giết Chúa.
Chúa Giêsu coi việc cứu giúp người hoạn nạn chính là “làm lành”, là “cứu sống” nên dù gặp chống đối, Chúa vẫn chữa người bại tay; ngược lại, thờ ơ trước nỗi khốn khổ của anh em khi có thể giúp họ chính là đang “làm dữ”, đang “giết chết”.
Đó đây giữa các cộng đoàn hay gia đình, thường có những người chống đối. Có người bản tính luôn chống đối mọi sự, chỉ “bàn ra” chứ không tìm cách xây dựng cho cộng đoàn hay gia đình. Có người chống đối vì đố kỵ ghen tuông: luôn cho ý kiến của mình là nhất, luôn giỏi hơn, đúng hơn người khác, đến độ thấy điều phải mà không theo, thấy điều tốt mà không công nhận, thậm chí còn phá hoại. Có người thì hễ thích ai thì dù dở cũng ủng hộ, không ưa ai thì có hay cũng chê bai, phản đối. Vậy tôi có thuộc những loại người đó không?
Giữa cộng đoàn ta đang sống, giữa những người chung quanh mà ta gặp gỡ hằng ngày, ta dễ giúp đỡ kẻ cần đến ta khi ta có cơ hội thuận tiện; ngược lại, khi phải khó khăn, phiền toái nhiều, ta dễ tìm cớ để thoái thác. Gương của Chúa mời gọi tôi cứu giúp tha nhân trong hoàn cảnh nào?
Khi thấy người khác lỗi phạm, gặp người dễ tính, ta còn muốn góp ý; gặp người ương bướng, cãi ngang, ta dễ mặc kệ họ chứ không tìm cách nào tốt nhất để góp ý cho họ. Vậy, tôi có ý thức rằng: để mặc người khác ngày càng đi sâu vào các nết xấu, là tôi đang “làm điều dữ”, đang “giết chết” họ không?
Ở đời, người ta thường muốn “xin được hai chữ bình an”, vì thế, lạy Chúa, xin giúp con luôn biết mở lòng ra trước lời mời gọi của Thánh Thần, để con giúp đỡ tha nhân, dù có phải hy sinh và phiền toái. Amen.