Suy Niệm Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên A - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?". Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo". Người bảo chúng rằng: "Cứ đi!". Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước. Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
SUY NIỆM
Thời kỳ nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa cũng là thời kỳ ma quỷ cố gắng nhập cuộc, như thứ cỏ lùng giữa lúa. Do đó trên đường giảng dạy, Chúa Giêsu cũng thường xuyên gặp những người bị quỷ ám. Khi ám tàng, ma quỷ chiếm đoạt thân xác và trí khôn của nạn nhân. Nó ở trong họ như ở trong nhà riêng mà mình làm chủ (x. Mt 12, 29). Đôi khi nó hành hạ nạn nhân, xô ngã khắp nơi và làm cho họ bị bất tỉnh. Có nạn nhân trở thành người có sức khỏe lạ thường, bẻ cả xiềng xích (x. Mt 8, 28), hoặc nạn nhân có thể biết được một vài điều kín nhiệm như xưng tên Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, v.v.
Nói chung, những người bị quỷ ám thường bị ma quỷ chiếm đoạt lý trí, mất an bình lương tâm, bất quân bình tâm lý và tình cảm. Khi bị trục xuất ra khỏi thân chủ, ma quỷ còn thực hiện trên con người một quyền năng phá hoại, như bài Tin Mừng hôm nay ghi là xô cả đàn heo xuống biển.
Ma quỷ vốn xuất thân từ loài thiên thần của Thiên Chúa. Nên chúng có những hiểu biết tinh khôn hơn loài người chúng ta. Do đó, khi gặp Đức Giêsu, chúng nhận ra ngay sự hiện diện của Thiên Chúa, mà kêu lên: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông?” (c. 29). Chúng ta biết là trong thế giới thần linh này, ma quỷ cần có một chỗ ngụ như cần một ngôi nhà để ở. Dù sao trong một linh hồn có tội, vẫn sướng hơn ở hỏa ngục. Vì thế, khi đang chiếm hữu được một người, mà bị đuổi ra, thì khổ sở lắm, nên ma quỷ mới kêu lên: “Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?" (c. 29).
Chúng ta thấy, một điểm đặc biệt trong câu chuyện này là tính cách đông đảo của ma quỷ, vì chúng nhập vào bầy heo cả vài ngàn con (x. Mc 5, 13). Đó là minh chứng về sự hiện hữu của ma quỷ. Do vậy, dù chúng ta nghĩ gì đi nữa, ma quỷ vẫn có thực.
Vì ma quỷ là loài sa ngã nên nó rất tinh khôn trong việc cám dỗ và thử thách, với muôn ngàn cách. Ma quỷ thường thổi phồng những tội ác lên ngôi, từ một yếu điểm thành tội. Từ tội nhẹ đến tội nặng, từ tội nói dối nhẹ đến chỗ lừa đảo, trộm cướp, giết người. Ma quỷ thường chen vào các dục vọng và nhất là những nhu cầu của mỗi người đang cần. Chúng can thiệp vào được cả những tính mê nết xấu, như: ích kỷ, kiêu ngạo, mê tín, đồng bóng, chiêm tinh. Ma quỷ không bao giờ ngủ và Chúa Giêsu đã dạy phải cầu nguyện luôn đó thôi.
Do vậy, để giúp các tín hữu tỉnh thức trước sự hiện diện của ma quỷ, thánh Phêrô đã nhắn nhủ rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5, 8.9a). Ước gì, với sự trợ giúp của ơn thánh và sự nỗ lực của bản thân, mỗi người chúng ta có thể vượt thắng trước các sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa, đi theo Chúa và sống những giá Tin Mừng trong cuộc đời. Xin Chúa cũng giúp chúng con vượt qua được những cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường