THẾ GIAN VÀ NƯỚC CHÚA - Suy Niệm Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên (Lc 9:51-56) - Lm Cao Nhất Huy
Suy Niệm Lời Chúa
THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Ngày 27/09/2022
THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ, LINH MỤC, LỄ NHỚ
Ca nhập lễ: Đn 3: 31.29.30.43.42
Lạy Chúa, trong mọi việc Chúa làm cho chúng con, Chúa đã xử sự thật công minh. Quả thật con trót phạm tội, chẳng tuân giữ các giới răn Ngài. Nhưng để cho danh Ngài rạng rỡ, xin mở lượng khoan hồng mà xử với chúng con.
Bài đọc 1: G 3: 1-3.11-17.20-23
Sao lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng?
Bài trích sách Gióp.
Bấy giờ, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói: Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: “Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!” Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm? Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã nằm xuống yên hàn, đã an giấc nghỉ ngơi cùng các bậc vương hầu khanh tướng đã xây lăng xây mộ cho mình, hay những bậc thủ lãnh vàng bạc chất đầy nhà. Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã không hiện hữu, khác nào thai nhi chết yểu bị đem chôn, hay trẻ sơ sinh không nhìn thấy ánh sáng. Tại đó, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa, cũng tại đó người kiệt sức lại được nghỉ ngơi. Sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng? Họ là những người mong chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu. Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy phần mộ. Sao lại ban ánh sáng và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề?
Đáp ca: Tv 87: 2-3.4-5.6.7-8 (Đ. c.3a)
Đ. Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài.
Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức.
Đ. Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài.
Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ,
ví tựa người kiệt sức còn chi!
Đ. Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài.
Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc.
Đ. Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài.
Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con như sóng cồn xô đẩy dập vùi.
Đ. Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài.
Tung hô Tin Mừng: Mc 10: 45b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9: 51-56)
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”.55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi thầy trò đi sang làng khác.
SUY NIỆM
THẾ GIAN VÀ NƯỚC CHÚA
“Nước tôi không thuộc về thế gian này”
---/---
Bối cảnh của bài đọc 1 cho chúng ta thấy hoàn cảnh của ông Gióp: Trước đó, ông được Thiên Chúa khen ngợi là “chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G 2: 3). Thiên Chúa thử thách ông bằng cách cho Satan cám dỗ. Satan hành hạ ông từ thể xác cho đến tinh thần. Satan qua bà vợ của ông cám dỗ ông rằng: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2: 9). Ông Gióp thấy cuộc đời bất hạnh quá và coi ngày ông sinh ra trên đời này là một ngày bất hạnh! (G 3: 1-3.11-17.20-23). Tuy nhiên, trong nỗi cô đơn vì bị Satan bao vây và cám dỗ, ông vẫn trung thành với Thiên Chúa và nói với bà vợ rằng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2: 10).
Chúa Giêsu cũng ở trong tình trạng cô đơn tương tự như thế: “Dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem”. Dân làng không đón tiếp, còn các môn đệ thì không hiểu ý nghĩa của cuộc hành trình lên Giêrusalem: “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”. Như thế, nỗi cô đơn của Chúa Giêsu cũng gần như của ông Gióp: Ngài bị cô đơn với cả người ngoài lẫn người trong nhà (các môn đệ): “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Đỉnh cao của nỗi cô đơn đó được rõ nét nơi Thập Giá: bên dưới con người mắng nhiếc và thách thức, trên cao thì Chúa Cha im lặng và bỏ rơi: “Êli, Êli, lêma xabácthani, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,41. 43-44. 46).
Hình ảnh ông Gióp và Chúa Giêsu vén mở cho người môn đệ thấy tương lai của mình khi sống trên thế gian. Chúa Giêsu đã bị thế gian lên án và giết chết, người môn đệ của Chúa cũng thế thôi, vì chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu và bước đi trong ánh sáng, tình yêu và sự thật. Thế gian chống lại Chúa Giêsu thì cũng chống lại những ai bước đi theo Ngài. Bởi vì, lý do họ ghét Thầy và cũng ghét trò là: “Vì thế gian yêu những gì là của nó” (Ga 15: 19) và Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18: 36).
“Vì thế gian yêu những gì là của nó”. Thế giới chúng ta hôm nay, người ta yêu chuộng tiện nghi, vật chất, giàu sang. Đó là một thế gian như Thánh Phaolô mô tả “ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn,.. vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc” (2 Tm 3: 2-4). Tất nhiên, đứng trước một thế gian như thế, sẽ chẳng có ai thích một cuộc sống nghèo khổ để bị coi thường trong một thế giới hiện đại và công nghệ.
“Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Nước Chúa thuộc về những gì của Tám Mối Phúc: khó khèo, hiền lành, khóc lóc, khao khát nhân đức, thương xót người, lòng sạch sẽ, hoà thuận, đạo ngay. Như thế, chúng ta thấy giữa thế gian và Nước Chúa là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Là người môn đệ Chúa, chúng ta sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Đó là một thách đố đối với người Kitô hữu.
Vì thế, những người muốn sống lời Chúa, muốn sống theo những suy nghĩ của Thiên Chúa: Làm ăn lương thiện, không lường gạt, không gian dối, không mánh mung, lên án chỉ trích sự gian dối và tham nhũng…. họ chấp nhận những đồng lời ít thôi, miễn sao an tâm trong đường lối của Chúa. Những người này thường trở thành xa lạ, cô đơn với những người chung quanh, đôi khi ngay trong Giáo Hội: Sự phân biệt giàu nghèo, đại gia chơi với đại gia, người nghèo chơi với người nghèo, thậm chí đôi khi một số linh mục, tu sĩ cũng thích chơi với đại gia hơn là người nghèo (đám tiệc, đám tang của đại gia thường dễ được ưu tiên hơn người nghèo). Điều này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại câu nói của Cha de Lubac, một thần học gia: “Tinh thần thế gian là một điều tồi tệ nhất trong những điều xấu xa có thể xảy ra với Giáo Hội”.
Quả thế, khi đứng trước những mời gọi của danh vọng, giàu sang, tiện nghi, vật chất người Kitô hữu sẽ ngần ngại hoặc không đủ can đảm để sống theo Lời Chúa: Có những người vì đồng lương quá cao, họ không dám công khai là một Kitô hữu để đi nhà thờ vì sợ bị nhìn thấy và bị mất việc… Hoặc cũng có nhiều người dễ dàng ưu tiên việc tiếp khách, nhậu nhẹt hơn là việc dành giờ về đi lễ, dành giờ về chở con đi học giáo lý; một trận đá banh của đội tuyển Việt Nam nhiều khi được ưu tiên hơn giờ đọc kinh tối gia đình…
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con nhận ra điều gì thuộc về thế gian và điều gì thuộc về Nước Chúa và không để tinh thần thế gian lừa dối. Xin Chúa bảo vệ chúng con khỏi sự cám dỗ của thế gian. Amen.
Cao Nhất Huy