Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên B - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Tin Mừng Mt 14: 1-12:Tiểu vương Hêrôđê và Gioan Tẩy Giả là hai con người, hai tính cách đối nghịch. Đoạn Thánh Kinh mà ta đọc và suy niệm hôm nay khắc hoạ lên cho chúng ta về hai con người đó và về hai cách sống giúp chúng ta chọn lựa.
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 14: 1-12)
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên dĩa này cho tôi". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục và để đầu Gioan trên dĩa đem trao cho cô gái, và nó đem đến cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Suy niệm
Tiểu vương Hêrôđê và Gioan Tẩy Giả là hai con người, hai tính cách đối nghịch. Đoạn Thánh Kinh mà ta đọc và suy niệm hôm nay khắc hoạ lên cho chúng ta về hai con người đó và về hai cách sống giúp chúng ta chọn lựa.
Hêrôđê là tiểu vương, vua Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng cũng bởi bối cảnh chính trị Do Thái bị Rôma đô hộ nên càng làm cho vai trò và tính cách Hêrôđê mờ nhạt đi. Ông là vua Do Thái, nhưng thực ra quyền hành vương quốc đặt dưới sự điều khiển của quan tổng trấn. Thế nên vị thế bù nhìn của Hêrôđê càng làm cho ông yếm thế, mờ nhạt, và chẳng thể hiện vai trò gì đối với đất nước. Thêm một điều nữa về con người này, đó là trước nay theo truyền thống Do Thái, thì vua là người đại diện cho dân, vừa mang tính cách tôn giáo vì Do Thái là dân riêng của Chúa, nhưng Hêrôđê được đề cập ở đây xem ra chẳng có một chút ảnh hưởng gì lên mặt tôn giáo đối với một dân tộc mà tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa được xem như một cột trụ cho giao ước ngàn đời và là sự trường tồn của họ. Thánh Kinh không nhắc nhở gì về vai trò này. Coi như Hêrêđê là người mất gốc tôn giáo của dân tộc vậy. Thiếu đi cá tính của một vị vua của một nước, mất luôn cả nguồn cội tôn giáo, nên biến cố ông làm phật lòng Gioan khi Gioan ngăn cản ông không được lấy Hêrôđia, là vợ của tiểu vương Philiphê, anh của ông, làm vợ mình. Điều này là loạn luân. Xét mặt tôn giáo không được phép, thế mà ông vẫn làm. Qua biến cố này càng khắc hoạ rõ nét sự phóng túng của Hêrôđê. Ông là con người tội lỗi và dâm dật. Một vị vua của một dân tộc, thế mà vì mua vui, vì một vũ nữ vui mắt mà dám hứa mất cả giang sơn vì họ thì càng làm nổi bật hình ảnh một ông vua hời hợt, không xứng đáng là người đứng đầu dân Do Thái.
Sống trong bối cảnh đó và dưới sự lãnh đạo của một ông vua như Hêrođê, thì vai trò của ngôn sứ như Gioan càng nổi bật. Gioan không chỉ là người đã chọn cho mình một đời sống tiết độ, khắc khổ, ăn chay cầu nguyện, mà còn là người đại diện cho dân với vai trò tiên tri, ngăn cản vua làm những chuyện xàm bậy. Dù Tin Mừng chỉ khắc hoạ cho chúng ta chi tiết nhỏ về cái chết của Gioan thôi, nhưng qua đó cũng cho thấy tính cách cương trực và mạnh mẽ của vị ngôn sứ này. Làm ngôn sứ cho Chúa, dù thế nào đi nữa vẫn phải cất lên tiếng nói của sự thật, nói lên tiếng nói của Chúa cho người, cho đời. Ngôn sứ không thể ngậm miệng để cho những người như Hêrôđê tung hoành, muốn làm gì thì làm. Ngôn sứ không thể ngậm miệng phù vinh cho bản thân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống mỗi ngày và làm chứng cho Chúa trong vai trò ngôn sứ, dám mạnh dạn cất lên tiếng nói của chúng con trước những xấu xa của thế giới hôm nay. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường