Clock-Time

Thứ Hai Tuần VI Thường Niên B - GKGĐ Giáo Phận Phú Cư​ờng

Tin Mừng Mc 8: 11-13  Chúng ta đi tìm kiếm dấu lạ cũng như người Do Thái đòi hỏi Chúa Giêsu làm dấu lạ, nhưng chúng ta có khi không biện phân đâu là dấu lạ thật và đâu là dấu lạ giả. 

SUY NIỆM TIN MỪNG

THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN B

NGÀY 15- 2-2021


 

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 8: 11-13)

11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.12 Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả."13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
 

SUY NIỆM

Một vấn đề thời sự liên quan đến đức tin Công giáo chúng ta đó là dấu lạ. Từ thời Chúa Giêsu cho đến chúng ta ngày hôm nay, nó vẫn còn là vấn đề nóng bỏng: có dấu lạ để tin. Chúng ta đi tìm kiếm dấu lạ cũng như người Do Thái đòi hỏi Chúa Giêsu làm dấu lạ, nhưng chúng ta có khi không biện phân đâu là dấu lạ thật và đâu là dấu lạ giả. Điều mà Chúa Giêsu muốn nói với những người Do Thái hôm nay nằm ở cốt lõi này. 

Trong thời Chúa Giêsu không ít những người đã mạo danh cứu thế để chiêu dụ những người đi theo mình. Họ có thể thực hiện một vài dấu lạ để minh chứng tính chính danh của mình. Tuy nhiên sau đó thì dân chúng nhận ra đó chỉ là mạo danh. Còn với Chúa Giêsu, Người không cần làm phép lạ để thể hiện tính chính danh “cứu thế” của mình. Không phải dân chúng không nhìn và nghe thấy những điều lạ lùng Chúa Giêsu đã làm, nhưng ở đây, Chúa Giêsu nhìn thấy đó là sự thách thức. Mặt khác, nếu chỉ dừng lại ở phép lạ để thoả mãn sự hiếu kỳ mà không mở lòng ra để tin Đấng là Mesia thì cũng chỉ là những người lạm dụng nó để thoả mãn đòi hỏi oái oăm của con người. 

Ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy sự biến tướng của nhiều hình thức tôn giáo mà chủ đích của nó là khai mở tính tò mò của con người. Thậm chí là tìm kiếm những dấu lạ mang hình thức mê tín, lệch lạc và thiếu nền tảng đức tin. Chúng ta đã chứng kiến những phong trào như thánh linh, chữa bệnh, giáo hội mẹ, nhóm trừ quỷ, làm chứng lòng thương xót, v.v. Thậm chí vượt ra mọi thẩm quyền của Giáo Hội để phá đi sự hiệp nhất trong đức tin, có khi chống lại thẩm quyền của Giáo Hội, gây ra sự xáo trộn, và tệ hơn xúc phạm các đấng bản quyền. Điều ngạc nhiên là có rất nhiều người tin theo và hậu quả của nó là sáng chế ra một thứ giáo lý đầy cảm tính, phi lý và huyền hoặc. Như gần đây, phong trào trừ quỷ ở Bảo Lộc là một minh chứng và cũng là dịp để các Kitô hữu phản tỉnh về chính đức tin của mình. 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa, xin củng cố và kiện toàn đức tin của chúng con mỗi ngày nên mạnh mẽ, khôn ngoan và cứng cát trước những sai lạc của thế giới này. Amen.    
       

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường