Clock-Time

Thứ Năm tuần II thường niên B - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin mừng Mc 3: 7-12​​​​​​​: Tin Mừng hôm nay là một tổng kết sứ vụ đầu tiên của Chúa Giêsu tại Galilê, thánh Marcô như vẽ lại trước mắt chúng ta bức tranh trong đó từng đoàn người từ khắp nơi lũ lượt kéo đến với Chúa Giêsu, để được Người thuyên chữa đủ thứ bệnh tật.
SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ NĂM TRONG TUẦN II THƯỜNG NIÊN B

 

THÁNH NỮ ANÊ ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO

NGÀY 21/01/2021

 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 3: 7-12)

7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa!"12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

    Suy niệm

Tin Mừng hôm nay là một tổng kết sứ vụ đầu tiên của Chúa Giêsu tại Galilê, thánh Marcô như vẽ lại trước mắt chúng ta bức tranh trong đó từng đoàn người từ khắp nơi lũ lượt kéo đến với Chúa Giêsu, để được Người thuyên chữa đủ thứ bệnh tật. Tuy nhiên, chủ ý của thánh Marcô chính là nêu bật phản ứng khác nhau về con người của Chúa Giêsu.

Thật thế, thánh Marcô cho thấy phản ứng của những người biệt phái, mặc dù đã chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng vì mù quáng, họ đã tìm cách loại trừ Người. Đám đông tuy không mù quáng như những người biệt phái, nhưng nếu có lũ lượt đi theo Chúa, thì cũng chỉ vì những lợi ích tức thời mà thôi. Các bà con của Chúa cũng chỉ có một sự hiểu biết hoàn toàn tình cảm. Riêng các môn đệ, dù sống bên Người và được Người dạy bảo, vẫn không hiểu Người là ai, nhưng đó là cái biết của ghen ghét, hận thù.

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ, ngày nay cũng được Người tiếp tục đặt cho từng người chúng ta. Câu trả lời Người chờ đợi nơi chúng ta không phải là một công thức, một tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là tất cả cuộc sống. Sự hiểu biết Chúa Giêsu chờ đợi nơi chúng ta không phải là một hiểu biết thuần trí thức, mà phải là một hiểu biết trong giao tiếp mật thiết.

Biết Chúa Giêsu thiết yếu là kết hiệp với Người, là nên một với Người, là trở thành hiện thân của Người. Như thế, đối với các Kitô hữu, câu hỏi: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, cũng là một tra vấn về chính cuộc sống của họ. Cuộc sống của họ có đủ sức thu hút và trở thành câu hỏi cho người khác không? Cuộc sống của họ có thể hiện sức sống của Đấng mà họ tuyên xưng là đường, là sự thật và và sự sống không?

Đó là những câu hỏi mà người Kitô hữu cần đặt ra để tự vấn lương tâm, để ước gì với ánh sáng của Chúa, chúng ta tìm được câu giải đáp thoả đáng giúp chúng ta ngày càng hiểu biết và sống gắn bó với Chúa nhiều hơn.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường