Clock-Time

THÚ NHẬN VÀ HOÁN CẢI - Thứ Tư Tuần XXVII Mùa Thường Niên (Lc 11: 1 - 4) - Lm Cao Nhất Huy

Trong bài giáo lý về Bí Tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ cho thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ”. Tuy nhiên, tha thứ không phải là một tri thức để hiểu, nhưng là một cảm nhận: Cảm nhận được tình thương của Chúa dành cho ta cho dẫu ta tội lỗi. Nhờ cảm nhận được ơn ban lớn lao đó nên ta “buộc” phải tha thứ cho anh chị em của mình như Chúa đã tha thứ cho ta... 

SUY NIỆM LỜI CHÚA

THỨ TƯ TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN

NGÀY 05/10/2022

Ca nhập lễ: Et 13: 9.10-11

Lạy Chúa, Chúa an bài mọi sự theo thánh ý của Ngài mà không ai cưỡng nổi. Ngài tạo thành vũ trụ cùng muôn loài hiện hữu dưới bầu trời. Chính Ngài là Chúa Tể càn khôn.

Bài đọc 1: Gl 2: 1-2.7-14

Các Tông Đồ nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

Thưa anh em, sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Ba-na-ba; tôi cũng đem theo anh Ti-tô đi với tôi. Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, - cách riêng cho các vị có thế giá -, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích.

Các ngài thấy rằng tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phê-rô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.

Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.

Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?”

Đáp ca: Tv 116: 1.2 (Đ. Mc 16,15) 

Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.

Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.

Tung hô Tin Mừng: x. Rm 8,15bc

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: “Áp-ba! Cha ơi!”. Ha-lê-lui-a.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (11: 1-4)

1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”.2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến,3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ’”.

SUY NIỆM

THÚ NHẬN VÀ HOÁN CẢI

“Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ cho thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ”

---/---

Trong Tông thư “Bánh Chúa Ban” (Mane Nobiscum Domine), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng, “Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Hiệp Thông”. Sự hiệp thông này dẫn chúng ta bước vào cửa ngõ của ơn tha thứ. Vì thế, trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta được kêu gọi đến với sự hiệp thông cực thánh này.

Trong bài giáo lý về Bí Tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ cho thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ”. Tuy nhiên, tha thứ không phải là một tri thức để hiểu, nhưng là một cảm nhận: Cảm nhận được tình thương của Chúa dành cho ta cho dẫu ta tội lỗi. Nhờ cảm nhận được ơn ban lớn lao đó nên ta “buộc” phải tha thứ cho anh chị em của mình như Chúa đã tha thứ cho ta.

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Trước tiên chúng ta được dạy để kêu lên rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Cầu nguyện chính là cùng với Đức Giêsu tôn vinh Thiên Chúa Cha, cùng với Đức Giêsu đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời làm triển nở sự hiệp thông đó trong Hội Thánh là Thân mình Đức Kitô, và được cụ thể hoá nơi từng con người trong cuộc sống. Vì thế, Chúa Giêsu dạy ta kêu cầu Danh Cha, xưng tụng Danh Cha để đi vào sự hiệp thông đó. Chỉ khi đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, chúng ta mới được thứ tha, nhờ đó ta mới sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là phần sau của Kinh Lạy Cha.

Tuy nhiên, sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta là vô điều kiện, nhưng để cảm nhận được sự tha thứ đó thì phải có điều kiện. Đó là, thú nhận mình có tội và hoán cải.

Lời kinh “Tôi thú nhận” mà chúng ta đọc vào đầu thánh lễ, đó là một hành vi sám hối đích thực! Tôi là tội nhân và tôi xưng thú điều đó, chính như thế mà thánh lễ bắt đầu! Chúng ta không thể bắt đầu Thánh Lễ nếu ta không thú nhận tội lỗi. Bởi vì, Thánh lễ là đỉnh cao của sự hiệp thông với Thiên Chúa, mà tội lỗi là sự cản trở mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa.

Chính vì tội lỗi cản trở mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa, mà Bí Tích Thánh Thể chính là sự hiệp thông, nên Chúa Giêsu đã nói rằng: “Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5: 23-24).

Làm hoà với anh em, nghĩa là khiêm tốn đón nhận những lỗi lầm của mình. Chính Chúa Giêsu đã khiêm tốn đón nhận lấy tất cả tội lỗi của chúng ta, làm của lễ để thay chúng ta làm hoà với Thiên Chúa. Nhờ đó con người đón nhận được Ơn cứu độ.

Tuy nhiên, theo Giáo Luật điều 916 thì những ai ý thức mình phạm tội nặng nhưng chưa xưng tội thì không được rước lễ. Chính vì thế, chỉ thú nhận tội lỗi không thì chưa đủ, nhưng phải hoán cải, phải chừa tội thì ta mới được rước lễ. Chỉ khi sạch tội thì hiệu quả của Bí Tích Thánh Thể mới phát triển nơi chúng ta. Nghĩa là, ta ở trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Vì thế, hoán cải là điều cần thiết.

Ngày hôm nay, còn nhiều người đang ở trong tình trạng tội nặng hoặc bị rối trong đời sống hôn nhân… Nhưng họ lại không cố gắng thoát ra khỏi tình trạng đó: họ biết họ có tội, nhưng họ không hoán cải. Như thế, họ đang ở trong tình trạng mất đi sự hiệp thông Thánh Thể, là nguồn mạch và chóp đỉnh của ơn tha thứ. Điều đó làm cho họ không cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, và như thế họ cũng sẽ mất đi khả năng tha thứ cho anh chị em.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn luôn ý thức về hậu quả của tội lỗi. Hậu quả đó đánh mất đi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Xin Chúa cũng giúp con luôn quyết tâm để hoán cải mỗi ngày, ngõ hầu chúng con có thể đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhờ đó chúng con cũng sẵn sàng tha thứ cho anh chị em của mình.

Cao Nhất Huy