Clock-Time

Thứ Sáu Sau Chúa Nhật XXII Thường Niên C - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin mừng Lc 5: 33-39: Tin Mừng hôm nay, là câu chuyện Chúa gọi một người thu thế là Lêvi làm tông đồ của Chúa (chính là tông đồ Mathêu sau này). Chúa đã đến nhà Lêvi...

SUY NIỆM HẰNG NGÀY
 

THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C


NGÀY 02-09-2016 
 

 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 5, 33-39)

33 Họ nói với Người: "Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống! "34 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay."36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.37 "Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn."


SUY NIỆM

Ngay trước câu chuyện Tin Mừng hôm nay, là câu chuyện Chúa gọi một người thu thế là Lêvi làm tông đồ của Chúa (chính là tông đồ Mathêu sau này). Chúa đã đến nhà Lêvi, lại còn ngồi ăn cùng bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.

Những người Pharisêu và luật sĩ khó chịu và trách Chúa cùng môn đệ của Chúa không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ “ăn với uống”!

Dựa trên chính lời trách cứ của họ, Chúa cho thấy ý nghĩa đích thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước. Đó là hãy sống trong bầu khí vui tươi của tiệc cưới. Bởi Chú rể chính là Chúa Giêsu, còn các môn đệ là những khách dự tiệc. Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay. Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh.

Chuyện Chúa Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân, cho thấy Thiên Chúa không khinh chê, nhưng yêu họ và mời họ trở về với Người. Qua hành động gần gũi và kêu gọi người tội lỗi, Chúa còn cho thấy Người đang loan báo Tin Vui. Vì thế, đến với Chúa là gặp được niềm vui cứu độ.

Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1, 15; 6, 12). Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui. Bởi hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác. Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người có tội hoán cải (Lc 15, 7. 10).

Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy. Chính vì sống niềm vui phục sinh, mà các tông đồ dù bị đánh đòn, bị bắt bớ vẫn cứ vui. Các ngài vui bởi được chịu khổ vì Chúa Giêsu (Cv 5, 41).

Niềm vui là đặc tình của người Kitô hữu qua mọi thách đố. Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền. “Chàng rể” Giêsu đang ở với chúng ta mãi mãi cho đến tận thế, nên chúng ta vui. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta tận hưởng niềm vui ấy: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).

Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu chúng ta có niềm vui nội tâm. Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất. Hãy để niềm vui của Tin Mừng lan tràn suốt cuộc đời chúng ta. Nhờ đó, mọi người nhận ra hương thơm của niềm vui Tin Mừng ấy, mà ham thích đến với Chúa, đến với ơn cứu độ Chúa ban.

Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề; có những lúc con muốn buông trôi, để mặc dòng đời đưa đẩy; có những khoảng thời gian, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi. Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi. Xin cho con yêu mến Thánh ý Chúa, để luôn sống niềm vui. Xin cho con trở thành nhân chứng cho mọi người về niềm vui ơn cứu độ mà Chúa ban cho chúng con, để anh chị em của con cũng nhận ra niềm vui ấy mà thờ phượng Chúa, mà đạt tới ơn cứu độ như Chúa muốn. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường