Clock-Time

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên C - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin mừng Lc 9: 18-22: Lời Chúa ngày hôm nay gợi ý cho chúng ta một câu hỏi rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta: “người ta bảo con là ai?”...
SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ SÁU CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN C

 
NGÀY 23-09-2016
 
 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9: 18-22)

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

SUY NIỆM

Lời Chúa ngày hôm nay gợi ý cho chúng ta một câu hỏi rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta: “người ta bảo con là ai?”
Đối với các môn đệ của Chúa, trả lời câu hỏi “Thầy là ai” thực sự quan trọng. Đi theo Thầy Giêsu mà không trả lời được thì coi như không biết gì hết. Biết một con người cần có thông tin, hiểu một con người cần có thời gian tìm hiểu và nhất là sống với họ, nhưng để tin một con người bạn phải biết tính tình, cách sống và tất cả là nhân cách thế nào. Từ nhận thức tự nhiên là con người Giêsu, đến nhận thức siêu nhiên, tức là một Giêsu cứu thế, là một sự đột phá từ lý trí tự nhiên sang nhận thức siêu nhiên là đức tin.

Cuộc đời và gương thánh Cha Piô Pietrelcina, gọi tắt là Cha Piô năm dấu cũng gợi cho chúng ta về câu trả lời “người ta bảo con là ai?”. Nếu không có năm dấu thánh được in trên mình, thì có lẽ, Cha Piô chỉ là một linh mục dòng Capuchin bình thường. Năm Dấu thánh được in trên Ngài và biến động đó đã dẫn dắt cuộc đời của Ngài đến chặng đường gian khổ để làm chứng cho sự hiện diện của Chúa. Vì năm dấu Thánh, Thánh Bộ Đức tin đã phán xét Ngài, thậm chí bị cấm dâng lễ, không được giải tội, muốn thuyên chuyển Ngài chỗ khác cho cộng đoàn thiết lập lại trật tự… Những thăn trầm ấy như muốn mời gọi Ngài không chỉ phải tự chịu đau khổ bởi những vết thương năm dấu hành hạ thể xác, mà còn những vết đau tâm linh do phải chịu những nỗi thống khổ về tinh thần. Thế nhưng điều kỳ lạ là Ngài kiên nhẫn chịu đựng. Những cuộc hoán cải dành cho nhiều tâm hồn vẫn đến, những thánh lễ như chính Chúa Giêsu hiện thực hy tế Calvê quan đôi tay của Ngài cử hành vẫn sống động, làm cho đức tin của giáo dân thêm vựng vàng tin tưởng…

“Thầy là Đấng Kitô”. Lời tuyên xưng ấy Phêrô tuyên xứng chính xác và nói lên yếu tính của đức tin. Đấng Kitô phải chết vì con người và Ngài sẽ sống lại. “Người ta bảo con là ai”, Con chỉ có thể nói con là ai khi con trả lời Chúa là ai đối với con như Cha Piô. Đức tin không lay chuyển, cả những đau đớn thể xác và cả sự hành hạ tinh thần, vẫn tin vào Chúa, vẫn trung thành, vẫn thánh thiiện, vẫn toả ra ánh sáng của lòng thương xót Chúa, vẫn hiện diện khiêm hạ và là bình an cho nhiều tâm hồn.

Lạy Chúa, xin cho con biết tuyên xưng niềm tin của chúng con cách thiết thực qua chính đời sống chứng ta của chúng con. Amen. 


GKGĐ Giáo phận Phú Cường