TRAO BAN NGỌN LỬA CỦA ĐỨC KITÔ - Suy Niệm Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên (Lc 8:16-18) - Lm Cao Nhất Huy
Suy Niệm Lời Chúa
THỨ HAI TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (8:16-18)
16 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
TRAO BAN NGỌN LỬA CỦA ĐỨC KITÔ
Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng
---/---
Đức Giêsu nói: “Ta là ánh sáng thế gian”. Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Ánh sáng đến trong thế gian để chiếu soi mọi người. Ngài không phải là một ngọn đèn đứng yên một chỗ, mà là nguồn sáng di động, lôi kéo nhân loại đi theo.
Tin Mừng hôm nay, Chúa nói: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng”. Đức Giêsu ví các môn đệ của Ngài như cây đèn, và bổn phận của các ông là phải chiếu sáng: “Các con là ánh sáng thế gian“. Khi nói như thế, Đức Giêsu có ý nhắc các ông rằng: nếu Ngài là ánh sáng đến để chiếu sáng cho con người, thì đời sống của các ông cũng phải tỏa sáng như vậy. Đó là bổn phận của mọi Kitô hữu.
Tuy nhiên, muốn trở nên đèn sáng để soi chiếu trần gian, người môn đệ phải biết gắn bó đời mình với ánh sáng của Chúa Kitô Khổ nạn và Phục sinh.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nói rằng: “Cuộc khổ nạn là ngọn lửa của tình yêu; đó là bụi gai mới, bốc cháy mà không rụi đi (Xh 3: 1-6); một thứ lửa có thể cho đi tiếp”. Bụi gai bốc cháy trong sa mạc tại núi Khôrep là sự hiện diện của Thiên Chúa khi thấy dân Ngài khổ cực lầm than, nên Ngài đến để giải thoát dân: “Ta đã thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Ta muốn giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng tới một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật. Ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với vua Pha-ra-ô để đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập”. Còn “bụi gai mới” ở đây chính là Đức Kitô khổ nạn, chịu chết và sống lại để mang đến ơn cứu độ muôn đời cho con người. “Bụi gai mới” này cháy sáng một thứ lửa không rụi đi và còn có thể cho đi tiếp. Đó là lửa của ơn tái sinh và niềm hy vọng được cho đi. Đó cũng là kinh nghiệm “tiếp nhận” ngọn lửa từ Chúa Kitô Phục Sinh của hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24: 32) và của Phaolô (x. Pl 3: 7-9). Và sau đó, chính các tông đồ đã tiếp tục trao ban ngọn lửa đó cho toàn thể nhân loại qua sứ mạng rao giảng về một Đức Kitô Phục Sinh.
Vậy, chúng ta, trong tư cách là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải tiếp tục cho đi ngọn lửa đó bằng chính đời sống "cháy lửa tình yêu" của mình: trong gia đình, lối xóm, trường học….
Câu chuyện có thật ở một gia đình nọ như sau: Cậu bé, trong cơn buồn rầu thất vọng, đã trách cứ cha mẹ rằng: “Tại sao bố mẹ sinh ra con? Con đâu muốn cha mẹ sinh ra con!” Sau khi nghe câu nói đó, cả cha lẫn mẹ của cậu bé liền cúi đầu im lặng!!!
Thật vậy, khi cảm thấy được yêu thương và cảm thông, người ta sẽ cho rằng “được sinh ra trên cõi đời này là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa” ngang qua tình yêu của cha mẹ. Ngược lại, khi thiếu vắng tình yêu, thiếu sự nâng đỡ, thiếu niềm cảm thông từ cha mẹ, con cái sẽ cho rằng “thà mình đừng sinh ra thì hơn”. Thế nên, trong đời sống gia đình, nếu cha mẹ không còn yêu thương nhau, cũng chẳng quan tâm chăm sóc con cái, thì gia đình ấy không còn là “tổ ấm” tình yêu, mà chỉ là “quán trọ”, các thành viên sáng đi tối về! Chỉ khi nào cha mẹ biết yêu thương nhau, chăm lo cho con cái, luôn tạo bầu khí vui tươi trong gia đình, lúc nào cũng rộn vang tiếng cười, thì con cái mới cảm thấy an vui và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Nhất là, chúng còn tự hào và hãnh diện vì được làm con cái của cha mẹ mình.
Vì thế, nếu ánh sáng của Đức Kitô là thứ ánh sáng mang đến tình yêu và hy vọng, thì ánh sáng của người môn đệ chính là đời sống nhân hiền, khiêm tốn và từ bi; một tấm lòng hay thương xót, biết thông cảm và luôn đồng hành với những ai cần sự giúp đỡ. Nếu người môn đệ đi ngược lại những điều ấy, thì đó là đêm tối của một thứ hoả ngục, nó chẳng khác gì có đèn mà không có dầu, hoặc có đèn nhưng nó đã hư hỏng, không còn sử dụng được nữa.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì con đã được sinh ra làm người, và được Chúa yêu thương cứu độ. Xin Chúa giúp cho chúng con giữ vững ngọn đèn cháy sáng trong ngày Rửa Tội, là nguồn sáng của chính Ngài, để cuộc đời chúng con luôn phản chiếu ánh sáng của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.