Clock-Time

Yêu Mến, Vâng Lời Để Làm Theo Ý Chúa Muốn - Suy Niệm Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng (Mt 7:21.24-27) - Lm Cao Nhất Huy

Sự vâng lời của Chúa Giêsu được phát xuất từ lòng yêu mến mà Ngài dành cho Cha. Vì thế, VÂNG LỜI Cha là để thực hiện Ý MUỐN của Cha. Chúa Giêsu đã tự nguyện vâng lời và trọn vẹn dấn thân chứ không miễn cưỡng. Cho nên, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào nước Trời cả đâu!, mà còn phải “thi hành ý muốn của Cha” trong sự vâng lời với lòng yêu mến thiết tha thì mới được vào Nước Trời.

Suy Niệm Lời Chúa
THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG
Ngày 01/12/2022

Ca nhập lễ: x. Tv 118: 151-152

Lạy Chúa, Chúa đã ở gần bên, đường lối Chúa đều là chân lý. Nhờ Chúa thương chỉ dạy, từ lâu con đã hiểu: Chúa tồn tại muôn đời.

Bài đọc 1 : Is 26: 1-6

Một dân tộc trọn niềm trung nghĩa bước vào.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Ngày ấy, trong xứ Giu-đa, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc: Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che. Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài. Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm, vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn.

Đáp ca: Tv 117: 1 và 8-9.19-21.25-27a (Đ. c.26a)

Đ. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.

Đ. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.

Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa. Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.

Đ. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.

Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em. Đức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.

Đ. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.

Tung hô Tin Mừng : Is 55: 6

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Hãy tìm gặp Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Ha-lê-lui-a.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (7: 21.24-27)

21 Khi ấy, Đức Giê-su phán với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 24 Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".

Ca hiệp lễ: Tt 2: 12-13

Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức ở thế gian này trong khi đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang.

SUY NIỆM

YÊU MẾN, VÂNG LỜI ĐỂ LÀM THEO Ý CHÚA MUỐN

Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi

---/---

“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Qua câu nói này, Đức Giêsu đưa ra một nguyên tắc để đánh giá một người có xứng đáng được vào Nước Trời hay không, đó là: Thi hành ý muốn của Cha”. Nhưng, thế nào là thi hành ý muốn của Chúa? Ta hãy nhìn vào mẫu gương Giêsu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi” (Mt 26: 39). Ý muốn của Chúa Cha là Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn và chết trên thập giá; còn đối với Chúa Giêsu, trong cơn sợ hãi vì cuộc khổ nạn sắp đến, Ngài đã muốn “cất chén này xa con”. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn quyết tâm VÂNG theo ý muốn của Cha: Xin đừng theo ý con”. Vì thế, làm theo ý muốn của Thiên Chúa chính là VÂNG LỜI.

Tuy nhiên, sự vâng lời của Chúa Giêsu được phát xuất từ lòng yêu mến mà Ngài dành cho Cha. Vì thế, VÂNG LỜI Cha là để thực hiện Ý MUỐN của Cha. Chúa Giêsu đã tự nguyện vâng lời và trọn vẹn dấn thân chứ không miễn cưỡng. Cho nên, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào nước Trời cả đâu!, mà còn phải “thi hành ý muốn của Chatrong sự vâng lời với lòng yêu mến thiết tha thì mới được vào Nước Trời.

Qua đó, chúng ta nhận ra hai điều quan trọng: Thứ nhất, để chứng minh lòng chân thành của một người, thì hãy nhìn hành động của họ. Những lời nói bóng bẩy như “Lạy Chúa, lạy Chúa …” không thay thế được việc lành. Thứ hai, để chứng minh lòng mến (tình yêu) của một người, thì hãy nhìn vào sự vâng lời. Khi người ta yêu mến thì tự nhiên họ sẽ vâng nghe, chứ không miễn cưỡng.

Chúng ta có thể thấy điều đó trong mối quan hệ yêu thương nơi gia đình: Lúc còn nhỏ, có lẽ đôi lúc chúng ta nói với mẹ rằng: “Con thương mẹ”, và có lẽ mẹ đã mỉm cười và nói với chúng ta rằng: “Ừ, mẹ mong con hãy bày tỏ điều đó trong cách cư xử nữa”. Đứa nhỏ lớn lên từng ngày và qua cách cư xử, chúng ta sẽ thấy nó có thương mẹ hay không. Tuy nhiên, ở mỗi đứa trẻ sẽ có sự khác nhau: Có đứa ngoan ngoãn lễ phép, học hành nghiêm túc… Nhưng cũng có đứa hỗn láo, ăn chơi không chịu học hành… Những điều này sẽ cho thấy rõ đứa trẻ nào yêu thương mẹ mình hơn.

Trong đời sống đức tin của chúng ta cũng vậy. Đọc Kinh Tin Kính không có gì là khó cả, nhưng sống đời Kitô hữu mới thực là khó. Học biết giáo lý có điểm rất cao, nhưng vẫn chưa chắc là Kitô hữu thánh thiện. Thế nên, kiến thức hiểu biết giáo lý về Chúa, về Giáo Hội phải biến thành lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội.

Nhìn vào thực trạng nơi các giáo xứ hiện nay. Chúng ta thấy các ngày lễ trọng, lễ buộc và ngày Chúa nhật, số lượng giáo dân đi lễ rất đông. Nhưng liệu rằng, khi họ vâng lời Chúa và Giáo Hội để “giữ ngày Chúa nhật, các ngày lễ trọng, lễ buộc” có phải xuất phát từ lòng mến không? Hay chỉ vì một kiểu giữ vì luật buộc, bởi nếu không có luật buộc thì họ sẽ không đi. Đó là lý do tại sao các ngày lễ trong tuần lại rất ít người tham dự; nhà thờ lèo tèo vài ba người, trong khi Chúa nhật, lễ trọng và lễ buộc thì đông như trẩy hội. Đó là thực trạng mà chúng ta thấy rất rõ nơi các giáo xứ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức lại đời sống đức tin của mình. Xin cho chúng con biết “tìm kiếm” lòng mến Chúa, để nhờ lòng mến mà chúng con thực thi ý Chúa một cách trọn vẹn hơn, chứ không chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Amen.

Cao Nhất Huy