Clock-Time

Chiến đấu với yếu đuối, một thử thách trong cầu nguyện

Cầu nguyện là đối mặt trực diện với Thiên Chúa. Khi đối mặt trực diện với Thiên Chúa là lúc ta nhìn thấy mình trong Thiên Chúa.
1. Dẫn nhập

Cầu nguyện là đối mặt trực diện với Thiên Chúa. Khi đối mặt trực diện với Thiên Chúa là lúc ta nhìn thấy mình trong Thiên Chúa. Đối diện với Thiên Chúa giống như soi vào gương sẽ nhìn thấy chính hình ảnh của mình trong tấm gương. Lúc đó sẽ thấy được toàn bộ gương mặt của ta trong gương. Khi được nhìn thấy chính mình là lúc thấy được những điểm không hoàn thiện của chính mình. Nói cách khác, nhìn thấy chính mình là thấy được sự yếu đuối của bản thân.

Đối diện với Thiên Chúa bằng sự yếu đuối của bản thân chính là lúc ta có cơ hội gắn chặt với Thiên Chúa nhiều nhất. Bởi vì, khi ta yếu đuối nhất chính là lúc ta thật lòng nhất, khi ta yếu đuối nhất cũng chính là lúc ta can đảm nhất để gặp gỡ Chúa.


2. Tại sao trong lúc cầu nguyện lại là lúc yếu đuối nhất

a. Con người là một xác thể

Ta thường cảm thấy chán nản khi gặp thất bại. Thất bại làm nên cảm giác chán chường, buông xuôi trong tâm trí con người. Lý do mang đến cảm giác này là vì ta có các giác quan. Những giác quan này chi phối đời sống ta rất mạnh mẽ. Cảm giác buồn-vui luôn luôn song hành trong đời sống của đời người.

Không chỉ thế, vì là một xác thể nên ta còn có ước muốn rất mãnh liệt. Khi đạt được ước muốn thì ta có cảm giác rất sung mãn và hạnh phúc. Còn khi không đạt được ước muốn thì ta cảm thấy buồn bã và chán nản. Cảm giác chán nản này có thể dẫn đến sự buông xuôi tất cả.

b. Tinh thần bị chi phối bởi thể xác

Với Thánh Nữ Catarina, lúc khoảng 20 tuổi, chị cảm thấy mình chẳng nghĩ gì đến Thiên Chúa hoặc cảm nhận gì tình yêu đối với Người. Con đường hấp dẫn và buông thả ngày càng hấp dẫn chị, và những cám dỗ điều dâm ô hành hạ chị, cuộc sống của chị và việc tìm kiếm Thiên Chúa xem ra vô vọng, việc bền đỗ trong ơn Chúa kêu gọi cũng vậy.

Quả vậy, trong đời sống đức tin, nhất là trong cầu nguyện thì ta thường rơi vào những lúc bị vô cảm. Cảm giác vô cảm đó mạnh mẽ nhất đôi khi xảy ra trong giờ cầu nguyện. Bởi khi Cầu nguyện là lúc ta ở trong tâm trạng thật là bản chất mình nhất. Bản chất ta là một xác thể bị chi phối bởi các giác quan. Giác quan cảm thấy nguội lạnh với Thiên Chúa, Ngài ở xa quá không thể nào tiếp xúc được. Những cảm giác này thường làm cho ta bỏ bẵng việc cầu nguyện. Tinh thần lúc này xuống rất thấp còn thể xác thì đang dâng cao. Cảm giác về sự thoải mái, hấp dẫn của dòng đời đang muốn đè bẹp tinh thần hướng về Chúa. Một sự chiến đấu rất là gay cấn diễn ra trong ta của chúng ta. Chiến đấu là phải dành được phần thắng, đó là cảm giác của thân xác lúc bấy giờ. Trong cuộc chiến đấu này, ta thường cảm thấy sợ chính mình. vì khi chiến đấu, ta sẽ bị đối thủ đáng gờm là thân xác của ta phơi ra những nhược điểm xấu xa để trấn áp tinh thần. Khi bị phơi bày ra như thế, ta thường sợ nó, vì nó nói rằng: “Ôi mày nguội lạnh quá, mày dâm ô quá, mày thích sự hấp dẫn của dòng đời hơn sự hấp dẫn nơi Thiên Chúa, mày chả có tình yêu gì với Thiên Chúa cả, mày vào đây cầu nguyện chỉ là máy móc thôi, giết thời gian mà thôi …”. Đó chính là những nhược điểm của ta trong cuộc chiến đấu này. Khi bị phơi ra như thế ta như bị mất hết sức mạnh chiến đấu vì ta thấy mình yếu quá. Những nhược điểm này thường làm ta chán chướng, thất vọng và chai đá. Trong cuộc chiến đó ta thường thua ngay ở giai đoạn thất vọng này.

Thua cuộc không chỉ là do sự thất vọng, mà còn là do tính hiếu chiến của thân xác. Chiến đấu là phải dành được phần thắng. Nhưng đến khi bị thất bại thì không chấp nhận thất bại của bản thân. Chối bỏ chính mình trong sự yếu hèn. Vì không đạt được mục đích nên dễ cảm thấy bị sốc. Thất bại nên buông xuôi, bỏ tất cả. Trong cuộc chiến đấu này ta thua không phải vì ta thực sự yếu nhưng vì sớm thất vọng quá, không có sự kiên trì trong cuộc chay đua đến sự thiện.


c.Thiên Chúa cho phép sự yếu đuối xảy ra

Thua ở trong cuộc chiến này, nhưng cũng là mở đầu cho một thắng lợi lớn trong tương lai ở một thế trận khác. Khi thua tức là lúc ta chấp nhận mình yếu đuối, nguội lạnh … Nhưng chính khi biết được ta đang như thế, đang trở nên yếu đuối như thế trước tình yêu của Thiên Chúa cũng là lúc ta đang có đà để chiến thắng chính mình. Theo Thánh Nữ Catarina: “Chúng ta biết rằng chúng ta rất cần cầu nguyện khi chúng ta ít cầu nguyện nhất”.

Quả vậy, chính những nghịch cảnh có thể làm gia tăng ước muốn chân thật mà ta đang cố gắng đạt tới. Chính trong lúc ta yếu đuối, thua cuộc vì thấy mình tội lỗi, nguội lạnh không thể cầu nguyện được là lúc ta mong muốn được cầu nguyện, mong muốn có thể cầu nguyện được. Bởi vì, ta nhận thức được sự yếu đuối của ta, một khi nhận thức được điều này ta sẽ cố gắng hơn nữa để khắc phục, từ đó ta sẽ sống phó thác và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa hơn. Chính khi không thể làm gì hơn được nữa là lúc ta phải cậy dựa vào một Đấng có sức mạnh phi thường để giúp sức. Đấng đó chính là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cho phép sự yếu đuối trong ta xảy ra để chúng ta có thêm cơ hội gia tăng lòng tin cậy và phó mình cho Thiên Chúa.

Như thế, Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta trong giờ cầu nguyện. Chúng ta không cảm thấy Thiên Chúa chẳng qua là vì chúng ta đang bị che khuất tầm nhìn bởi dục vọng của bản thân. Nhưng khi ta không còn chỗ dựa lưng nữa thì Thiên Chúa luôn ủi an và nâng đỡ, vực dậy tinh thần của ta lên nếu biết cậy nhờ vào quyền năng của Người. Đây là một chân lý có sức nâng đỡ chúng ta khi chúng ta thất vọng, chán nản. Chính lúc thất vọng, chán nản là lúc Thiên Chúa ở gần ta nhất. Thánh Nữ Catarina là người đã có kinh nghiệm nhiều trong chuyện này. “Khi thất vọng trong chiến đấu, Catarina thường nghĩ đến Chúa Giêsu  trên Thánh Giá. Chính Chúa Giêsu đã cảm thấy bị bỏ rơi mặc dù Chúa Cha hoàn toàn ở gần Người. Vì lợi ích của chúng ta Người cũng làm như thế, Người thường rút lại cảm giác về sự gần gũi của Người, nhưng không bao giờ rút lại sự gần gũi thật sự”. Chỉ khi chúng ta kiêu ngạo, không cần đến Thiên Chúa nữa thì sự gần gũi với người càng trở nên xa cách.


3. Quyền năng Thiên Chúa thể hiện trong sự yếu đuối

Kiêu ngạo làm ta thành tự mãn. Cũng vậy, sự yếu đuối làm cho ta mong ước hơn. Mong ước được Thiên Chúa cứu vớt và nâng đỡ. Tận đáy lòng chúng ta biết mình yếu đuối như thế nào. Nhưng chúng ta cũng biết mình cần cái gì, chúng ta biết chúng ta cần sự nâng đỡ của Thiên Chúa. Trong lúc yếu đuối nếu chúng ta cậy nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa là lúc chúng ta đang mạnh dần lên vì Thiên Chúa đang chiến đấu cùng ta và đẩy sức mạnh tinh thần của ta lên “ơn ta đủ cho con, vì sức mạnh của Cha được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).

Quả thật, khi ta không muốn cầu nguyện chính là lúc ta muốn cầu nguyện nhất. Khi ta khô khan nguội lạnh chính là lúc ta yêu mến nhất. Theo Thánh Nữ Catarina thì “mọi nhân đức ta đạt được đều là nhờ cái trái ngược lại với nó. Catarina coi sự thử thách như phương tiện Thiên Chúa dùng để thêm sức mạnh cho chúng ta, thay vì làm cho chúng ta suy yếu. Vì nếu chúng ta không bao giờ trải qua chiến đấu, chúng ta sẽ chỉ có vẻ nhân đức không phải nhân đức thật

Bản chất của việc cầu nguyện là một sự thiện. Vì thế khi tâm hồn ta chiều theo thân xác làm cho không muốn cầu nguyện tức là đang xa lìa sự thiện để đến với điều không thiện. Nhưng đây cũng là cơ hội để gia tăng và củng cố sự thiện vì ta phải chiến đấu với điều không thiện, tức là điều xấu. Khi không còn khả năng để tập trung cầu nguyện nữa là lúc ta ao ước cầu nguyện tập trung hơn ; khi ta không cầu nguyện được là lúc ta mong ước để cầu nguyện được. Ta phải chiến đấu để làm sao có thể cầu nguyện được khi đang ở trong trạng thái lo ra chia trí, trạng thái nguội lạnh của bản thân và trạng thái thiếu lòng mến đối với Thiên Chúa.

Chính lúc chiến đấu như thế là lúc ta đang tiến gần đến sự thiện. Bởi vì lòng ao ước của chính điều thiện đã đưa đến với điều làm ta nên hoàn thiện hơn trong lòng mến Chúa. Theo Thánh Nữ Catarina thì lòng ao ước sự thiện của chúng ta sẽ gia tăng vô lường một khi chiến đấu với cái đối nghịch. Sức mạnh của ta gia tăng là bởi khi không còn khả năng chiến đấu nữa ta sẽ phó mặc cho Thiên Chúa hành động. Lúc này Thiên Chúa mới thực sự là hành động trong ta. Thiên Chúa được tự do đi lại trong tâm hồn ta mà không gặp phải một cản trở nào. Nói vậy là bởi vì Thiên Chúa thường gặp phải hàng rào cản trong tâm hồn của ta mỗi lúc cầu nguyện. Hàng rào cản đó chính là những suy nghĩ của ta vẽ ra một vị Thiên Chúa theo như ý của mình, Thiên Chúa của sự suy diễn ra trong tâm hồn, Thiên Chúa tròn hay méo là do tâm hồn ta mặc cho như vậy, Ngài không có quyền chọn lựa hình ảnh của Ngài trong ta. Những lúc ta mạnh mẽ là lúc ta vẽ ra bản đồ chỉ đường cho Thiên Chúa để Ngài có thể đi lại trong tâm hồn, theo như ý ta. Nhưng khi ta yếu đuối, không còn khả năng vẽ đường nữa, ta sẽ để mặc cho Thiên Chúa hoạt động, Chúa muốn đi đâu trong tâm hồn thì Chúa cứ việc đi. Những lúc này Thiên Chúa sẽ được tự do, không phải lệ thuộc vào những chỉ dẫn của ta vạch sẵn ra cho Chúa đi nữa. Vì thế, yếu đuối là một cơ hội cho ta tiếp xúc gần nhất với Thiên Chúa và cũng là lúc Thiên Chúa tỏ bày quyền năng của Người trong ta mạnh nhất. Đây cũng chính là lúc ta đón nhận được nhiều ơn hoán cải nhất và cũng là lúc ta đang tiến gần đến cầu nguyện đích thực.


4. Kết luận – Không nên từ chối sự yếu đuối khi cầu nguyện.

Vì thế, chúng ta không nên từ chối hay trốn chạy sự yếu đuối của chính mình. Thời gian này là thời gian thử thách cần phải có để dẫn đến sự huyền nhiệm của cầu nguyện. Gọi là huyền nhiệm là vì khi ta ngỡ rằng mình đang đi trên con đường của Chúa thì lại là lúc ta đi trật con đường đến với Thiên Chúa. Còn chính lúc ta tưởng mình thất bại thì lại là lúc ta đang đi trên con đường tiến gần đến Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên cho rằng sự yếu đuối nào cũng là cơ hội để tiến về Thiên Chúa. Vì có những loại yếu đuối xuất phát điểm cũng ở ta mà kết thúc cũng ở nơi ta. Theo Thánh Nữ Catarina thì “chúng ta chỉ tới được bến cảng hoàn thệin qua những thử thách buộc chúng ta tuỳ thuộc vào Thiên Chúa thay vì tuỳ thuộc vào chính chúng ta”. Nghĩa là nếu ta chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân để cố gắng vượt qua sự yếu đuối thì đó không phải là loại yếu đuối có thể dẫn đến Thiên Chúa, mà đó chỉ là sự kiêu ngạo của ta. Còn nếu chúng ta biết cậy nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa thì đó mới chính là cơ hội để tiến gần đến “bến cảng hoàn thiện”.
 
 
Cao Nhất Huy
 
 
 
 
SÁCH THAM KHẢO

1. Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM, Cho một đức tin sống động, Nhà xuất bản tôn giáo, 2009.
2. Mary Ann Fatula (OP), Đôi cánh tình yêu “con đường nên thánh của thánh nữ Catarina Siena”, Nguyễn Văn Chữ chuyển ý (OP), Nhà xuất bản tôn giáo, 2009.