Clock-Time

​Cuộc xử án Đức Giêsu không có thật phải không?

Khoa phê bình đã vạch trần tính cách khó tin, không thật của cuộc xử án Đức Giê-su. Đầu tiên, cuộc xét xử trước Hội đồng Công tọa là không thật

+ VẤN:

Khoa phê bình đã vạch trần tính cách khó tin, không thật của cuộc xử án Đức Giê-su. Đầu tiên, cuộc xét xử trước Hội đồng Công tọa là không thật; rồi đến sự kiện vị thẩm phán La mã đã điều khiển cuộc xử án cách vô lý khi ông ta yêu cầu dân chúng làm điều lẽ ra ông phải làm, cũng không đáng tin; cuối cùng, việc chính vị thẩm phán ấy lại tuyên án đóng đinh kẻ mà ông mới công khai tuyên bố là vô tội, chỉ vì đám đông quá khích kêu gào; “đóng đinh nó vào thập giá” lại càng có vẻ khó tin hơn nữa…

 

+ ĐÁP:

Giả sử rằng, theo một lối lý luận nào đó và dựa trên một số nguyên tắc đạo đức riêng biệt nào đó, tính cách khó tin của những biến cố tương tự được cầm bằng hiển nhiên, thì thử hỏi ta có quyền nại vào đấy để bác bỏ chúng vì lẽ là không thật không? Người ta đã viết rất nhiều và với một sự minh bạch khôn tả để bêu riếu những tội ác tày trời của Hitler và những kẻ cuồng tín theo hắn. Việc họ tra tay thực hiện vô số những sự tàn bạo như thế, và đôi khi lại còn đanh bóng những hành động phi nhân tàn bạo ấy bằng một lớp sơn “bình đẳng” nữa, lại chẳng mang đầy tính cách khó tin và phi lý sao? Thế mà, đó vẫn là những sự kiện có thật trăm phần trăm, chứ không hề là những huyền thoại. Vậy, trong lãnh vực sử học, nguyên tắc về tính cách kỳ lạ khó tin chỉ có thể được áp dụng đối với việc sưu tầm tài liệu mà thôi. Một đoạn văn nào đó có vẻ khó tin hay phi lý, có thể vì kẻ viết lại hay quả quyết điều đó không đưa ra được một chứng từ vững chắc; hoặc có những tác giả khác, nghiêm chỉnh hơn, đáng tin hơn, nói ngược lại với điều người ấy viết; hay còn có thể vì tính cách phiến diện hoặc sự sai lầm của nó quá hiển nhiên.

Những lý do tạo ra nét khó tin hay không thật khiến cho bài tường thuật của Tin Mừng bị coi như thiếu nền tảng lịch sử hay ít nữa là một số lớn chi tiết trong đó bị cho là không chính xác, những lý do đó nằm trong đoạn nói về việc Hội đồng Công tọa xét xử Đức Giêsu cũng như trong những cung cách hành động của vị toàn quyền La mã.

Và tựu trung ta thấy có thể có hai lý do để giải thích cho việc phiên tòa xử Đức Giêsu trước Hội đồng Công tọa bị coi là khó tin, không thật.

- Trước tiên là do những dị biệt, bất đồng giữa 4 Phúc âm thư… Dưới mắt của một số người, dường như có sự mâu thuẫn giữa 4 sách ấy khi nói về cuộc xử án Đức Giêsu: Matthêu và Marcô thì cho thấy hình ảnh một tù nhân Giêsu bị bắt và bị dẫn ngay trước mặt Hội đồng Công tọa; còn Luca thì bảo Đức Giêsu bị điệu đến nhà Thầy cả Thượng phẩm trước, rồi mãi đến sáng hôm sau mới bị đem ra xét xử; cuối cùng, với Gioan thì cuộc xét xử lại diễn ra ngay tại nhà Thầy cả An-na, còn phiên tòa trước mặt Cai-pha và Hội đồng Công tọa đều không thấy nói tới.

- Kế đến, thủ tục xét xử của Hội đồng Công tọa hôm ấy lại không đi đôi với những mẹo mực ấn định trong các văn bản Do thái cổ, đặc biệt là trong tập sách nhan đề “Hội đồng Công tọa”.

Rủi thay, trong phạm vi hạn hẹp của bài giải đáp này, ta không thể đi sâu hơn nữa để giải thích những khó khăn vừa nêu cũng như để minh chứng cho thấy rằng chúng không có một tầm quan trọng quá lớn đến nỗi có thể khiến ta coi nhẹ và bất tín nhiệm những bài tường thuật của các sách Tin Mừng. Ngoài ra, đối với những mâu thuẫn ngoại diện, giả tạo thì đã có nhiều sách chú giải Tin Mừng đúng đắn vạch mặt chỉ tên và giải tỏa rồi. Riêng đối với khó khăn thứ hai trong hai khó khăn gây ra tình trạng có một số người bất tín nhiệm cuộc xử án Chúa Giê-su được ghi lại trong các sách Tin Mừng, thì ta đừng nên quên rằng: Bộ luật về thủ tục tố tụng Do thái được viết ra sau thời Chúa Giê-su Ki-tô, và lại có vài phần trong đó mãi đến mấy thế kỷ sau mới được soạn thảo; vả lại, bộ luật ấy phần lớn chỉ có tính cách lý thuyết, vì  Hội đồng Công tọa không còn nữa. Và cả đến chính bộ luật ấy cũng chứa đựng không ít những khó khăn nội tại.

Hơn nữa, ai cũng biết những phiên tòa dựa trên tình cảm bốc đồng quá khích không phải là hiếm có trong lịch sử. Nhờ nhiều văn liệu khác ngoài Tin Mừng, ta biết rằng cuộc tử nạn của Đức Kitô bị coi như một bất công tày đình mà vài thủ lãnh Do thái, thông đồng với nhà cầm quyền La mã đã phạm. Chỉ ít lâu sau các biến cố đó, những điều này đã được những kẻ phần lớn xuất thân từ cái thế giới Do thái nổi tiếng ấy rao giảng và viết ra. Dựa vào nhiều dấu chỉ, ta có thể suy diễn rằng lời rao giảng của họ đã được một số người Do thái đón nhận và nhóm người này tạo thành một  Giáo hội có tổ chức hẳn hoi; do nhiều nguyên cớ khác nhau, Giáo hội ấy đã dần dần biến mất, nhất là từ sau thời đại đế Cons-tan-ti-nô. Trong các lời rao giảng ấy, không có chỗ nào cho thấy Kitô hữu chối bỏ bài tường thuật của Tin Mừng về cuộc khổ nạn của Đức Kitô, hoặc sửa đổi nó bằng cách không nhận có phiên toà của Hội đồng Công toạ cũng như không nhận rằng vài kẻ trong các vị tiền bối của họ phải lãnh trách nhiệm đối với vụ án bất công ấy.

Trước hết, đối với cách xét xử hàm hồ của Philatô thì: Tiên vàn nên nhớ là ta biết rất ít về thủ tục tố tụng La mã áp dụng trong các phiên tòa tại các tỉnh; rồi trong các xứ chư hầu của đế quốc cũng thế, ta chẳng biết gì hơn. Các xử ấy thường có những luật lệ riêng biệt, xứ Giu-đa cũng vậy.

Còn về chuyện Đức Giêsu bị đặt ngang hàng với Baraba để dân chúng chọn lựa, ta có thể khẳng định là, từ lâu, trong luật Rôma đã có điều khoản về sự xá miễn, tức là việc phóng thích một tù nhân chưa được xét xử. Nhưng, thói quen tha một tù nhân vào dịp lễ Vượt Qua thì ta chỉ biết được nhờ chứng từ của Tin Mừng; cũng có một văn liệu Do thái trong sách Tan-mut có thể xác nhận điều đó, nhưng tài liệu ấy không hoàn toàn đáng tin. 

Rồi đến sự can thiệp bất ngờ và có tính cách quyết định của đám đông thì ta cũng đừng quên rằng đã hơn một lần dân Do thái dùng cách ấy để làm áp lực với Philatô. Thật thế, vừa đến Giêrusalem (vào năm 26 sau kỷ nguyên Kitô), Philatô đã phải một lần nhượng bộ. Ông đã phải bãi bỏ một sắc lệnh do chính tay mình ban bố, đó là sắc lệnh buộc treo cờ và biểu hiệu mang hình Hoàng đế La- Mã, vì điều đó đi ngược với tâm tình tôn giáo của người Do thái. Thế là tính cứng rắn của ông, vừa mới xuất đầu lộ diện đã phải lùi bước ngay trước sự nài nẵng của dân chúng, nhưng rồi cuối cùng, do lệnh của hoàng đế, ông cũng đành phải nhượng bộ. Ngoài hai trường hợp điển hình trên ta còn có thể thêm vào nhiều thí dụ khác về những hành động đáng trách tương tự của ông ta. Mãi đến năm 36 sau Chúa Cứu thế Giáng Sinh ông mới bị cách chức và bị trừng phạt nặng nề sau vụ những người Samari nổi lên phản kháng vì quá phẫn uất trước những biện pháp vô nhân đạo ông ta bắt họ phải gánh chịu trong một vài trường. Đây không phải là những chuyện do các Kitô hữu bịa ra mà là một trong những sự kiện có thật  do Flavius Josephus, một sử gia Do thái thời đó, thuật lại trong tác phẩm thứ  hai của ông nhan đề: “Chiến tranh Do thái” và một phần trong các tác phẩm khác nữa…  Bấy nhiêu đã đủ để có thể hiểu việc Philatô cương quyết bác bỏ lời nài xin của người Do thái; có thể một thứ cảm thức nào đó về công bình đã thúc đẩy ông; nhưng đúng hơn , có lẽ đó là do lòng khinh bỉ đối với dân bị trị mà ông hành động như thế. Rồi sự nhượng bộ của Philatô sau đó lại được giải thích bởi tâm trạng dửng dưng trước số phận một tên Do thái xa lạ Giêsu cũng như bởi tính xu thời vị lời của ông: mối đe dọa sẽ bị tố cáo bởi Hoàng đế (Ga 19,12) và có thể đưa đến kết cục là một sự thất bại như bao nhiêu lần khác, hoặc ít nhất cũng mang lại những rắc rối khó chịu cho ông khiến ông chùn bước.

Để kết luận, ta thấy: Tính cách không thật, khó tin của phiên tòa xử Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn, những nét ngụy tạo của nó, đã từng được công bố nhiều lần và ngay cả bởi những chuyên gia có thế giá trong lãnh vực lịch sử, văn chương hay luật pháp. Dầu vậy, những luận cứ của họ không hề làm lay chuyển niềm tin vào bài tường thuật của Tin Mừng nơi nhiều người khác, đông gấp bội và cũng chuyên môn, cũng có thế giá không kém những người trên. Họ vẫn tin và phê phán rằng những luận cứ ấy không đủ mạnh để làm lay chuyển niềm tin đó.

Vậy, giáo dân không nên để bị những lời khẳng quyết tuyệt đối và độc đoán vì chỉ dựa trên những điểm khó tin ấy làm chóa mắt thêm nữa. Chúng không bao giờ có thể là một tiêu chuẩn phán đoán có thể áp dụng vào việc lượng giá một sự kiện lịch sử.

Nguyên tác: số mục (16) quyển III           A.Penna