Làm sao một tạo vật có thể làm Mẹ Thiên Chúa?
Làm sao một tạo vật- hoàn toàn thánh thiện, đồng ý- nhưng chỉ mới có mặt trên thế gian cách nay vào khoảng 1900 năm lại có thể là Mẹ Thiên Chúa...
LÀM SAO MỘT TẠO VẬT CÓ THỂ LÀM MẸ THIÊN CHÚA?

VẤN: Tôi chưa hề gặp thấy, trong sách cũng như trong các bài giảng một lời giải thích nào về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa mà ta thường dùng để kêu cầu cùng Đức Trinh Nữ. Làm sao một tạo vật- hoàn toàn thánh thiện, đồng ý- nhưng chỉ mới có mặt trên thế gian cách nay vào khoảng 1900 năm lại có thể là Mẹ Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời và là Cha của mọi loài. Vì chính Người đã tạo dựng tất cả, Kể cả rất Thánh Đức Bà Maria.
ĐÁP: Tôi thường gặp nhiều Kitô hữu nghĩ như trên. Họ đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”, nhưng thực ra chỉ đọc cách hoàn toàn máy móc. Họ không hiểu, và nếu có tình cờ nghĩ đến thì lại cho đó là một điều kỳ dị, hoặc có khi còn cả dám nghĩ rằng điều ấy không đúng. Tuy nhiên, đây là một tín điều phải tin.
Trước tiên phải nhận rằng lời phản đối trên đúng. Thật vậy, Đức Maria không sinh ra Con Thiên Chúa xét theo Thiên tính hằng hữu và siêu việt của Người, mà chỉ sinh ra Con Thiên Chúa xét theo nhân tính mà Người mặc lấy trong thời gian để làm một người phàm ở giữa chúng ta và để cứu chuộc chúng ta.
Nhưng, khi cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa, có phải Đức Maria chỉ tặng cho Người một “Bộ áo” thôi không? Không, hơn một bộ áo nhiều. Đức Maria không phải chỉ là một “Cô thợ máy” đã may cho Thiên Chúa một bộ đồ. Người là Mẹ của chính Con Người vốn là vị Thiên Chúa làm người ấy.
Ta phải hiểu thế nào là mẫu tính nói chung. Điều này rất quan trọng. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng dựng nên linh hồn bất tử cho mọi hữu thể nhân linh. Thế thì ta phải nói rằng thân mẫu của mỗi người chỉ là cô thợ may làm công việc mặc quần áo cho cái linh hồn của người ấy thôi sao? Tức bà chỉ là mẹ của thân xác, của thịt máu người ấy thôi sao? Không. Bà là mẹ của con người mà bà đã cho chào đời, của tất cả con người ấy, chứ không phải chỉ là mẹ của một phần nào đó trong con người ấy mà thôi. Bà chỉ đóng góp có một phần, đúng, nhưng điều đó không ngăn cản việc bà là mẹ của một con người, một nhân vị. Mọi bà mẹ và mọi người con đều hiểu dễ dàng điều tôi vừa nói.
Chắc chắn trường hợp của Mẹ Maria thì khác, vì Mẹ đã cho chào đời một người Con vốn đã hiện hữu từ trước đời đời như là một Ngôi Vị thần linh. Nhưng, coi chừng! Chính người Con này đã chọn Đức Maria, đã muốn Bà làm mẹ mình. Như mọi con cái loài người, Người đã được Mẹ cưu mang, đã được hình thành trong lòng Mẹ qua 9 tháng trời, và đã được Mẹ cho chào đời cùng nuôi nấng. Vậy, Người quả là Con thật của một bà Mẹ thật. Và, ở đây cũng thế, thật là phi lý nếu muốn chia cắt, phân biệt. Như tất cả các bà mẹ khác, Đức Maria là Mẹ của chính Con Người mà Mẹ sinh ra, nhưng Con Người ấy không phải là một Nhân Vị mà là một Ngôi Vị thần linh. Vậy, Mẹ đúng là Mẹ của Con Người ấy, và Mẹ chỉ sinh ra Người về phần nhân tính mà Người đã mặc lấy để cứu chuộc chúng ta chứ không sinh ra Người xét theo thiên tính hằng hữu của Người.
Điều ấy không hoàn toàn dễ hiểu. Thật thế, vào khoảng năm 429-430, Nétôriô, dầu là một bậc vị vọng, Tổng giám mục thành Constantinôpôli, một thành phố vĩ đại, một tân thủ đô, đã chống lại mầu nhiệm này. Ong đả phá thuật ngữ Theotokos. Từ ngữ Hylạp ấy có nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa”, hay chính xác hơn phải dịch là “Người sinh ra Thiên Chúa”, hoặc mạnh hơn nữa “Người đẻ ra Thiên Chúa”, vì tokos là một từ ngữ thuộc về y học và sinh vật học có ý nghĩa rất hiện thực, để chỉ hành động sinh đẻ cụ thể về mặt sinh lý, được dùng chung cho loài người cũng như loài vật. Nétôriô nhất quyết bác bỏ điều đó. Theo ông, người ta không thể sinh ra.
Thiên Chúa, cũng như theo ông, những thành ngữ sau đây đều không thể chấp nhận: “Thiên Chúa đã chịu khổ nạn”, “Thiên Chúa đã chết trên thập giá”. Tuy nhiên, các giám mục họp Công dồng ở Êphêsô đã luận phi lập trường của ông: các ngài làm thế không phải chỉ nhắm tôn vinh Mẹ bằng một tước hiệu cao sang, nhưng vì đó là điều quan yếu đối với đức tin, đối với mầu nhiệm Nhập thể, và cả với ý nghĩa của sự cứu độ. Thật vậy, trong nhãn quan của Nétôriô, sự duy nhất của ngôi vị nơi Đức Kitô đã bị tiêu huỷ. Vì ông đã phân Người ra làm hai: một bên là Thiên Chúa và một bên là con người. Người ta không còn quan niệm được rằng đó chỉ là một ngôi vị duy nhất. Trong khi thật ra dù Ngôi Vị thần linh vẫn tiếp tục sống sự sống thần linh và vĩnh cửu của mình, không có gì thay đổi, nhưng chính Ngôi Vị ấy, trong bản tính nhân loại của mình, đã phải nhận chịu quy luật của thời gian, của sự tăng trưởng, của đau khổ và của cái chết. Theo lối hiểu của Nétôriô, dường như những hành động do Đức Kitô nhân loại thực hiện (những nỗi đau khổ, cái chết…) không phải là những hành vi của Con thiên Chúa. Thiên Chúa đã không giáng sinh, không chịu khổ và không chịu chết vì chúng ta. Như thế, tất cả mầu nhiệm cứu độ, tất cả mối tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô và tất cả tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta đều biến dạng.
Thật là một nguy cơ trầm trọng nếu hai kẻ yêu nhau lại lầm lẫn về tình yêu giữa họ, hoặc hai người bạn thân mà lại hiểu sai về tình bạn của nhau. Và, có cái nhìn sai lạc về con người mà mình đem lòng yêu mến cũng là một điều nguy hiểm không kém. Vậy, phải nói sao về tình yêu của vị thiên Chúa đã muốn mặc lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân để làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta!
Chớ gì tình yêu Thiên Chúa của chúng ta vẫn luôn giữ được mức nồng cháy và đầy yêu sách như của cha ông chúng ta. Vì, một khi đức tin suy yếu, chúng ta chỉ còn một sự hiểu biết sai lạc về Thiên Chúa, một hình ảnh méo mó về Người. Than ôi! Nếu lòng yêu Thiên Chúa nơi ta không tăng lên được, phải chăng thường bởi tại chúng ta không hiểu biết Người thật sự, trọn vẹn!
Nguyên tác: số mục (17) quyển II
R. Laurentin