Clock-Time

Một cách nhìn về sự hiện hữu của Thiên Chúa

Sự hiện hữu của Thiên Chúa - Làm thế nào để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa?...
PHẢI CHỨNG MINH SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA CÁCH NÀO?

 
  • VẤN:
Tôi xin được trở lại với vấn đề: Làm thế nào để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa?... Thưa cha Haering, tôi không dám nghi ngờ khả năng của cha, nhưng theo tôi, có vẻ không được hợp lý lắm khi quả quyết rằng: “Đứng trước một người bạn không những chỉ đã ngỏ lời với ta mà còn hiến mạng sống mình để cứu ta thì việc ta luôn muốn đưa vào những chứng cứ nhằm tự thuyết phục mình về sự hiện hữu của anh ta là một điều xúc phạm và phí giờ vô ích. Điều đó chỉ có thể chấp nhận trong trường hợp anh ta đã không bao giờ biểu lộ một dấu chỉ sự sống nào.”

Vấn đề được nêu lên nằm trên một bình diện khác, đó là: Có thật sự là người ấy đã ngỏ lời với tôi không …

Và tôi thiết nghĩ, cha cũng đi hơi quá lố khi bảo rằng: “Nhu cầu cần phải có những giải thích dài dòng và nhiêu khê để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa là một dấu hiệu đáng buồn về sự nghèo nàn và yếu đuối tinh thần…” Điều đó ngược lại với lịch sử về biết bao nhân vật không nghèo nàn mà cũng chẳng yếu đuối tí nào về mặt tinh thần.
 
  • ĐÁP:
Giáo Hội khăng khăng chủ trương và mạnh dạn công bố như một chân lý đức tin rằng: “Thiên Chúa, duy nhất và chân thật, là Đấng sáng tạo và là Chúa chúng ta, có thể được nhận biết cách chắc chắn nhờ vào ánh sáng tự nhiên của lý trí nhân loại” (CĐ Vat.I; Dz 1806). Tuy vậy, ta sẽ làm méo mó cách bất công giá trị tôn giáo của lời tuyên bố nói trên nếu ta vịn vào đấy mà khẳng quyết: chỉ cần nhờ vào Triết học thuần lý và ngôn từ chuyên môn của nó cũng đủ để có thể có được một tri thức chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, MỘT CON TIM NGAY CHÍNH VÀ MỘT TRÍ KHÔN CỞI MỞ CỦA BẤT CỨ MỘT CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG NÀO SỐNG GIỮA CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI TRONG MỘT XÃ HỘI LÀNH MẠNH ĐÃ ĐỦ ĐỂ CÓ THỂ NHẬN BIẾT VÀ KHẲNG QUYẾT CÁCH HOÀN TOÀN THUẦN LÝ VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA.
 
AI CÓ THỂ NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA?

Có một thức tri thức Triết học lạnh lùng và trừu tượng trong đó giữa chủ thể biết và việc khẳng định chân lý vẫn còn một sự ngăn cách nào đó. Đồng thời cũng có một thứ tri thức sáng sủa hơn, tròn đầy hơn. Đó là tri thức về chân - thiện, phát sinh từ một sự tương cảm sâu xa với cái chân và cái thiện cũng như từ một sự quy hướng căn bản của hữu thể về các giá trị này. Ai không có được một mức độ thiện hảo tự nhiên khá cao sẽ phải nỗ lực khá nhiều để tiến từng bước một trong việc nhận biết những chân lý đạo đức. Cá nhân sẽ khó nhận ra cái chân, cái thiện khi sống trong một môi trường có một đời sống luân lý tầm thường. Đối với sự nhận biết Thiên Chúa cũng thế.

Toàn thể nhân loại nói chung, và từng cá nhân nói riêng, sẽ dễ dàng nhận ra cách sung mãn sự hiện hữu của Thiên Chúa, dù chỉ với những sức lực tự nhiên, nếu tội lỗi đã không xuất hiện trong lịch sử. Cách chung, gia đình nhân loại không thể viện dẫn những lý lẽ bào chữa cho việc càng ngày sự nhận biết Thiên Chúa càng trở nên khó khăn. Thánh Phaolô khẳng định: “Vì chưng những gì có thể biết được về Thiên Chúa thì Người đã bày tỏ ra cho họ cả rồi” (Rm 1,19). Nói thế, thánh Phaolô không hề nghĩ rằng nhân loại còn phải chờ đợi sự xuất hiện và khai triển của khoa học triết lý mới có thể hoàn toàn nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. “Vì từ buổi tạo thành vũ trụ, trí khôn đã nhìn ngắm được nơi công việc Người làm những gì toàn thiện nơi Người, và quyền năng hằng có cùng thần tính của Người mà mắt xác thịt không thể nhìn thấy” (Rm 1,20). Con người dù làu thông triết học hay không, đều không thể tìm ra một lời chạy tội hợp lý cho việc họ từ chối hay nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa mạc khải sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Người trong chính nội cung thâm sâu của con người, vốn là tạo vật được dựng nên “theo hình ảnh Người và giống Người”.
 
KHÔNG THỂ BÀU CHỮA

Nhưng, vì con người, khởi sự từ tổ tiên chúng ta, đã nhiều lần nhiều cách từ khước bổn phận nhận biết Thiên Chúa, Đấng mà lẽ ra họ phải nhận biết qua các kỳ công Người đã làm, nên tri thức về Thiên Chúa lu mờ dần và trở thành điều khó khăn đối với đa số nhân loại. Thật vậy, làm sao có thể chấp nhận cách hợp lý và thực sự rằng “Người là Đấng dựng nên chúng ta”, nếu ta không muốn tôn vinh Người là Chúa và là Đấng Sáng tạo? Thánh Phaolô cho rằng chính tội là căn nguyên của sự tối tăm u muội ấy, và nhất là sự bành trướng của tội trong suốt lịch sử nhân loại: “Họ vô phương chữa mình vì rằng họ đã biết Thiên Chúa, mà lại không tôn vinh Người như Thiên Chúa, hay không tạ ơn Người, nhưng họ đã thác loạn trong các suy tưởng của họ; và lòng ngu muội của họ sầm tối lại” (Rm 1,20-21).

ĐỐI VỚI TỪNG TRƯỜNG HỢP CÁ BIỆT, TỪNG CÁ NHÂN RIÊNG RẼ

Với những lời ấy, Thánh Tông đồ đã phác họa một viễn ảnh tổng quát mà thực ra không hàm chứa một phán quyết tối hậu về một cá nhân riêng rẽ nào, vì có thể cá nhân ấy sẽ chỉ có được một đức tin trọn vẹn nơi Thiên Chúa sau khi đã kinh qua những khó khăn nặng nề, những cuộc chiến nội tâm và một viễn trình trí thức dai dẳng. Những khó khăn lớn lao nhất thường đến từ một môi trường vô tín. Ngoài ra, cũng có những trường hợp khác mà tình cảnh còn bi đát hơn nhiều, thí dụ sự khó khăn đối với một người ngay thẳng và hoàn toàn sống trong một môi trường theo Kitô giáo cách công khai, chính thức: người ấy cũng thường đi nhà thờ đấy, nhưng tận thâm tâm lại coi nhẹ vấn đề tôn giáo.

Bên cạnh những khó khăn đến từ một môi trường thực sự vô thần hoặc chỉ mang nhãn hiệu tôn giáo một cách hời hợt bên ngoài, còn có rất nhiều những nguyên do cá nhân khác thuộc lĩnh vực tâm lý khiến cho một người thông minh và đầy thiện chí có thể không ngừng cảm thấy có nhu cầu phải trở lại và duyệt xét lại tất cả những lý do thuận nhận hay phản đối sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, đối với cảnh huống đặc biệt của một con người bình thường, sống trong một môi trường Kitô giáo thật sự và có một tri thức chính xác về mạc khải, thì việc ngay cả những luận chứng tự nhiên đơn sơ nhất cũng có được một sự minh bạch vững chắc nhờ ánh sáng mạc khải và bất chấp tội lỗi của nhân loại là một điều hiển nhiên.

Đó cũng chính là điều mà Công đồng Vatican I đã tuyên dạy dù vẫn biết và không hề có ý coi nhẹ những khó khăn do tội lỗi gây ra trong việc nhận biết Thiên Chúa. Vatican II cũng lấy lại giáo huấn ấy và xác định rằng: “Chính nhờ mạc khải mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí của con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng chắc chắn mà không lẫn lộn, sai lầm” (MK 6).
 
Nguyên tác: số mục (2) quyển I
B. Haering