Clock-Time

Nếu con người có tự do, tại sao lại tìm cách kêu họ trở lại?

Nếu Chúa đã thật sự ban cho con người một “ý chí tự do” thi thử hỏi “vấn đề truyền giáo” còn có ý nghĩa không?
NẾU CON NGƯỜI CÓ TỰ DO, TẠI SAO LẠI TÌM CÁCH KÊU HỌ TRỞ LẠI?
 

 
  • VẤN:
Nếu Chúa đã thật sự ban cho con người một “ý chí tự do” thi thử hỏi “vấn đề truyền giáo” còn có ý nghĩa không? Cứ để cho mỗi cá nhân, mội nền văn minh tự thẩm định về tư tưởng của chính mình lại chẳng phải là điều hợp lý và đúng với các nguyên tắc của Kitô giáo hơn sao?
 
  • ĐÁP:
Tiền đề của bạn hoàn toàn đúng. Quả nhiên Thiên Chúa đã phú cho con người một ý chí tự do, và đó là một cấu tố nội kết của chính yếu tính con người chứ không phải chỉ là một điều thêm thắt về sau.

Tuy nhiên, theo tôi hậu kết mà bạn rút ra có vẻ khó chấp nhận được. Thật vậy, việc con người được phú ban một ý chí tự do không có nghĩa là hắn được làm bất cứ việc gì mình thích. Nhưng đúng ra hắn phải hành động dựa trên những mẹo mực rõ rệt đã được xác định, nếu hắn biết được những mẹo mực ấy. Vì thế ta mới thấy trong thế giới có sự hiện diện của một số đòi hỏi khiến cá nhân phải chấp hành một thái cử nhất định, vì tôn trọng lợi ích chung của xã hội. Và ta mới thấy cha mẹ có quyền đòi hỏi con cái một số điều nào đó, hoặc quốc gia có quyền ban bố một số luật lệ rõ rệt, dầu vậy vẫn không tiêu diệt ý chí tự do của người dân. Trong những trường hợp kể, không có chuyện cưỡng bức hay giới hạn ý chí tự do, mà chỉ vạch ra những khoảng đất dụng võ cho nó mà thôi. Khi quyền bính không vượt quá giới hạn của mình, thì không cần phải xét lại những cung cách của nó; vì tự do con người, tự bản tính, luôn là một thứ tự do khuôn mình một bối cảnh nhất định, một thứ tự do “huống cảnh” như các triết gia thường nói.

Chắc chắn chúng ta phải thận trọng khi áp dụng những thí dụ như thế vào trường hợp Giáo Hội. Trong sắc lệnh về tự do tôn giáo, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định minh bạch rằng trong mọi trường hợp, không được dùng bạo lực cưỡng bức bất cứ ai phải gia nhập một tôn giáo đó, hoặc ngược lại, ngăn cản họ thực hành tôn giáo của họ. Theo Công đồng, quyền tự do tôn giáo này tiên vàn phải xuất phát từ phẩm giá của một con người có ý chí tự do. Trong chiều hướng đó, nỗi bận tâm của các bạn đã được biện chính: đúng vậy, phẩm giá cao quý, ý chí tự do của con người không ngăn cản Giáo Hội chu toàn sứ mạng của mình; tuy nhiên, nó đòi hỏi Giáo Hội, khi thực hiện sứ mạng đó, phải khước từ mọi hình thức cưỡng bức và bạo lực bên ngoài cũng như mọi thứ tuyên truyền không đi đôi với phẩm giá ấy. Lời rao giảng của Giáo Hội là một lời gởi đến sự tự do của lương dân trong niềm tôn trọng hoàn toàn ý chí tự do cá nhân của họ. Ngược dòng lịch sử, ta phải thành thật nhận rằng nhiều khi nguyên tắc tự do tôn giáo không được tôn trọng, và bộ trường thiên lịch sử truyền giáo cũng có rải rác đó đây vài trang rất đen tồi. Tuy nhiên, mặt khác ta đừng quên rằng: xét đoán những hành động trong quá khứ theo những nguyên tắc chỉ vừa mới được đưa ra ánh sáng trong những tháng năm gần đây là một việc rất dễ nhưng lại đi ngược với tinh thần sử học.

Như thế, ta có thể an tâm kết luận rằng sứ mạng của Giáo Hội chắc chắn không hề mâu thuẫn với phẩm giá và tự do của con người. Giáo Hội chu toàn sứ mạng đó, không phải vì khao khát quyền uy mà chỉ vì Đức Kitô đã giao cho mình trách nhiệm ấy, và khi thực thi nó, Giáo Hội không hề nhằm biến con người thành nô lệ: Giáo Hội mang lại cho con người sứ điệp Tin Mừng, một sứ điệp nhằm đem đến cho họ sự tự do đích thực của Đức Kitô, và mời gọi họ đến dự tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn cho tất cả mọi người. Mọi dân tộc cũng như mọi cá nhân đều có tự do chấp nhận hay từ khước lời mời gọi này, họ chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về sự chọn lựa ấy. Lại nữa, khi chu toàn sứ mạng đã được trao phó, Giáo Hội bị bó buộc phải luôn vâng lời Đức Kitô là Chúa của mình. Nó phải hoàn tất sứ mạng ấy như là một sự phục vụ và trong tinh thần phục vụ nhân loại được mời gọi đến ơn cứu độ nhờ đức tin vào Đức Kitô. Dĩ nhiên, việc Thiên Chúa cũng có thể ban ơn cứu độ cho những kẻ không nhận biết sứ điệp của Chúa Kitô nhưng không phải do lỗi của chính họ, chắc chắn không phải là một điều bất khả.

 
Nguyên tác: số mục (7) quyển II
M. Lohrer